tle=””> Nghị quyết về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 – 2015.
Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ của giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục: Duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao và bền vững với mức tăng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp trên 25%/năm; phấn đấu đến năm 2015, GDP ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 29% GDP, trong đó công nghiệp chiếm 17%; huy động ngân sách nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân trên 15%/năm; xây dựng thành công một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ chốt có giá trị tăng cao, có thương hiệu trong nước như: Gang thỏi, phôi thép, sắt xốp, chì thỏi, ván MDF, ván ép tre…; xây dựng một số làng nghề trên cơ sở hỗ trợ phát triển một số nghề chế biến nông – lâm sản hiện có tại địa phương như: Sản xuất và chế biến miến dong, chè, mây tre đan…
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Nghị quyết đề ra 08 nhóm giải pháp chủ yếu:
Một là, tập trung phát triển công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong GDP, vừa tạo động lực phát triển kinh tế, vừa thúc đẩy nông nghiệp, lâm nghiệp và dịch vụ phát triển trên cơ sở triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt như: Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp giai đoạn 2011 2020 có xét đến 2025; Quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp. Việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cần tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, lựa chọn quy mô sản xuất ở mức phù hợp với việc áp dụng tiến bộ của khoa học – kỹ thuật và trang thiết bị hiện đại vào sản xuất…
Hai là, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, uy tín đầu tư phát triển công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Thanh Bình, khu liên hiệp gang thép và tiến độ xây dựng các nhà máy của các nhà đầu tư tại khu công nghiệp và một số nhà máy khác đang triển khai trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện việc ký cam kết tiến độ triển khai các dự án đầu tư, các công trình trọng điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ, đưa các dự án đi vào vận hành đảm bảo thời gian…
Ba là, tiến hành quy hoạch điều tra về trữ lượng khoáng sản trên địa bàn, tập trung vào các loại khoáng sản: chì, kẽm, sắt, vàng…; xây dựng hệ thống thông tin có độ tin cậy cao, phục vụ cho công tác quản lý khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó ưu tiên các nhà quản lý có năng lực về tài chính, trang thiết bị hiện đại tham gia thăm dò, khai thác và chế biến một số loại khoáng sản; hạn chế tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả.
Bốn là, tiếp tục đầu tư các công trình nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là cung cấp điện cho các khu, cụm công nghiệp.
Năm là, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư với mức cao nhất theo quy định của Luật Đầu tư và các chính sách khác để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính và công nghệ phù hợp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Trước mắt, tập trung xây dựng cơ chế ưu đãi cho từng dự án cụ thể trên cơ sở quy định của pháp luật và khả năng thực tế của địa phương.
Sáu là, đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn và các làng nghề thông qua sự hỗ trợ của các nguồn vốn như: Khuyến công, khuyến nông, các nguồn vốn của các tổ chức phi Chính phủ…; kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và du nhập một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ vào tỉnh; xây dựng mô hình điểm về làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ; xây dựng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, có thương hiệu địa phương làm tiền đề cho việc tiêu thụ hàng hóa ra ngoài tỉnh.
Bảy là, đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hành chính, đơn giản các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép đầu tư, cấp giấy phép khai thác mỏ, cấp đất, quản lý thuế…
Tám là, chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi chuyên môn và nâng cao kỹ năng, năng lực của đội ngũ cán bộ, chuyên viên trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Ý kiến ()