Bắc Nga: “Làng hương” hối hả vào vụ tết
- Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, “làng hương” truyền thống trên địa bàn thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc lại hối hả sản xuất để đảm bảo nguồn hàng kịp cung ứng cho thị trường. Với truyền thống sản xuất lâu đời, nghề làm hương không chỉ tăng thêm thu nhập cho bà con mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa từ bao đời nay.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thôn Bắc Nga, xã Gia Cát. Ngay từ cổng thôn, phảng phất trong gió là mùi thơm dịu nhẹ của bột hương. Thêm vào đó là không khí sản xuất tất bật, nhộn nhịp, ai cũng luôn tay thoăn thoắt se từng que hương cho kịp đơn hàng tạo nên khung cảnh mộc mạc, đậm chất quê. Nét độc đáo của nghề làm hương nơi đây là việc sản xuất hương đều theo phương pháp thủ công, quy trình cho ra một nén hương rất tỉ mỉ, nguyên liệu chủ yếu từ các loại cây có sẵn trong tự nhiên nên rất an toàn cho sức khỏe.
Để tìm hiểu về nghề làm hương nơi đây, chúng tôi được giới thiệu tới nhà bà Hoàng Thị Ý, một trong những người có kinh nghiệm làm hương nhiều năm trên địa bàn thôn. Trong căn nhà ngói mộc mạc, bà Ý đang miệt mài se hương, đóng gói sản phẩm để chuẩn bị đơn hàng cho khách. Vừa làm bà vừa cho biết: “Tôi lấy chồng từ năm 1974, cũng từ đó tôi biết đến nghề làm hương. Nghề sản xuất hương ở đây được bà con trong thôn duy trì quanh năm nhưng thời điểm cận kề tết sản lượng thường tăng gấp 2 đến 3 lần. Với những nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên như: bột lá cây vắt (theo tiếng gọi địa phương), bột cây thông mục nên hương ở đây có mùi thơm đặc trưng, thư thái, mà không ảnh hưởng tới sức khỏe nên được nhiều khách hàng tin dùng từ nhiều năm. Hằng năm, bắt đầu từ tháng 10 (âm lịch), chúng tôi đã rục rịch chuẩn bị nguyên liệu, tập trung nhân lực để kịp sản xuất hàng cho dịp tết. Những ngày này, trung bình 1 tuần, tôi làm được từ 150 đến 200 bó hương thành phẩm".
Chia sẻ thêm về công đoạn làm hương, chị Nông Thị Xuyên, người dân trong thôn cho biết: Hương được dùng vào công việc tâm linh nên công đoạn làm hương phải rất cẩn thận, sạch sẽ. Để sản xuất ra được một cây hương thơm, chất lượng đòi hỏi người thợ phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu. Đầu tiên, người làm hương phải chẻ nhỏ cây tre, vót thành từng que đều nhau rồi phơi khô. Tiếp đó, sử dụng que tre nhúng xuống nước và lăn qua bột cây vắt (bột này có tác dụng như chất kết dính), làm đi làm lại từ 4 đến 5 lần rồi lại nhúng và lăn qua bột cây thông mục đến khi đạt yêu cầu. Khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để bột bám đều vào que hương. Hương sau khi se xong phải phơi đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu. Hương thành phẩm được đếm và đóng thành từng bó với giá bán từ 10 đến 15 nghìn đồng/bó/50 nén hương loại nhỏ và từ 30 đến 35 nghìn đồng/bó/100 nén hương loại to.
Hiện nay, trên địa bàn xã Gia Cát việc sản xuất hương được tập trung tại thôn Bắc Nga, với trên 50 hộ làm quanh năm, tuy nhiên, sôi động nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm. Đây cũng là thôn tập trung nhiều hộ làm hương nhất trên địa bàn huyện Cao Lộc. Thị trường tiêu thụ hương thành phẩm chủ yếu là ở các chợ trên địa bàn huyện Cao Lộc và Lộc Bình. Những năm qua, từ nghề làm hương đã tăng thêm thu nhập từ 35 đến hơn 40 triệu đồng/hộ/năm, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống.
Bà Lã Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Gia Cát cho biết: Trải qua thăng trầm của thời gian, nhiều người dân “làng hương” thôn Bắc Nga vẫn lưu giữ được nghề làm hương truyền thống. Từ nghề làm hương đã tăng thêm thu nhập cho các hộ, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền bà con trong thôn giữ gìn và phát huy nghề sản xuất hương truyền thống, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Đồng thời, định hướng phát triển hàng hóa, tìm mối liên kết để tiêu thụ sản phẩm rộng rãi hơn trên thị trường, hướng tới xây dựng thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Ý kiến ()