Bạc Liêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Ngành du lịch Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 thu hút 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 10.000 tỷ đồng, đóng góp 7% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động.
Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, ngành Du lịch có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc Bạc Liêu, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và cả nước.
Ngành phấn đấu thu hút 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 10.000 tỷ đồng, đóng góp 7% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động, trong đó có 12.000 lao động trực tiếp.
Toàn tỉnh có 15 điểm du lịch, một khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu này, Bạc Liêu chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch, tăng cường kết nối ngành du lịch Bạc Liêu với các trung tâm du lịch tại thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm khác trên cả nước để tạo thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Tỉnh nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành và chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương; tăng cường khai thác dịch vụ du lịch kết hợp với các dự án điện gió; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm du lịch đã được quy hoạch (đầu tư dự án xây dựng tàu du lịch Tắc Sậy – Đông Hải, điểm du lịch – dịch vụ Tắc Sậy, điểm du lịch vườn chim Lập Điền, huyện Đông Hải; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Khu Nhà Công tử Bạc Liêu theo định hướng đầu tư toàn khu thành Khu Bảo tồn văn hóa, kiến trúc và thương mại-dịch vụ-du lịch).
Tỉnh Bạc Liêu tích cực thu hút đầu tư, phát triển các khu, tuyến du lịch sinh thái ven biển, các dự án kết hợp điện gió với du lịch; các dự án xây dựng khu quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển…
Cùng với đó, tỉnh quan tâm đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng các cơ sở du lịch hiện có và triển khai mới các dự án về du lịch, nhất là các dự án về lưu trú, lữ hành, thương mại, vận tải; phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch cấp vùng; khuyến khích phát triển, nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch, chất lượng phục vụ du khách, tăng cường công tác bảo vệ môi trường.
Tỉnh quản lý, khai thác, tổ chức tốt các dịch vụ du lịch gắn với truyền thống lịch sử – văn hóa của địa phương (Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu, Vườn chim Bạc Liêu, di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh -xã Châu Thới, di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Vĩnh Hưng…).
Tỉnh Bạc Liêu tiếp tục thực hiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại khu nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Việt-Úc; khai thác chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Mô hình trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất, thu hoạch và mua sắm các sản phẩm, quà du lịch được chế biến từ muối sẽ được nghiên cứu triển khai phục vụ phát triển ngành công nghiệp không khói.
Ủy ban Nhân dân tỉnh phối hợp xây dựng và duy trì chuyên mục quảng bá du lịch trên Đài Phát thanh-Truyền hình Bạc Liêu, Báo Bạc Liêu và các phương tiện truyền thông khác gắn với tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương…
Năm 2020, du lịch Bạc Liêu đón và phục vụ khoảng 2.200.000 lượt khách, trong đó khách sử dụng dịch vụ lưu trú đạt 750.400 lượt, khách quốc tế đạt gần 20.000 lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.900 tỷ đồng.
Ngành Du lịch tỉnh hoàn thiện Điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sỹ Cao Văn Lầu trở thành sản phẩm OCOP 4 sao nhằm tái hiện lại cuộc đời của cố Nhạc sỹ Cao Văn Lầu; hoàn thiện hồ sơ và được công nhận “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” là Di sản ăn hóa phi vật thể quốc gia./.
Ý kiến ()