Bắc Kạn chủ động bảo vệ gia súc trước giá rét
Những ngày giá rét này, người dân ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa tại Bắc Kạn đang tất bật cho công việc phòng, chống rét cho đàn đại gia súc.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn kiểm tra, đôn đốc phòng, chống rét cho gia súc tại huyện Ngân Sơn. (Ảnh: VI THÚY) |
Với người dân vùng cao, mỗi con đại gia súc đều là tài sản lớn, vì vậy việc bảo vệ chúng trước giá rét là rất quan trọng.
Đáng mừng là vài năm trở lại đây, việc chủ động phòng, chống rét cho gia súc đã dần trở thành nếp quen thuộc. Vì vậy, theo từng năm, số gia súc bị chết rét ngày càng giảm.
Theo chị Hoàng Thị Thúy, xã Đồng Thắng (Chợ Đồn), gia đình nuôi dê nhiều năm nay. Những ngày này, như mọi năm, khi trời rét, chị đã mua bạt quây kín chuồng nuôi, bảo đảm giữ ấm cho đàn dê. Khi thời tiết ấm thì sẽ chăn thả, còn lạnh quá sẽ nhốt đàn và cho ăn bằng cỏ voi đã trồng chuẩn bị sẵn cạnh chuồng.
Ngay từ tháng 10, khi thời tiết còn nóng nực, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản vụ đông xuân năm 2023-2024. Từng huyện, từng xã đã khởi động việc phổ biến, quán triệt, hướng dẫn phương án phòng, chống rét cho người dân.
Đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất bắt đầu tràn về Bắc Kạn vào ngày 17/12, thì ngay trong sáng 18/12, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn đã cùng các phòng, ban liên quan lên đường đi kiểm tra công tác phòng, chống rét.
Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế các chuồng trại chăn nuôi. Phần lớn các chuồng trại đều đã được người dân chủ động quây bạt che chắn kỹ. Người dân cũng thu gom rơm, rạ tích trữ làm thức ăn qua đông cho gia súc. Khi phát hiện bất cập trong công tác phòng, chống rét cho vật nuôi, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục ngay.
Gió lạnh, rét đậm về có thể cảm nhận rõ nên hiện tại ở hầu khắp các xã vùng cao, vấn đề “nóng” được các xã tập trung chỉ đạo là phòng, chống rét cho đàn gia súc. Theo Chủ tịch UBND xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn) Sằm Văn Thường, xã có nhiều diện tích rừng đặc dụng, vùng đệm khu bảo tồn cho nên nhiều núi đá cao, khí hậu vì thế vào mùa đông cũng lạnh hơn nhiều các xã khác.
Với phương châm không để người dân, chính quyền thôn, bản “quên” hay lơ là nhiệm vụ chống rét cho gia súc, trước khi mùa đông về, Côn Minh đã có văn bản chỉ đạo cụ thể. Khi đợt rét đậm đầu tiên về vào ngày 17/12, Côn Minh lại chuẩn bị tiếp tục ra văn bản đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn nhân dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, toàn tỉnh hiện có 65.035 con trâu, bò, ngựa và 21.850 con dê. Phần lớn số gia súc này được chăn nuôi nhỏ, lẻ theo hình thức bán chăn thả. Thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào cỏ tự nhiên. Do vậy, vào mùa đông, nếu không chủ động nuôi nhốt, bảo đảm đủ thức ăn sẽ dễ khiến gia súc bị chết.
Bắc Kạn khuyến khích người dân chăn nuôi quy mô tập trung vừa phát triển kinh tế, vừa dễ bảo vệ đàn trong mùa đông. (Trong ảnh: Mô hình nuôi nhốt vỗ béo bò của người dân xã Bằng Phúc, Chợ Đồn). (Ảnh: HÀ NHUNG) |
Để bảo đảm không xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Trong đó, lãnh đạo sở trực tiếp kiểm tra tại địa bàn 6 huyện vùng cao. Đối với địa bàn vùng thấp, nhiệt độ nền cao hơn là thành phố Bắc Kạn và huyện Chợ Mới thì kiểm tra gián tiếp qua văn bản. Việc kiểm tra sẽ hoàn thành trong tháng 12.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, điều thuận lợi là ý thức của nhân dân đã được nâng lên. Người dân đã chủ động giữ gìn, bảo vệ tài sản thông qua việc kiên cố hóa, che chắn kỹ chuồng trại vào mùa đông, chuẩn bị đầy đủ thức ăn qua đông cho gia súc.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Vi Thị Thúy cho biết, vấn đề khó nhất hiện tại là việc nhiều hộ nghèo có gia súc chưa đủ điều kiện, nhân lực để che chắn chuồng trại và chuẩn bị thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, tỉnh còn một số xã chưa có thú y viên cơ sở. Chúng tôi đã khuyến cáo, hướng dẫn các địa phương phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ các cấp vào cuộc giúp hộ nghèo bảo vệ đàn gia súc. Những xã chưa có thú y viên cơ sở thì điều động, bố trí thú y viên từ xã khác về hỗ trợ tiêm phòng cho gia súc.
Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương và khuyến cáo, hướng dẫn người dân cần bảo đảm che chắn kỹ, tránh gió lùa vào chuồng nuôi; nền chuồng luôn khô ráo, có chất độn bằng rơm rạ, mùn cưa, trấu khô.
Khi nhiệt độ quá thấp có thể sử dụng bóng điện công suất lớn hoặc đốt lửa sưởi cho gia súc trong chuồng và bảo đảm tốt phòng cháy.
Trong những ngày giá rét, người dân cần áp dụng chế độ chăn thả muộn, đưa về sớm; không chăn thả khi nhiệt độ dưới 12 độ C. Sử dụng chăn cũ, bao tải đay cuốn quanh cơ thể để giữ ấm cho gia súc, nhất là bê, nghé.
Các xã vận động người dân thu gom phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ qua đông cho gia súc. Người dân có thể cung cấp thêm thức ăn ủ chua từ thân ngô, cỏ voi…; bổ sung thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo…; bảo đảm nước uống đầy đủ hằng ngày cho gia súc.
Nguồn:https://nhandan.vn/bac-kan-chu-dong-bao-ve-gia-suc-truoc-gia-ret-post788213.html
Ý kiến ()