Bắc Lãng: Nâng cao thu nhập nhờ rừng
– Phát huy tiềm năng, thế mạnh đất lâm nghiệp, những năm qua, người dân xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập đã đẩy mạnh trồng rừng. Qua đó, đời sống của người dân được nâng lên, kinh tế từng bước phát triển theo hướng bền vững.
Là một trong những hộ tiên phong phát triển kinh tế đồi rừng, ông Hoàng Văn Đức, thôn Khe Mò cho biết: Năm 1999, gia đình tôi trồng hơn 3.000 cây thông Mã Vĩ trên 8 ha đất đồi. Đến năm 2005, nhận thấy cây keo có thời gian thu hoạch ngắn hơn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng trên 10 ha. Tôi trồng thành từng đợt, nhiều lứa gối nhau, đến nay, gia đình đã có trên 30 ha thông, keo. Từ khai thác nhựa thông và keo, gia đình tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Người dân thôn Khe Mò, xã Bắc Lãng chăm sóc vườn ươm keo giống
Ngoài phát triển trồng rừng, từ năm 2009 gia đình ông Đức còn phát triển ươm keo giống để phục vụ nhu cầu trồng rừng hằng năm của người dân. Trung bình mỗi năm, gia đình ươm và bán ra thị trường trên 50 vạn cây, mang về thu nhập gần 200 triệu đồng.
Tương tự gia đình ông Đức, gia đình ông Lý Mạnh Dũng, thôn Khe Cảy cũng có thu nhập cao từ trồng rừng. Ông Dũng phấn khởi chia sẻ: Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, năm 2006, tôi trồng trên 5 ha keo. Năm 2012, diện tích keo đến tuổi cho khai thác, gia đình tôi thu về trên 200 triệu đồng. Đầu năm 2013, gia đình tôi tiếp tục trồng mới trên diện tích đã khai thác và mở rộng thêm 5 ha. Nhờ trồng gối nhau và chăm sóc đúng kỹ thuật, rừng keo của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập trung bình từ 100 đến 150 triệu đồng mỗi năm.
Được biết, cách đây hơn 20 năm, người dân trên địa bàn xã đã bắt đầu trồng rừng, tuy nhiên, diện tích còn nhỏ lẻ. Từ năm 2005 đến nay, từ hiệu quả của các mô hình trồng rừng trước đó, phong trào trồng rừng bắt đầu phát triển mạnh ở 7/7 thôn của xã. Toàn xã có hơn 5.400 ha đất lâm nghiệp, chiếm trên 92,7% tổng diện tích đất tự nhiên. Tận dụng lợi thế đó, hằng năm, người dân đã tích cực trồng rừng, nâng diện tích rừng trồng toàn xã lên 3.200 ha, chủ yếu là các loại cây như: keo, thông… Hộ trồng nhiều có trên 30 ha, hộ trồng ít cũng có từ 5 đến 6 ha rừng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn xã đã trồng mới được trên 123 ha rừng. Song song với tăng diện tích trồng, người dân chú trọng áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc, đẩy mạnh trồng những giống mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã hiện có trên 2.200 ha keo, trong đó, chủ yếu là giống keo tai tượng phát triển vượt trội, năng suất đạt 110 đến 120 m3 gỗ/ha, tăng 10 đến 12% so với giống keo cũ người dân trồng trước đây.
Ông Nguyễn Văn Viện, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã xác định phát triển lâm nghiệp là hướng đi chủ lực, là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao đời sống người dân. Theo đó, hằng năm, xã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện mở 2 hoặc 3 lớp tập huấn hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp. Đồng thời, khuyến khích người dân đưa những giống mới, có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, qua đó, tăng sản lượng, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng. Cùng đó, các tổ chức hội, đoàn thể của xã hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển trồng rừng, toàn xã hiện có 230 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 10 tỷ đồng
Hiệu quả từ trồng rừng đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Qua rà soát, đánh giá, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 14% (giảm 44% so với năm 2015), thu nhập bình quân tăng từ 7 triệu đồng/người năm 2015 lên 41 triệu đồng/người năm 2021.
Ý kiến ()