Bắc Kạn phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch
Thời gian qua, cùng với các giải pháp phát huy lợi thế của địa phương vốn có nhiều danh lam, thắng cảnh và tiềm năng về du lịch cộng đồng, tỉnh Bắc Kạn tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) và phát triển kinh tế tập thể lấy hợp tác xã làm mô hình nòng cốt, gắn với du lịch.
Toàn tỉnh hiện có hơn 100 cơ sở, tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất, chế biến 105 sản phẩm nông sản thực phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như Cucumin Trịnh Năng, tinh bột nghệ của Công ty cổ phần nông sản Bắc Kạn, tinh bột nghệ của Hợp tác xã (HTX) Tân Thành, rượu chuối Tân Dân, miến dong Tài Hoan, gà thả đồi của HTX Trần Phú… Ðể thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, các ngành của tỉnh phối hợp với nhiều công ty tổ chức hội chợ thương mại tại nhiều địa phương trong tỉnh, tổ chức khảo sát, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh tại tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Lạng Sơn; thực hiện đề án “Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, nhất là sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn”, tổ chức Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch; tham gia các hội chợ triển lãm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước…
Sản phẩm OCOP của tỉnh góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đón hơn 2,4 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế; doanh thu ngành du lịch đạt hơn 1.636 tỷ đồng.
★ Tỉnh Lâm Ðồng đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính, như: Tiếp tục khắc phục bất cập, hạn chế để cải thiện chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (năm 2019 chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt 80,66 điểm, xếp hạng 40 trong số 63 tỉnh, thành phố trong nước, tăng bảy bậc so năm 2018). Tổ chức kiểm tra cải cách hành chính đợt hai theo kế hoạch, tổ chức cuộc thi “Giới thiệu mô hình và thuyết trình ý tưởng cải cách hành chính” trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tập trung thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống văn bản. Tiếp tục triển khai Ðề án “xây dựng thành phố Ðà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025; thường xuyên cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử, phù hợp với phiên bản kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 176 trong tổng số 187 cơ quan hành chính nhà nước chuyển đổi sang tiêu chuẩn ISO 9001: 2015. Toàn bộ 142 xã, phường, thị trấn hoàn thành áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 vào hoạt động từ năm 2019, sớm hơn hai năm so kế hoạch đề ra.
Ý kiến ()