Bắc Ninh: Chắp cánh thương hiệu lúa nếp cái hoa vàng Yên Phụ
Gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ được thị trường đánh giá cao hơn so với các loại nếp của các tỉnh lân cận bởi đặc tính dẻo thơm, thanh ngọt, để 3-4 ngày sau nấu chín, gạo vẫn không bị khô cứng.
Nhiều năm nay, thương hiệu nếp cái hoa vàng Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh được người tiêu dùng ưa chuộng với đặc tính dẻo thơm, đậm đà.
Để xây dựng và phát triển thương hiệu gạo nếp cái hoa vàng VietGAP bền vững, hiện nay, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn không chỉ tổ chức phục tráng hạt giống mỗi năm, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn “chắp cánh” cho thương hiệu gạo nếp cái hoa vàng, mong muốn đưa sản phẩm đến người tiêu dùng cả nước.
Theo người dân xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, giống nếp cái hoa vàng của địa phương được lưu giữ và phát triển từ thời xa xưa để lại, được dùng để làm các loại bánh, cốm và làm hương liệu sản xuất ra các loại rượu tiến vua.
Tương truyền, tên gọi “nếp cái hoa vàng” bắt nguồn từ những bông lúa trên đồng trổ đòng, bên trong vỏ thóc có những bông hoa nhỏ li ti, phấn hoa có màu vàng trắng, khác biệt so với những giống lúa khác.
Đến khi nảy thành hạt, thóc mẩy tròn, có râu ở cuối hạt, khi thóc già xung quanh vỏ có ít lông ngà mượt.
Đến nay, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, là một trong những địa phương duy trì thành công giống lúa nếp cái hoa vàng nổi tiếng.
Mỗi năm, hạt giống nếp cổ được Viện nghiên cứu Cây trồng Trung ương nghiên cứu và phục tráng, nâng cấp chất lượng liên tục, đảm bảo gạo nếp cái hoa vàng giữ vững thương hiệu đặc sản của cùng đất Yên Phong trong nhiều năm.
Đặc biệt, thực hiện theo Luật hợp tác xã năm 2012, đến năm 2013, mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất lúa hàng hóa, mang lại giá trị cao hơn cho người dân.
Người dân Yên Phụ trồng lúa nếp cái hoa vàng theo mô hình VietGAP nhằm tăng năng suất và chất lượng gạo.
Theo ông Tô Như Khoa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ có hình thức đẹp mắt, các hạt mẩy đều, dáng bầu tròn, ít gãy, có màu vàng trắng đục.
Đặc biệt, ngay từ khi trổ bông đến khi sử dụng, nếp cái hoa vàng có hương thơm thanh khiết, dịu nhẹ.
Không chỉ về hình thức, chất lượng gạo nếp cái hoa vàng được đánh giá cao hơn so với các loại nếp của các tỉnh lân cận như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang…
Tỷ lệ tấm của gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ thấp, có hàm lượng protein và một số axit amin cao.
Khi sử dụng, gạo có mùi thơm nhẹ hấp dẫn, gạo mềm dẻo, khi thưởng thức có vị thanh ngọt, để 3-4 ngày sau nấu chín gạo vẫn không bị khô cứng.
Cũng theo ông Khoa, để làm ra sản phẩm nếp cái hoa vàng đạt chuẩn, quy trình sản xuất lúa bao gồm 3 công đoạn chính là chọn giống, chăm sóc và đóng gói sản phẩm, trong đó, khâu quan trọng nhất là chọn giống lúa, giống được chọn ngay tại ruộng, chọn bông lúa dé dài, có hạt mẩy đều, gọn bông, không chọn dé dưới để đảm bảo chất lượng gạo.
Giống lúa được mang đi phơi 3 nắng trên giàn cách ly đến khi nào hạt gạo có màu trắng đục là đạt chuẩn. Sau đó, hạt giống được đem ngâm nước trong 2 ngày 2 đêm, đem đãi sạch rồi cho vào bao tải, ủ chăn lên.
Chia sẻ kinh nghiệm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Đức Lân cho biết: “Từng vụ, hạt giống sẽ nảy mầm khác nhau, gieo hạt đúng thời điểm ‘mùa nứt nanh, chiêm xanh mầm,’ chất lượng thóc sẽ đạt tiêu chuẩn. Gạo nếp cái hoa vàng ngon nhất được trồng vào vụ mùa, thời tiết ấm áp, khả năng sinh trưởng tốt, kháng sâu bệnh, chúng tôi không mất nhiều thời gian và công sức chăm sóc.”
Theo bà Nghiêm Thị Lương, người đã có kinh nghiệm 30 năm trồng lúa nếp cái hoa vàng xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, khác với các giống lúa nếp khác, khi cấy, các cây mạ được đặt sâu tay hơn hơn với khoảng cách các cây lúa rộng hơn, khoảng 25cm.
Sau khi cấy 7-10 ngày, người dân sẽ bón đạm để kích thích cây lúa đẻ nhánh, sau đó phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ lần 1.
Khi lúa vào đòng, người dân bón thúc các loại phân và khoảng 4-5kg kali/sào, phun thuốc trừ sâu đục thân, sâu cuốn lá, đạo ôn cổ bông…, lần 2 theo quy định hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trung bình mỗi vụ nếp cái hoa vàng kéo dài khoảng 135 ngày, năng suất đạt 5 tấn/ha. Sau khi xay xát, mỗi tạ thóc cho thu về khoảng 80kg gạo.
Với giá bán trên thị trường 17.000 đồng/kg thóc, mỗi vụ, Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Đức Lân thu hoạch khoảng 250 tấn thóc, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 2,5 tỷ đồng/vụ.
Không chỉ tạo lợi nhuận cho người dân gieo trồng, sản xuất lúa nếp cái hoa vàng còn tạo việc làm cho các hộ dân khác, mang lại lợi nhuận cao kinh tế.
Điển hình, gia đình bà Tô Thị Nghĩa, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, nhận thấy nhu cầu xay xát tại địa phương lớn, đặc biệt khi chuyển sang sản xuất lúa hàng hóa, bà quyết định đầu tư hệ thống máy sấy, xay xát công nghệ cao trị giá 7 tỷ đồng.
Bà Tô Thị Nghĩa cho biết: “So với hệ thống xay xát gia công trước đây, máy xát công nghệ cao có ưu điểm nổi trội như lọc gạo sạch, phân chia gạo tẻ lẫn trong gạo nếp, tách vỏ, sạn ra khỏi gạo, hơn nữa mỗi ngày máy có thể xay xát 20 tấn thóc/ngày.”
Cụ thể, với giá xay xát 50.000 đồng/tạ thóc, mỗi năm mô hình xay xát gạo của bà Nghĩa tạo việc làm ổn định cho 7 công nhân với mức thu nhập 300.000 đồng/ngày/người, sau khi trừ chi phí, bà thu về khoảng 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ, hiện nay người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Tô Như Khoa, giá thành phẩm gạo nếp được các nhà thu mua định giá ngay từ khi chưa thu hoạch, người dân chưa có cơ sở để quyết định giá bán. Hơn nữa, giá lúa tại thời điểm thu mua chênh lệch cao so với thời điểm ra thành phẩm gạo.
Bên cạnh đó, việc sản xuất lúa nếp cái hoa vàng phụ thuộc vào kỹ thuật canh tác. Nếp cái hoa vàng là giống lúa dài ngày chỉ cấy được ở vụ mùa và có thời gian sinh trưởng dài ngày nên thường thu hoạch cuối cùng.
Trong khi đó, nếp cho năng suất thấp, chỉ bằng 65% so với một số giống nếp khác nên kỹ thuật canh tác đóng vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng và năng suất lúa.
Hiện nay, gần 90% số hộ thuộc xã Yên Phụ trồng nếp cái hoa vàng với tổng diện tích khoảng 350 ha. Mỗi vụ, sản lượng trung bình khoảng 1.400 tấn/vụ mùa, doanh thu trung bình mỗi năm đạt khoảng 20 đến 25 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh , trong những năm qua, Phòng Nông nghiệp huyện Yên Phong tập trung tổ chức các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, cây giống cho người dân để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, có nhiều hình thức tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đưa ra các giải pháp trong gìn giữ và phát triển thương hiệu gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ.
Đặc biệt, gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ là một trong số 27 sản phẩm nằm trong “Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 – 2020,” định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển sản xuất các sản phẩm truyền thống, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Từ đó, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, đẩy mạnh liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà kinh doanh.
Qua đó, không chỉ đảm bảo chất lượng giống nếp cái hoa vàng cổ của địa phương mà còn tìm đầu ra ổn định, tạo nguồn lợi nhuận phù hợp với giá trị sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ,” ông Nguyễn Tuấn Hưng khẳng định./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()