Bạc Liêu: Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, năm 2014, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 12 nghìn lao động nông thôn, trong đó, có hơn 9.960 lao động qua đào tạo có việc làm. 6 tháng đầu năm 2015, Bạc Liêu cũng đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 5 nghìn lao động nông thôn, đạt 41,79% kế hoạch.
![]() |
Lao động nông thôn cần được tiếp cận với những nghề mới, |
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã tăng cường đầu tư, thực hiện đa dạng hóa ngành nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết thêm nhiều việc làm mới.
Một trong những nguyên nhân góp phần cho thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bạc Liêu là các ngành, địa phương đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền. Các cơ quan báo chí ở Bạc Liêu đã phối hợp tốt với các sở, ban, ngành xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Trong đó, có nhiều bài viết chuyên sâu, bám sát thực tế lao động ở địa phương, hoạt động có hiệu quả của các cơ sở dạy nghề, vai trò, tầm quan trọng của tham gia học nghề để nâng cao tay nghề chuyên môn kỹ thuật… nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ sản xuất, cơ cấu cấu lao động, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bạc Liêu còn tổ chức in, phát hàng chục nghìn tờ rơi cho các huyện, thị xã và thành phố tuyên truyền đến tận hộ gia đình, người lao động có nhu cầu học nghề. Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cũng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, địa phương tư vấn trực tiếp và thông qua các sàn giao dịch việc làm lưu động đã giúp lao động nông thôn có cơ hội nắm bắt thông tin tuyển dụng, giải quyết việc làm, thu nhập từ các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bạc Liêu, các địa phương còn đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ làm công tác tuyên truyền cho hàng trăm lượt người, qua đó, phát huy vai trò của đội ngũ này, đã tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm trong thời gian qua (từ 2011 – 2015) cho hơn 38.700 lao động.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động lao động nông thôn tham gia học nghề, từ năm 2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã giao kinh phí cho Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh làm chủ đầu tư, nhằm tăng tính chủ động cho các địa phương, đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động, nhu cầu thực tế của địa phương.
Thông qua các lớp đào tạo nghề, chuyển giao mô hình khoa học – kỹ thuật mới vào sản xuất đã tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, chuyển đổi nghề mới trong điều kiện tư liệu sản xuất hiện có của gia đình, giải quyết được thời gian nông nhàn… Từ các lớp đào tạo nghề và chuyển giao này, nhiều nông dân đã nắm vững kỹ thuật nhân giống lúa; kỹ thuật nuôi cua biển; kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh cho gà, vịt; kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; kỹ thuật trồng rau an toàn; kỹ thuật nuôi cá sặc rằn …
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bạc Liêu thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, đó là: Do thiếu những mô hình hay trong công tác đào tạo, còn lúng túng khi thực hiện theo kế hoạch được giao, chưa khai thác tốt các nguồn lực, thế mạnh đặc thù của địa phương gắn kết công tác đào tạo nghề với đầu ra của người lao động.
Đề cập vấn đề này, bà Trần Thị Phương Quyên – Phó trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phước Long cho biết, nguyên nhân lao động nông thôn sau đào tạo không có việc làm là do các ngành nghề đào tạo lâu nay không còn phù hợp, nhưng cứ phải tổ chức đào tạo. Ví dụ như: Nghề may dân dụng, sau đào tạo đều không xin được việc làm, vì hiện nay chỉ có may công nghiệp. Một nguyên nhân khác khiến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa phát huy hiệu quả sau đào tạo là các ngành nghề đào tạo hiện nay chiếm phần lớn là ngành nông nghiệp. Trong tổng số 130 nghề trong danh mục đào tạo, có đến 110 nghề thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, còn 20 nghề là phi nông nghiệp. Bạc Liêu là tỉnh nông nghiệp, phát triển nghề nông là cần thiết, nhưng phải là những mô hình nông nghiệp mới, còn với các nghề được đào tạo hiện nay như: Chăn nuôi, thú y, trồng rau sạch, nhân lúa giống… vẫn chưa thể giúp nông dân giải quyết tốt bài toán lao động. Đó là chưa nói đến những rủi ro về đầu ra, chuyển giao mô hình sản xuất nhiều sẽ dẫn đến sản xuất manh mún, thiếu tập trung và không tạo ra lượng hàng hóa lớn.
Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong năm 2015 và các năm tiếp theo, tỉnh Bạc Liêu tập trung phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề. Trong đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp Trường cao đẳng nghề Bạc Liêu, đầu tư nâng cao năng lực của các trung tâm giáo dục – dạy nghề công lập huyện, nâng cấp Trung tâm nghề ở 3 huyện: Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hải thành Trường Trung cấp nghề; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn; đồng thời, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý nghề, gắn với tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đặc biệt sẽ bố trí mỗi huyện, thành phố một biên chế chuyên trách về công tác đào tạo nghề thuộc Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện: Hòa Bình, Giá Rai, Đông Hải và thành phố Bạc Liêu.
Để thực hiện mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ tập trung vào nhiều giải pháp như: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và lao động nông thôn về vị trí, vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm; tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; nhận thức đúng thang giá trị về dạy nghề để thay đổi hành vi, thu hút phần lớn thanh niên vào học nghề. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh…
Các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội và các hội nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tư vấn học nghề, việc làm miễn phí và vận động các thành viên tham gia học nghề. Các cơ quan báo chí thường xuyên tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để lao động nông thôn biết và tích cực tham gia. Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở dạy nghề đổi mới chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp để học sinh có thái độ đúng đắn về học nghề và chủ động lựa chọn các loại hình học nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh…
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()