Bắc Hùng: Triển vọng từ mô hình trồng cây mắc ca
– Những năm gần đây, người dân xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng đã chuyển đổi các diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca. Hướng đi này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn xã.
Cùng cán bộ Hội Nông dân xã Bắc Hùng, đầu tháng 5/2021, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng cây mắc ca của gia đình bà Đàm Thị Thép, thôn Bó Mịn. Bà Thép chia sẻ: Qua tìm hiểu trên nhiều kênh thông tin, năm 2014, tôi quyết định cải tạo 4 ha đất đồi của gia đình để trồng 1.200 cây mắc ca. Năm 2017, vườn mắc ca bắt đầu bói quả, vụ đầu tiên tôi bán hạt mắc ca tươi được 80 nghìn đồng/kg. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, thương lái đến tận vườn thu mua nên tôi tiếp tục trồng mới thêm 100 cây. Trung bình mỗi năm, tôi bán và thu về hơn 1,5 tấn hạt, đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Người dân xã Bắc Hùng chăm sóc cây mắc ca
Cũng như gia đình bà Thép, gia đình ông Hinh, thôn Bó Mịn là một trong những hộ có thu nhập cao từ trồng cây mắc ca, ông Chu Văn Hinh cho biết: Năm 2014, tôi trồng gần 700 cây trên diện tích khoảng 2 ha. Đến năm 2018, cây bói quả, tôi thu về hơn 250 kg hạt, thương lái liên hệ đến tận vườn thu mua, thu hoạch tới đâu bán hết tới đó nên chúng tôi không lo về đầu ra sản phẩm. Năm 2020, nhờ gia đình chú trọng chăm sóc nên cây cho năng suất cao hơn, tôi thu về 2 tấn hạt, trừ chi phí, gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, vỏ tươi của quả mắc ca có thể tận dụng để ủ làm phân bón cho cây, giúp giữ ẩm và hạn chế sự sinh trưởng của cỏ dại.
Mô hình trồng mắc ca xuất hiện trên địa bàn xã từ năm 2014, tuy nhiên, diện tích trồng lúc đó chưa nhiều. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây mắc ca, từ năm 2019, nhiều hộ dân đã bắt đầu trồng và đến nay, toàn xã có 15 hộ trồng mắc ca với diện tích hơn 12 ha (chiếm 37,5% tổng diện tích trồng mắc ca của huyện Văn Lãng), tập trung chủ yếu ở 2 thôn: Bó Mịn và Khòn Búm.
Theo người trồng mắc ca, bình quân mỗi héc-ta trồng được 300 đến 350 cây, trung bình một cây cho thu về 10 đến 15 kg hạt/vụ (cây lâu năm có thể cho thu 20 kg). Quả mắc ca có 2 lớp, vì vậy, sau khi thu hái, người dân có thể bán quả tươi cả vỏ với giá trung bình từ 35 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/kg hoặc bán hạt tươi với giá từ 80 nghìn đồng đến 90 nghìn đồng/kg (tùy chất lượng hạt).
Ông Đinh Thanh Tuy, Chủ tịch UBND xã Bắc Hùng cho biết: Qua theo dõi cho thấy hiệu quả kinh tế của cây mắc ca trên địa bàn xã rất rõ nét, chính vì vậy, chính quyền xã đã xác định phát triển cây mắc ca trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở địa bàn. Để phát triển hiệu quả loại cây này, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tập trung tuyên truyền và hướng dẫn người dân lựa chọn giống cây đảm bảo chất lượng, cùng với đó hỗ trợ cây giống để người dân mở rộng diện tích. Đơn cử như năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất chương trình 135, UBND xã Bắc Hùng đã hỗ trợ 1.450 cây giống với kinh phí 116 triệu đồng cho các hộ dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng.
Cùng với đó, để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca để người dân áp dụng vào thực tế và hướng tới liên kết sản xuất. Dự kiến năm 2022, xã sẽ nâng tổng diện tích trồng mắc ca thêm 5 ha. Bắc Hùng là một xã còn nhiều khó khăn, việc tập trung phát triển mô hình có triển vọng kinh tế cao như mô hình trồng mắc ca là một trong những hướng đi mới góp phần quan trọng để người dân tăng thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ý kiến ()