LSO-Sau khi đất nước hòa bình, Người đặt vấn đề “Phải phấn đấu chống những tai họa của thiên nhiên..., quan tâm đến việc “trồng cây” và “bảo vệ rừng, cấm phá rừng”*.Một việc tưởng như đơn giản, mà rất lớn là Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”. Ở đây, Người tỏ rõ không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là nhà văn hóa lớn, mẫu mực trong quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Người xây dựng một phong tục tập quán mới cho dân tộc – “Tết trồng cây” để làm giàu cho mỗi người dân, cho đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho cuộc sống của con người và thiên nhiên hòa lẫn vào nhau. “Tết trồng cây” trở thành phong trào nhân dân rộng lớn, gắn chặt với lễ hội truyền thống của dân tộc. Tháng 1 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức phát động “Tết trồng cây” trong toàn dân cùng với lời dạy “việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều”* và “trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng...
LSO-Sau khi đất nước hòa bình, Người đặt vấn đề “Phải phấn đấu chống những tai họa của thiên nhiên…, quan tâm đến việc “trồng cây” và “bảo vệ rừng, cấm phá rừng”*.
Một việc tưởng như đơn giản, mà rất lớn là Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”. Ở đây, Người tỏ rõ không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là nhà văn hóa lớn, mẫu mực trong quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Người xây dựng một phong tục tập quán mới cho dân tộc – “Tết trồng cây” để làm giàu cho mỗi người dân, cho đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho cuộc sống của con người và thiên nhiên hòa lẫn vào nhau. “Tết trồng cây” trở thành phong trào nhân dân rộng lớn, gắn chặt với lễ hội truyền thống của dân tộc. Tháng 1 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức phát động “Tết trồng cây” trong toàn dân cùng với lời dạy “việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều”* và “trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Suốt từ khi phát động “Tết trồng cây” cho đến lúc đi xa, năm nào Người cũng nhắc nhở đồng bào thường xuyên trồng cây, gây rừng, xây dựng môi trường trong sạch.
Trong những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân Mỹ ở miền Bắc, Người vẫn kêu gọi nhân dân ta trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước, Người viết:
“Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”*
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi, động viên cổ vũ phong trào “Tết trồng cây”. Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện “Tết trồng cây”, Người vừa đi tham gia trồng cây cùng với đồng bào địa phương. Trong bài viết cuối cùng của mình về “Tết trồng cây” ngày 5 tháng 2 năm 1969, Người nhắc tới “ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng” của việc “trồng cây gây rừng” nên đồng bào các địa phương phải biến “đồi trọc thành vườn cây”. Tự tay Người đã trồng nhiều cây đa mà nhân dân địa phương thường gọi bằng cái tên trìu mến “Cây đa Bác Hồ”. Trong khu nhà đơn sơ của mình, Người đã tạo ra một môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp. Người trồng nhiều cây trong vườn, chăm chút như chăm người ốm. Người chăm sóc ao cá và không cho phép ai xua đuổi hoặc bắn chim trong vườn. Người nói: chim là của quý của thiên nhiên, phải bảo vệ chúng.
Chăm sóc vườn ươm cây thông ở huyện Đình Lập
Ảnh: Thế Bảo
Đối với việc trồng cây, gây rừng, cải tạo môi trường sinh thái, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chú trọng ở nước ta, mà Người còn mong muốn việc làm đó phát triển ở nước khác. Trong những lần đi thăm các nước bạn, gặp gỡ nhân dân các nước đó hoặc khi đón tiếp các vị nguyên thủ quốc gia ở nước mình, Người đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trồng cây đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở nước Nga và Người gọi đó là “những cây hữu nghị” và nhân dân địa phương gọi là những “Cây Bác Hồ”. Các cây ấy lớn theo thời gian, không chỉ biểu hiện của tình hữu nghị tươi thắm giữa nhân dân Việt Nam và bầu bạn thế giới mà còn thể hiện ý thức làm đẹp môi trường sống.
Vô cùng xúc động, ngay cả đến lúc sắp đi xa, trong Di chúc của Người cũng không quên nhắc nhở nhân dân phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng. “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải sống cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”*.
Từ lời dạy, đến việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy rằng: con người sống không thể tách rời khỏi thiên nhiên, không thể thiếu trời mây, cây cỏ… phải hiểu giá trị to lớn “những tặng phẩm” mà thiên nhiên dành cho con người. Bởi vì “cây còn ảnh hưởng tới khí hậu và sức khỏe của nhân dân”*, “chẳng những có ý nghĩa kinh tế to lớn mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn”*.
Ngày nay khi rừng bị chặt phá nghiêm trọng, nhiều tài nguyên thiên nhiên và động thực vật bị hủy hoại, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Người về “rừng vàng biển bạc” và “chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”*. Người đau xót trước cảnh cánh rừng bị tàn phá, bị khai thác bừa bãi và cho rằng “những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc bỏ xuống sông”*. Sự đoán định của Người về nguy hại của việc phá rừng đã thấy rõ trong khi thế cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Điều này sẽ “ảnh hưởng đến khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”*. Hậu qủa của nạn phá rừng là “nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất mùa, gây ra lũ lụt và hạn hán”*. Do đó, Người kêu gọi nhân dân ta “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng… phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”*.
Ngày nay khi “ngôi nhà chung” của chúng ta vang lên tiếng kêu cứu, khi mà nhân loại nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc trồng cây gây rừng và tích cực bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, chống lại nguy cơ dư thừa CO2, chống lại các thiên tai do biến đổi đột ngột, to lớn về thời tiết. Khi hậu quả gây ra lũ lụt sạt lở, sa mạc hóa, khi việc bảo vệ môi trường sinh thái trở thành quốc sách hàng đầu của mỗi quốc gia, thì những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc kiến tạo môi trường thiên nhiên đẹp đẽ có lợi cho con người, lại có ý nghĩa thời đại vô cùng to lớn. Nhân dân ta và nhân dân nhiều nước có thể tìm thấy trong chủ trương “Tết trồng cây” của Người nhiều bài học lý luận và thực tiễn bổ ích cho việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đang là vấn đề cấp thiết trên thế giới hiện nay.
Đất nuôi sống con người đang bị thu hẹp dần do quá trình đô thị hóa, do bị tàn phá tự nhiên, đất đai bị thoái hóa, trở thành hoang mạc hóa… Thế giới đang ở giai đoạn cao của sự tàn phá, hủy diệt tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái. Lúc này hơn lúc này hết, mọi người cần phải ra sức bảo vệ “rừng vàng biển bạc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
* Trích từ “Bác Hồ với môi trường sống” NXB Thanh niên, Hà Nội, 1992
Mai Tùng
Ý kiến ()