Bắc Ninh công bố quyết định thị xã Từ Sơn là đô thị loại III
Tối 1/12, Thị ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (1908-2018), công bố quyết định thị xã Từ Sơn là đô thị loại III.
Tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự, Bí thư Thị ủy Từ Sơn Bùi Quang Huy nhấn mạnh đồng chí Ngô Gia Tự là người con yêu tú của quê hương Từ Sơn, người Cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương Ngô Gia Tự sáng ngời về đạo đức cách mạng, là một trong những người sáng lập Đảng ta.
Sinh ra tại làng quê truyền thống khoa bảng Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình giàu lòng yêu nước, đồng chí Ngô Gia Tự đã sớm được thừa hưởng truyền thống quý báu của quê hương và gia đình. Ngay từ thủa thiếu thời, đồng chí đã nổi tiếng là người học trò thông minh, xuất sắc.
Khi học tại Trường Bưởi (Hà Nội), được tiếp xúc với tư tưởng yêu nước, tiến bộ, người thanh niên Kinh Bắc đã tích cực tham gia phong trào yêu nước, đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà chí sỹ Phan Bội Châu và tham gia tổ chức truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Do chống lại Chính phủ “Bảo hộ”, đồng chí Ngô Gia Tự bị chính quyền phong kiến- thực dân đuổi học. Đồng chí đã về quê hương lao động, tự đọc sách báo yêu nước và tìm bạn cùng chí hướng để hoạt động cách mạng.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Nam Kỳ, đồng chí Ngô Gia Tự được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam kỳ. Trên cương vị này, đồng chí luôn sâu sát cơ sở, bồi dưỡng nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, cổ vũ tinh thần quyết tâm chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng.
Tháng 5/1930, đồng chí Ngô Gia Tự bị sa vào tay địch trong lúc đang viết truyền đơn tại một cơ sở Đảng ở Sài Gòn. Từ dụ dỗ, mua chuộc tới cực hình, tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, nhưng kẻ thù không khuất phục được ý chí sắt đá của đồng chí. Trong lao tù của thực dân Pháp, đồng chí luôn nhắn nhủ mọi người “Chúng mình phải chịu hy sinh, phải hy sinh tất cả cho Đảng, sinh mệnh của Đảng quý hơn sinh mệnh của mình.”
Sau nhiều lần xét xử, thực dân Pháp đã kết án tử hình đối với đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và bí mật đưa đi đày tại Côn Đảo. Tại đây, đồng chí tiếp tục kiên cường đấu tranh “Biến nhà tù thực dân thành trường học Cộng sản,” đồng chí đã tham gia dịch nhiều tác phẩm về Chủ nghĩa Marx-Lenin, tìm mọi cơ hội để truyền bá các chiến sỹ cộng sản và các bạn tù học tập văn hóa, học tập lý luận cách mạng, nâng cao nhận thức, xây dựng niềm tin thắng lợi vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam và được tín nhiệm cử vào Ban Chi ủy Chi bộ Nhà tù. Cuối năm 1934, Chi bộ Nhà tù Côn Đảo bố trí để đồng chí vượt biển vào đất liền hoạt động nhưng tiếc thay, chiếc thuyền mong manh đã không chịu được sóng biển mùa gió chướng, đồng chí Ngô Gia Tự đã anh dũng hi sinh. Năm đó đồng chí vừa tròn 26 tuổi.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự là dịp để Đảng bộ và nhân dân Từ Sơn noi gương và học tập phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi: “Người đảng viên phải bảo vệ Đảng, ta vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta mà cách mạng hy sinh.’’
Phát huy truyền thống vẻ vang của các bậc tiền bối, nhân dân và cán bộ thị xã Từ Sơn đã phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, ngàn năm văn hiến và khoa bảng ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đã vươn lên đạt được những thành tích trong công cuộc đổi mới. Nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng quê hương Từ Sơn mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị-an ninh quốc phòng, văn hóa-xã hội phát triển.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XVII, nhân dân và cán bộ thị xã Từ Sơn đã nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2008-2018 là 11% đạt mục tiêu Đại hội đề ra. Trong đó công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 98,2%, Nông nghiệp chiếm 1,8%, thu ngân sách ước đạt 1.630 tỷ đồng tăng 1.287 tỷ đồng so với năm 2008, thu nhập bình quân đầu người trên 110 triệu đồng/ người/năm, gấp 2,6 lần so với bình quân cả nước. Năm 2017 thị xã Từ Sơn đứng đầu tỉnh Bắc Ninh về cải cách hành chính.
Với tinh thần chủ động, thị xã Từ Sơn đã thực hiện hàng loạt giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Được sự quan tâm của tỉnh, các tuyến đường đô thị theo quy hoạch nhanh chóng được triển khai xây dựng mới và nâng cấp mở rộng, như nâng cấp mở rộng đường tỉnh lộ 277, tỉnh lộ 295B, tỉnh lộ 295, tỉnh lộ 287; cải tạo nâng cấp đường Lý Thái Tổ được hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp thị xã Tư Sơn tăng cường liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đem lại diện mạo mới cho toàn thị xã.
Cùng với quy hoạch, xây dựng hệ thống đường giao thông, thị xã tập trung phát triển không gian, kiến trúc đô thị, hệ thống cây xanh, mặt nước, đầu tư 106 km điện chiếu sáng các tuyến đường, 100% công viên có điện chiếu sáng, lắp đặt hệ thống đèn Led, màn hình Led ngoài trời tại các tuyến phố trung tâm tạo thành điểm nhấn của một đô thị văn minh, hiện đại.
Trên địa bàn thị xã có 14 khu, cụm công nghiệp như khu công nghiệp VSIP, 1 phần Khu công nghiệp Tiên Sơn, Khu công nghiệp Hanaka, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ làng nghề, quy mô công nghiệp tăng nhanh, ngày càng hiện đại, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Nhờ đó giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp năm 2018 ước đạt 85.375,3 tỷ đồng, tăng 72.439,3 tỷ đồng so với năm 2008. Trong đó sản xuất công nghiệp của thị xã có 2 ngành chủ lực là sắt thép và đồ gỗ mỹ nghệ, đóng góp trên 80% về giá trị sản xuất của nhóm ngành này trong toàn tỉnh.
Về văn hóa-xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, các khu chức năng công cộng, khu di tích lịch sử văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng tạo ra một diện mạo mới cho thị xã Từ Sơn, hình thành chuỗi du lịch văn hóa tâm linh kết hợp làng nghề truyền thống, thu hút hàng vạn lượt khách đến thăm quan như khu di tích Đền Đô, Chùa Tiêu, Khu tưởng niệm đồng chí Ngô Gia Tự và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Thị xã có 67 cơ sở y tế, trong đó có 1 bệnh viện đa khoa, 1 trung tâm y tế. Trong những năm qua thị xã đã đầu tư xây dựng mới 10 trạm y tế xã, phường, kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đến nay 12/12 trạm y tế xã phường đạt chuẩn bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.
Thị xã ưu tiên nguồn kinh phí cho đầu tư các trường học, nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp từ 88,6 % năm 2008 lên 98,5% năm 2018, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ 65% năm 2008 đến năm 2018 đạt 100%. Trên địa bàn thị xã có 5 trường Cao đẳng và Đại học đã trực tiếp góp phần quan trọng đào tạo nhân lực, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thị xã và tỉnh Bắc Ninh.
Các thiết chế văn hóa được quan tâm, đặc biệt triển khai đầu tư xây dựng nhà văn hóa các thôn, khu phố; nhiều nhà văn hóa được xây dựng với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Công tác giảm nghèo được quan tâm, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo còn 1,18%. Từ năm 2014 đến nay thị xã đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 135 hộ nghèo, 125 hộ người có công.
Công tác an ninh-quốc phòng được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực; các điểm phức tạp về an ninh nông thôn từng bước được quan tâm giải quyết; công tác điều tra, khám phá các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ cao; những tụ điểm lớn về tệ nạn cờ bạc, mại dâm, ma tuý được tập trung triệt xoá, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn.
Với kết quả đạt được sau 10 năm thành lập, thị xã Từ Sơn được công nhận là đô thị loại III. Thay mặt Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã trao quyết định cho lãnh đạo thị xã Từ Sơn./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()