Bạc Liêu khởi sắc từ những dự án, công trình trọng điểm
2015 là năm có nhiều ý nghĩa đối với tỉnh Bạc Liêu. Đó là dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 18 năm ngày tái lập tỉnh, sau năm năm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, nhân dân trong tỉnh nhìn lại những thành tựu đã đạt được; những hạn chế, yếu kém, từ đó nỗ lực, quyết tâm cao hơn, đưa Bạc Liêu sớm trở thành tỉnh khá, hướng đến giàu đẹp ở vùng ĐBSCL và cả nước.
Những năm gần đây, Bạc Liêu có một số dự án, công trình trọng điểm tiêu biểu. Đó là dự án, công trình Nhà máy điện gió Bạc Liêu, với số vốn ban đầu hơn 5.200 tỷ đồng, lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện nay và là dự án điện gió đầu tiên ở vùng ĐBSCL; xây dựng công trình bờ kè hai bên bờ sông (đoạn trung tâm TP Bạc Liêu), tổng dự toán gần 2.000 tỷ đồng. Một số công trình trọng điểm khác, như: Quảng trường Hùng Vương (phường 1); công trình cải tạo, mở rộng, nâng cấp tuyến đường trọng điểm từ trung tâm TP Bạc Liêu đến cửa biển Nhà Mát dài hơn 10 km; công trình chợ trung tâm TP Bạc Liêu… Đây là những dự án, công trình trọng điểm lớn, là “đòn bẩy” phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Những ngày cuối tháng Tư lịch sử này, nếu ai có dịp đến vùng ven biển Bạc Liêu, tận mắt thấy một vùng đất hoang sơ, vắng vẻ, đìu hiu của gần bốn năm về trước, hôm nay trở thành một “cánh đồng điện gió”, với những tua-bin gió của Nhà máy điện gió Bạc Liêu, sừng sững giữa trời biển bao la, cung cấp nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên, góp phần làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước…
Ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, chủ dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu, phấn khởi cho biết: Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu được khởi công ngày 9-9-2010 trên diện tích hơn 500 ha đất hoang ven biển. Sau khi hoàn thành cả hai giai đoạn, sẽ có 62 tua-bin điện gió với tổng công suất là 99 MW và điện năng sản xuất mỗi năm hơn 320 triệu kWgiờ. Cả 62 cột tháp và tua-bin điện gió đều được đặt trên biển. Mỗi tua-bin có công suất xấp xỉ 1,6 MW do hãng GE (Hoa Kỳ) cung cấp, cấu tạo thép đặc biệt không gỉ, cao 80 m, nặng hơn 200 tấn, cánh quạt được làm bằng nhựa đặc biệt, dài 42 m, có hệ thống điều khiển tự gập lại để tránh hư hỏng khi bão lớn. Ngày 29-5-2013, nhà máy chính thức hòa lưới điện quốc gia giai đoạn I, với mười tua-bin gió, tổng công suất 16 MW. Ngày 22-4-2015, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhà máy tiến hành đóng điện thêm mười tuabin gió, với công suất 16 MW, nâng tổng công suất lên 32 MW.
Công trình điện gió Bạc Liêu.
Ngoài công trình, dự án “thế kỷ” nêu trên, trong mấy năm qua, nhân dân Bạc Liêu rất vui mừng, phấn khởi trước việc tỉnh đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tại TP Bạc Liêu và các huyện đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhiều tuyến đường nhựa, nhiều cầu bê-tông hoành tráng. Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận, cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh rất khen ngợi, đánh giá cao hai công trình trọng điểm của tỉnh, đó là công trình Quảng trường Hùng Vương và bờ kè hai bên bờ sông Bạc Liêu. Tại công viên Hùng Vương, hằng ngày, nhất là chiều và tối, hàng nghìn người, nhiều cháu nhỏ được gia đình đưa đến đây vui chơi, chạy nhảy, nô đùa, mọi người đều cảm nhận được cuộc sống vui tươi, an bình và hạnh phúc! Để có được đời sống kinh tế, tinh thần tiến bộ như hôm nay, nhiều người dân ở Bạc Liêu rất vui mừng và không quên công lao đóng góp của những người lãnh đạo ở địa phương, đặc biệt là những cán bộ, lãnh đạo tỉnh đã nỗ lực “chèo lái con thuyền” Bạc Liêu đi lên, đem niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân. Chị Trương Lệ Hoa, 55 tuổi, người gốc Hoa, chủ tạp hóa (gần chợ trung tâm Bạc Liêu) chia sẻ: “Gia đình tôi và hàng trăm hộ dân đã sinh sống ở đây gần 100 năm nay. Nói thiệt là, lúc đầu mới nghe lãnh đạo tỉnh nói tiến hành xây dựng bờ kè, chỉnh trang đô thị, nhiều người dân không tin. Nhưng nay đã thành hiện thực. Nhân dân chúng tôi ai cũng phấn khởi”.
Có thể nói, Bạc Liêu từ một “tỉnh lẻ”, nghèo khó, xa xôi, tiềm năng kinh tế không có gì đáng kể, với tổng thu ngân sách mỗi năm 600 đến 700 tỷ đồng; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) bị xếp gần cuối bảng (59/61 tỉnh, thành phố); hạ tầng kinh tế yếu kém; không có công trình, dự án lớn; đời sống kinh tế, tinh thần của nhân dân chậm được cải thiện. Đó là thực tế “bức tranh” Bạc Liêu khoảng năm, bảy năm về trước. Song, đến thời điểm này, có dịp nhìn lại, không chỉ người dân Bạc Liêu, mà nhiều người ở trong và ngoài nước đều cảm nhận rõ sự đổi thay, sức sống mới, động lực phát triển mới của Bạc Liêu. Không ít người đã ví, Bạc Liêu hôm nay như những chàng trai, cô gái tuổi 18 tràn đầy nhựa sống và sức trẻ đang khát khao cháy bỏng vươn lên, quyết không cam chịu đói nghèo, xứng đáng là mảnh đất có truyền thống khí phách, quật cường…
Phát huy tinh thần “30-4” và 18 năm ngày tái lập tỉnh, người dân Bạc Liêu mong mỏi, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt của tỉnh cần thật sự đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực vì mục tiêu cao cả. Đó là vì nhân dân, vì quê hương, đất nước, vì một Bạc Liêu khí phách và hào hiệp, bao dung và nghĩa tình.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()