Bắc Kạn thiệt hại nặng vì hạn hán
Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã gây ra tình trạng khô hạn tại Bắc Kạn. Một vài cơn mưa nhỏ không đủ giải hạn cho cây trồng trên địa bàn. Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 2.400ha cây trồng bị thiệt hại vì hạn hán.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Kạn kiểm tra tình hình hạn hán tại xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể. (Ảnh: THU TRANG) |
Tại xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, thông thường tại thời điểm này các diện tích dong riềng đã phát triển khá cao. Tuy nhiên, vì hạn hán kéo dài nên nhiều diện tích dong riềng ở đây chậm phát triển, dự kiến năng suất sẽ rất thấp. Tại một số thôn vùng cao, gần như toàn bộ diện tích ngô đồi đã mất trắng.
Theo Ủy ban nhân dân xã Phúc Lộc, năm nay, toàn xã trồng được khoảng 250ha ngô và 100ha cây dong riềng nhưng hiện có từ 80% diện tích đứng trước nguy cơ mất trắng. Trong đó, 4 thôn vùng cao người Mông phụ thuộc chủ yếu vào cây ngô nguy cơ thiếu hụt lương thực rất cao. Đây là năm đầu tiên, xã Phúc Lộc đối mặt với hạn hán cục bộ, 16 thôn có cây nông nghiệp đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Kạn, tính đến ngày 15/6, toàn tỉnh có 2.474ha cây trồng bị hạn. Trong đó, cây lúa bị ảnh hưởng 615ha với 325ha bị thiệt hại 30-70%; có 194ha thiệt hại 70% và 131ha lúa mùa không thể gieo cấy.
Ngoài ra, có 1.178ha cây ngô, 419ha cây lâm nghiệp bị chết hoặc héo lá và 262ha cây trồng khác cũng chịu thiệt hại vì hạn hán.
Nguyên nhân hạn hán là do thời gian qua, trên địa bàn Bắc Kạn xuất hiện nắng nóng, lượng mưa ít.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Bắc Kạn, tổng lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 5 đều thiếu hụt so trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước từ 61-85%. Trên các dòng sông, suối cũng thiếu hụt dòng chảy từ 20-40% so cùng kỳ.
Sông Cầu nhiều thời điểm từ đầu năm tới nay cạn trơ đáy. (Ảnh: NGỌC TÚ) |
Trước tình hình hạn hán, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã khuyến cáo người dân khẩn trương thu hoạch những diện tích đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đồng thời khuyến khích người dân sử dụng máy móc để tăng tiến độ thu hoạch.
Tỉnh cũng yêu cầu tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, giải pháp tưới tiết kiệm, ưu tiên đáp ứng nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây.
Các địa phương xác định cơ cấu cây trồng phù hợp từng vùng, chất đất, điều kiện sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận; chủ động đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường tiêu thụ.
Các xã phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở vận động, hướng dẫn, đôn đốc làm đất bảo đảm thời vụ; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phân bón, giống dự phòng để kịp thời gieo cấy lại những diện tích bị hạn nếu có.
Đối với cây lâm nghiệp, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu tuyên truyền, vận động người dân chỉ trồng rừng vào những ngày thuận lợi. Tạm dừng việc cấp phát cây giống để trồng rừng theo chính sách cấp phát sử dụng ngân sách Nhà nước trong những ngày nắng nóng.
Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích bị thiệt hại và duy trì chế độ trực 24/24 để phòng, chống cháy rừng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Mỹ Hải cho biết, hiện tại các địa phương đã cơ bản chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các diện tích bị thiệt hại.
Đối với cây lâm nghiệp, còn thời vụ trồng rừng vào vụ thu với thời gian từ tháng 6 đến tháng 8. Tuy nhiên, ngành chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết. Nếu thời tiết mưa, mát thì mới khuyến cáo trồng, kiên quyết không chạy theo thành tích chỉ tiêu trồng rừng của năm mà tiến hành trồng rừng khi thời tiết vẫn khô hạn, nắng nóng.
Đài Khí tượng thủy văn Bắc Kạn dự báo, tổng lượng mưa trên các khu vực và tổng lượng dòng chảy trên các sông, suối trong thời gian từ nay đến cuối năm đều sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước từ 5-10%, có nơi lên đến 20%.
Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Bắc Kạn, các địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung tăng cường các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.
Các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp ứng phó theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Thường xuyên theo dõi diễn biến hạn hán, có phương án, giải pháp chống hạn, rà soát các diện tích có nguy cơ hạn hán cao để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Bắc Kạn cũng yêu cầu các địa phương thống kê, đánh giá thiệt hại và thực hiện hỗ trợ khôi phục sản xuất theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và đề xuất các nội dung hỗ trợ khác bảo đảm ổn định đời sống cho người dân vùng bị thiệt hại vì hạn hán.
Ý kiến ()