Bắc Ninh đa dạng mô hình cấp nước sạch nông thôn
Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh Bắc Ninh đã được triển khai mạnh mẽ, đạt những kết quả khả quan. Đến nay, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt 96%. Tuy nhiên, số người dân được sử dụng nước sinh hoạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế mới đạt 47%.
Nỗ lực của địa phương
Tính đến hết năm 2014, khu vực nông thôn của tỉnh Bắc Ninh có 32 công trình cấp nước sạch tập trung đã đưa vào sử dụng, với công suất 29.419 m 3/ngày đêm, cấp nước sạch cho gần 163 nghìn người, chiếm 21% số dân nông thôn. Các dự án cấp nước sạch nông thôn đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhiều công trình đạt hiệu quả đầu tư cao, với gần 100% số người đã sử dụng nước sạch, điển hình là các trạm cấp nước phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn), xã Trung Kênh, xã Tân Lãng (huyện Lương Tài), xã Trí Quả (huyện Thuận Thành), thôn Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong), xã Song Hồ (huyện Thuận Thành)…
Đưa chúng tôi đi thăm Nhà máy cấp nước sạch tập trung xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Bắc Ninh Lưu Văn Bắc cho biết, tổng kinh phí đầu tư cả hai giai đoạn của nhà máy khoảng 95 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Nhà máy cấp nước sạch tập trung xã Tam Giang bao gồm các hạng mục: Khu xử lý đầu mối, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của gần 70 nghìn người dân; nhà điều hành; nhà hóa chất; trạm bơm cấp hai; bể chứa nước sạch; khu vực trạm xử lý; công trình thu nước thô; lắp đặt hơn 10 km đường ống truyền tải trục chính; hơn 75 km đường ống mạng, ống dịch vụ và hơn 5.100 đồng hồ nước. Với công suất thiết kế 14.500m3 /ngày, đêm, nhà máy góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt cho người dân các xã: Tam Giang, Đông Thọ, Yên Phụ và dự kiến đến cuối năm 2015 mở rộng quy mô cấp nước sạch cho các xã Đông Tiến, Hòa Tiến (Yên Phong), Hương Mạc, Phù Khê (thị xã Từ Sơn).
Bác Lê Hữu Ngọc, thôn Đoài, xã Tam Giang, huyện Yên Phong cho biết, những năm trước đây, gia đình phải sử dụng nguồn nước từ giếng khoan để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, cho nên gia đình bác phải xây dựng hệ thống bể lọc khá tốn kém. Sau khi Nhà máy cấp nước sạch tập trung xã Tam Giang hoàn thành, gia đình bác Ngọc là một trong những hộ đi đầu lắp đặt, sử dụng nguồn nước sạch từ Nhà máy bởi chất lượng nước bảo đảm và chi phí giảm nhiều so với dùng nước giếng khoan như trước đây. Cùng gia đình bác Ngọc, đã có hơn 5.100 hộ gia đình đăng ký lắp đặt, sử dụng nước của Nhà máy cấp nước sạch tập trung xã Tam Giang. Đánh giá về hiệu quả của Nhà máy cấp nước sạch tập trung xã Tam Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Đặng Trần Trung chia sẻ, một trong những tiêu chí về môi trường để các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới là tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia, vì vậy hoạt động của nhà máy không chỉ giúp người dân khắc phục tình trạng thiếu nước sạch trong sinh hoạt mà còn là điều kiện, là tiền đề để các địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường, tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới.
Vào cuộc của doanh nghiệp
Lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn nhiều vấn đề vừa làm, vừa nghiên cứu, điều chỉnh và hoàn thiện. Trên thực tế, nguồn vốn đầu tư hằng năm của Nhà nước cho chương trình này còn hạn chế, chưa tập trung. Mặt khác, thị trường nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn mới hình thành, các chính sách khuyến khích đầu tư và cơ chế chưa thu hút được nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế. Các địa phương có dự án cấp nước đang thi công không đủ vốn đối ứng, do vậy việc thi công công trình còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nước sạch chưa thật sự thu hút được các doanh nghiệp. Theo đánh giá của một số doanh nghiệp đang có hướng đầu tư vào thị trường kinh doanh nước sạch của tỉnh Bắc Ninh, thị trường này tính rủi ro không cao, nhưng suất đầu tư khá lớn, hiệu suất thu hồi vốn chậm. Nói theo cách ví von của các doanh nghiệp là “bỏ tiền chẵn ra nhặt tiền lẻ”.
Là người tiên phong vào thị trường nước sạch, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Quang Đinh Thị Hồng cho biết, lúc đầu, doanh nghiệp cũng rất băn khoăn khi đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, mình là người Bắc Ninh, làm gì giúp cho bà con mình được thì nên làm. Chính vì suy nghĩ đó, chị đã mạnh dạn đầu tư hai nhà máy cấp nước sạch. Nhà máy An Thịnh, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, cung cấp nước cho sáu xã, với 6.000 hộ dân (25 nghìn nhân khẩu). Hiện công ty tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch Quảng Phú, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, với tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho 10 xã của hai huyện Lương Tài và Thuận Thành.
Tại thôn Vĩnh Trai, xã Trừng Xá, huyện Lương Tài, trước đây người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khơi và giếng khoan. Việc phải lọc nước, thay cát sỏi thường xuyên mất khá nhiều thời gian và công sức. Từ khi được sử dụng nguồn nước sạch do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phú Quang cung cấp, người dân rất phấn khởi.
Để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2015, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong thời gian tới Bắc Ninh cần tích cực hơn nữa trong việc đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý nước sạch từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời chú trọng huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng, quản lý và khai thác, nhằm giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước đối với các công trình cung cấp nước sạch tập trung cho người dân khu vực nông thôn. Mặt khác, cần có kế hoạch lồng ghép đầu tư xây dựng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói, giảm nghèo, thủy lợi.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chính là xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung. Làm được như vậy, thị trường cung cấp nước sạch vùng nông thôn mới được đa dạng hóa, người dân được tiếp cận với dịch vụ tốt nhất, chất lượng nhất, nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()