Bạc Liêu: Tôm nuôi chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân
Mấy ngày gần đây, nhất là khi xuất hiện một vài trận mưa đầu mùa, hàng trăm hộ nuôi tôm sú ở Bạc Liêu rơi vào cảnh khó khăn, khốn đốn. Bởi, tôm sú mới thả hai, ba tháng đột ngột chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân…Tôm chết…đỏ aoTheo thống kê chưa đầy đầy đủ của Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu), chỉ tính từ cuối tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.600 ha tôm sú thả nuôi bị chết. Hàng trăm hộ nuôi tôm rơi vào cảnh khốn khó, nợ nần bủa vây.Anh Trần Văn Hải, ở xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, cho biết, anh thả nuôi tôm sú công nghiệp mười ao, nhưng chỉ sau hơn hai tháng thả nuôi, đã bảy ao tôm nuôi chết. Riêng chi phí tiền cải tạo đất, mua con giống, thức ăn và xăng dầu chạy quạt… đã thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Anh Hải xót xa: “Thế là số tiền dành dụm được, cùng với tiền vay ngân hàng đã mất trắng”.Không riêng gì anh Hải, không ít hộ nuôi tôm công nghiệp,...
Mấy ngày gần đây, nhất là khi xuất hiện một vài trận mưa đầu mùa, hàng trăm hộ nuôi tôm sú ở Bạc Liêu rơi vào cảnh khó khăn, khốn đốn. Bởi, tôm sú mới thả hai, ba tháng đột ngột chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân…
Tôm chết…đỏ ao
Theo thống kê chưa đầy đầy đủ của Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu), chỉ tính từ cuối tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.600 ha tôm sú thả nuôi bị chết. Hàng trăm hộ nuôi tôm rơi vào cảnh khốn khó, nợ nần bủa vây.
Anh Trần Văn Hải, ở xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, cho biết, anh thả nuôi tôm sú công nghiệp mười ao, nhưng chỉ sau hơn hai tháng thả nuôi, đã bảy ao tôm nuôi chết. Riêng chi phí tiền cải tạo đất, mua con giống, thức ăn và xăng dầu chạy quạt… đã thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Anh Hải xót xa: “Thế là số tiền dành dụm được, cùng với tiền vay ngân hàng đã mất trắng”.
Không riêng gì anh Hải, không ít hộ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trong tỉnh Bạc Liêu chỉ sau hai tháng thả đã chết đỏ ao. Cho đến nay, Bạc Liêu đã cơ bản thả nuôi xong trên 100 nghìn ha tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp và quảng canh có cải tiến. Các địa phương có nhiều diện tích thả nuôi tôm sú công nghiệp là huyện Hòa Bình, Đông Hải và thành phố Bạc Liêu. Nhiều hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu nhận xét: “Năm nay, thời tiết không ổn định, gió lạnh quá, tôm ăn yếu dẫn đến chết hàng loạt. Đặc biệt, nhiều hộ chỉ mấy ngày thả tôm nuôi cũng chết sạch, hiện tượng này chưa từng xảy ra”.
Theo ông Hồ Văn Cường, ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu cho biết, tôm nuôi của bà con gần đây có biểu hiện bất thường, tôm nuôi từ một đến hai tháng tuổi cũng chết, đặc biệt nhiều hộ chỉ mới thả một đến hai ngày cũng chết. Riêng ông Cường có ba ao tôm nuôi, chỉ sau hai tháng thả nuôi tôm chết trắng, thiệt hại gần 50 triệu đồng. Theo ông Cường, hiện tượng tôm chết bất thường chưa từng xảy ra đối với người nuôi tôm công nghiệp.
Chưa có thuốc đặc trị bệnh
Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã khảo sát vùng nuôi tôm ở các xã ven biển của huyện Hòa Bình, Đông Hải và thành phố Bạc Liêu. Theo một số kỹ sư và nhiều hộ có kinh nghiệm, một trong những nguyên nhân được xác định ban đầu là thời tiết biến động khá đột ngột, trời lạnh, gió nhiều, mưa trái mùa.
Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo: “Đối với diện tích tôm nuôi bị thiệt hại vừa qua, bà con cần sử dụng thuốc trong danh mục cho phép, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu để dập bệnh. Đối với tôm còn phát triển tốt, cần tăng cường các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho tôm đặc biệt là môi trường nước. Tăng cường các giải pháp quản lý môi trường; thường xuyên theo dõi tôm đặc biệt là biểu hiện tôm vào sàn, nếu thấy tôm ăn yếu nên ngưng hoặc giảm lượng thức ăn để tránh làm ô nhiễm môi trường nước”.
Kiên quyết không bỏ hoang diện tích nuôi thả tôm
Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết: Sở đã cử nhiều đoàn cán bộ, trong đó có các ngành chuyên môn, tăng cường công tác tập huấn và có những khuyến cáo cụ thể đối với nông dân. Ngoài ra, các đơn vị chức năng xét nghiệm mẫu để xác định rõ nguyên nhân, đề ra các biện pháp khắc phục hiệu quả.
Ông cũng khuyến cáo bà con cũng không nên quá hoang mang, lo lắng, cần sớm khắc phục lại diện tích đã thiệt hại; vùng nào chưa thả giống thì cố gắng tuân thủ sự chỉ đạo của địa phương để bố trí lại mùa vụ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia am hiểu thực tế cho rằng, ở ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng, thời gian gần đây, ngoài nguyên nhân tôm chết do bệnh vi-rút đốm trắng, đầu vàng, đáng lưu ý là do bệnh vi bào tử.
Đây là bệnh là do ký sinh trùng nội tế bào, gây tổn thương tế bào gan tụy trên tôm sú. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh này, chỉ phòng ngừa bằng cách chọn con giống qua xét nghiệm không nhiễm vi bào tử.
Ở ĐBSCL, hiện chỉ duy nhất tại tỉnh Bạc Liêu đã được đầu tư trang thiết bị đủ điều kiện xét nghiệp bệnh vi bào tử, nhưng không đáp ứng yêu cầu vì diện tích và số hộ nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp của tỉnh rất lớn.
Trước những khó khăn nêu trên, người nuôi tôm ở ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng đang rất cần sự “vào cuộc” tích cực hơn nữa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của chính quyền và các ngành chức năng địa phương, giúp bà con tháo gỡ khó khăn, nhất là đầu tư vốn; khâu thủy lợi; tăng cường cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật mới về nuôi thả tôm trước diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết, môi trường…, khắc phục kịp thời diện tích tôm thả nuôi bị chết.
Mặt khác, bản thân những hộ nuôi tôm bị chết cần bình tĩnh, chủ động, tích cực tìm hiểu rõ nguyên nhân, có biện pháp khắc phục hiệu quả hơn, kiên quyết không để diện tích nuôi tôm bỏ hoang, sớm ổn định cuộc sống…
Theo Nhandan
Ý kiến ()