Bác Hồ với Quốc hội khóa I năm 1946
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và ngay sau Lễ độc lập, ngày 3-9, Bác Hồ đã chủ trì cuộc họp của Chính phủ lâm thời, đề ra các nhiệm vụ cấp bách, trong đó Bác đề nghị Chính phủ tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...Ngày 6-1-1946 thật sự là một ngày hội lớn của đất nước. Hà Nội Thủ đô của nước Việt Nam mới các cửa ô rực rỡ cờ sao. Nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ nô nức đi bỏ phiếu. Lần đầu trong lịch sử nước nhà có sinh hoạt đặc biệt dân chủ rộng khắp mọi miền đất nước. Trong tình hình đất nước vô vàn khó khăn, phức tạp. Quân đội Pháp với sự hỗ trợ của quân đồng minh đã đổ bộ vào miền nam, còn ở miền bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch liên tục gây rối, phá phách, đồng thời làm ngơ để một số thế lực phản động cướp bóc, bắt bớ cán bộ... Giặc đói, giặc dốt hoành hành. Tình thế đất nước như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng...
Ngày 6-1-1946 thật sự là một ngày hội lớn của đất nước. Hà Nội Thủ đô của nước Việt Nam mới các cửa ô rực rỡ cờ sao. Nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ nô nức đi bỏ phiếu. Lần đầu trong lịch sử nước nhà có sinh hoạt đặc biệt dân chủ rộng khắp mọi miền đất nước. Trong tình hình đất nước vô vàn khó khăn, phức tạp. Quân đội Pháp với sự hỗ trợ của quân đồng minh đã đổ bộ vào miền nam, còn ở miền bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch liên tục gây rối, phá phách, đồng thời làm ngơ để một số thế lực phản động cướp bóc, bắt bớ cán bộ… Giặc đói, giặc dốt hoành hành. Tình thế đất nước như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng nhân dân Thủ đô và cả nước vẫn theo lời Bác Hồ nô nức đi bầu cử.
Trong bài viết về ý nghĩa Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh 'Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân'. Cũng theo chủ trương của Bác Hồ, nam nữ được bình quyền, bình đẳng, cho nên phụ nữ nước ta, từ một nước phong kiến lạc hậu, nay được ngang tầm sánh vai cùng nam giới lo việc nước. Ở Pháp có nền cộng hòa lâu đời nhất, kể từ công xã Pa-ri mà mãi đến năm 1949, phụ nữ Pháp mới được quyền công dân đi bầu cử. Đủ thấy nước ta đã bắt tay xây dựng một nền dân chủ cộng hòa tiên tiến ở châu Á khi đó.
Bác Hồ được quốc dân đề nghị không phải ra ứng cử, bầu cử vì Bác được suy tôn là lãnh tụ tối cao. Nhưng Bác đề nghị Bác không đứng ngoài các quy định. Bác mong được ứng cử, bầu cử như mọi công dân khác. Khi biết Người ra ứng cử ở Hà Nội, nhân dân Thủ đô lại cử đoàn đại biểu thỉnh cầu Người, không phải làm ứng cử viên như các đại biểu khác. Người là đại biểu quốc hội đương nhiệm của Thủ đô. Người lại cảm ơn sự tín nhiệm của nhân dân Thủ đô, và khước từ sự 'đặc cách' ngoại lệ vì Người muốn bình đẳng trước pháp luật. Sau đó, khi nhận cương vị Chủ tịch chính phủ liên hiệp kháng chiến, Bác Hồ trả lời các nhà báo trong nước và ngoài nước: 'Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi'.
Hà Nội lúc bấy giờ có 300 nghìn dân, cử tri khoảng 180 – 190 nghìn. Đại biểu Quốc hội lúc ấy rất trẻ. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp hơn 30 tuổi. Các chị Bảy Huệ (Ngô Thị Huệ – vợ đồng chí Nguyễn Văn Linh), Lê Thị Xuyến, Nguyễn Thị Khôi hơn 20 tuổi, các anh Huỳnh Văn Tiểng, Huỳnh Văn Gấm hơn 25, Nguyễn Đình Thi lúc ấy mới 21 tuổi. Khi kêu gọi nhân dân phổ thông đầu phiếu, Bác đã chỉ rõ, dù ở trong hay ngoài Quốc hội, ai cũng phải ra sức lo việc quốc gia. 'Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc. Người không trúng cử, cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta'. Và Người hiệu triệu 'Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do'. Thấm thoắt từ ấy đến nay đã hơn 65 năm, từ bầu cử Quốc hội Khóa I đến bầu cử Quốc hội Khóa XIII. Đặc biệt là bầu cử Quốc hội khóa XIII được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sau 65 năm, bài học quý giá của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về Quốc hội và bầu cử Quốc hội vẫn còn nguyên giá trị là ánh sáng soi đường cho chúng ta, quyết tâm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()