Bạc Liêu chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer
Là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, Bạc Liêu hiện có gần 67.000 người Khmer (chiếm 7,66% dân số toàn tỉnh), cư trú đan xen với các dân tộc khác và vẫn duy trì, bảo tồn được văn hóa, chữ viết, ngôn ngữ riêng. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer, thời gian qua các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên làm công tác dân tộc và sư sãi, đồng bào Khmer trong tỉnh về các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo gắn với triển khai các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng đối với công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 134, 135, 167; Quyết định 176 và 74 của Chính phủ đã giúp đồng bào Khmer có đất sản xuất, vốn...
Là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, Bạc Liêu hiện có gần 67.000 người Khmer (chiếm 7,66% dân số toàn tỉnh), cư trú đan xen với các dân tộc khác và vẫn duy trì, bảo tồn được văn hóa, chữ viết, ngôn ngữ riêng.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer, thời gian qua các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên làm công tác dân tộc và sư sãi, đồng bào Khmer trong tỉnh về các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo gắn với triển khai các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng đối với công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 134, 135, 167; Quyết định 176 và 74 của Chính phủ đã giúp đồng bào Khmer có đất sản xuất, vốn sản xuất, tư liệu, phương tiện phục vụ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập…
Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc; hơn 5.000 hộ được hỗ trợ nhà ở; 14 công trình nước sinh hoạt tập trung và 160 giếng bơm tay được đầu tư đã giúp gần 4.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được dùng nước sạch. 544 hộ nghèo được hỗ trợ đất ở; trên 1.000 hộ được giải quyết việc làm; 1.150 hộ được hỗ trợ vay vốn mua máy móc, nông cụ, kinh doanh thêm ngành nghề…
Bên cạnh đó, việc phát triển văn hoá xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer cũng đã được quan tâm, trình độ dân trí đồng bào dân tộc Khmer từng bước được nâng lên. Tỉnh nâng cấp Trường Dân tộc nội trú với tổng mức đầu tư là 36 tỷ đồng; đưa đi đào tạo 278 sinh viên, trong đó 101 em đã ra trường về phục vụ địa phương…
Công tác khám chữa bệnh được thực hiện tốt, 100% hộ nghèo và cận nghèo trong tỉnh đều được cấp bảo hiểm y tế. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer được đáp ứng ngày càng tốt hơn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh dành thời lượng nhất định phát chương trình tiếng Khmer. 100% xã, phường có đông đồng bào Khmer có máy tiếp âm. Báo Bạc Liêu chữ Khmer phát hành miễn phí mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ 1.000 tờ phục vụ vùng đồng bào Khmer và sư sãi trong tỉnh…
Các cấp ủy Đảng đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng trong đồng bào dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 479 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm 2,55% tổng số đảng viên. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc Khmer được chú trọng; hiện có 1.223 cán bộ, công chức là người dân tộc.
Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chính sự nỗ lực của đồng bào Khmer trong học tập, lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no là nhân tố quyết định. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()