Bác Hồ với Lạng Sơn: Thiêng liêng những kỷ vật
(LSO) – Nằm gọn gàng và trang trọng trên tầng hai của nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh là gian trưng bày các tài liệu, hiện vật về Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Mặc dù số lượng không đồ sộ song gian trưng bày luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và du khách khi đến tham quan, nghiên cứu, học tập tại bảo tàng.
Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn hiện trưng bày 26 tài liệu, hiện vật về Bác Hồ. Mỗi tài liệu, hiện vật đều gắn với những câu chuyện hoặc kỷ niệm về Người với nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Tất cả đều được gìn giữ một cách trân trọng, sắp xếp tỉ mỉ và trình bày công phu. Mỗi khi có đoàn khách đến tham quan, cán bộ, hướng dẫn viên bảo tàng lại kể về những kỷ vật của Bác với niềm thành kính và tự hào.
Đó là những hình ảnh được ghi lại vào tháng 2/1960, khi Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với nhân dân Lạng Sơn tại sân vận động Đông Kinh; là bộ ấm chén đơn sơ mà Ủy ban hành chính Lạng Sơn sử dụng để tiếp Người ngày 23/2/1960; là bức ảnh Bác nói chuyện với cán bộ và nhân dân huyện Tràng Định ngày 21/2/1961; những bài nói, bài viết về Lạng Sơn có lưu bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bức thư mà nhân dân Lạng Sơn gửi cho Người.
Học sinh TP. Lạng Sơn tìm hiểu tài liệu, hiện vật về Bác Hồ tại Bảo tàng tỉnh
Anh Nguyễn Gia Quyền, Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho biết: Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Lạng Sơn. Mỗi trang thông tin từ mảnh đất địa đầu luôn được Bác dành thời gian xem kỹ và gạch chân những thông tin quan trọng. Chính vì vậy, Bác vẫn biết tường tận những thông tin về Lạng Sơn như: việc một em học sinh dân tộc Nùng cứu 2 bạn khỏi chết đuối, Lạng Sơn xóa xong nạn mù chữ hay một đám cưới lãng phí ở Đồng Đăng, từ đó Người có sự động viên hoặc chấn chỉnh kịp thời. Người dân xứ Lạng cũng dành cho Bác những tình cảm thật đặc biệt. Năm nào, cán bộ, công nhân viên chức và học sinh Lạng Sơn cũng viết thư chúc thọ và quyết tâm thư gửi Bác. Người luôn dành thời gian để đọc tất cả, rồi gạch chân, sửa lại câu từ. Những bài viết, những bức thư ấy qua thời gian dù đã ngả màu song tình cảm thiêng liêng của Hồ Chủ tịch đối với mảnh đất và con người xứ Lạng ẩn chứa trong từng trang viết, từng con chữ thì dường như vẫn còn vẹn nguyên.
Nổi bật nhất trong gian trưng bày tài liệu, hiện vật về Bác có lẽ là bộ đồ làm nghề mộc và nghề rèn gồm nhiều loại như: đe, khoan, lưỡi bào, đục, giũa 3 cạnh, lưỡi cưa, quạt gió… mà Người tặng nhân dân xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng vì đã có nhiều thành tích trong lao động sản xuất. Truyện kể rằng: Xã Đô Lương vốn có nhiều đất rừng, nhưng trước đây không biết chăm lo trồng cây. Từ năm 1964, trong cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, Đô Lương hợp 7 hợp tác xã nhỏ thành 3 hợp tác xã lớn. Rừng được quản lý tốt, bảo vệ tốt, kết quả bước đầu là với 270 ha rừng được chăm sóc, hằng năm, Đô Lương bán cho Nhà nước 1.100 m3 gỗ và 1.000 m3 củi. Nhờ trồng rừng, thu nhập của hợp tác xã ngày càng tăng, đời sống xã viên được cải thiện. Biết chuyện, năm 1969, Bác gửi thư khen và tặng xã bộ đồ nghề mộc và nghề rèn. Món quà của Bác được nhân dân xã Đô Lương sử dụng trong suốt nhiều năm để tạo ra những sản phẩm phục vụ lao động sản xuất. Đến năm 1993, UBND xã đã tặng lại bộ đồ nghề cho Bảo tàng Lạng Sơn. Từ đó đến nay, những kỷ vật vô giá ấy được lưu giữ, sắp xếp ở một vị trí trang trọng trong gian trưng bày tài liệu, hiện vật về Bác và luôn để lại ấn tượng sâu sắc đối với khách tham quan.
Đến thăm Bảo tàng tỉnh vào đúng dịp trưng bày triển lãm kỷ niệm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12), em Trần Văn Phúc, học sinh Trường THCS Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Qua những kỷ vật này, em không chỉ hiểu thêm về lịch sử mà còn cảm nhận được tình cảm nồng ấm mà Bác dành cho mảnh đất và con người xứ Lạng cũng như sự giản dị, gần gũi của Người.
Những tài liệu, hiện vật về Bác Hồ đang được lưu giữ, trưng bày ở Bảo tàng tỉnh là minh chứng sống động về tình yêu thương bao la của Người. Dù Bác đã đi xa nhưng tình cảm thiêng liêng ấy vẫn mãi được lưu truyền cho con em các dân tộc xứ Lạng. Từ lòng biết ơn, trân quý đối với Bác kính yêu, cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn không chỉ cẩn trọng gìn giữ, bảo quản những tài liệu, hiện vật ấy mà luôn tích cực nghiên cứu, sưu tầm nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật làm phong phú thêm gian trưng bày. Anh Nguyễn Gia Quyền cho biết: Tới đây, Bảo tàng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật về Bác Hồ với các dân tộc Lạng Sơn từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia và bảo tàng các địa phương khác để chỉnh lý, bổ sung cho gian trưng bày, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập của nhân dân và du khách.
BẢO VY
Ý kiến ()