Bác Hồ với Lạng Sơn những ngày đầu giành chính quyền
(LSO) – Một sớm tháng 5/1996, chúng tôi được gặp ông Hoàng Văn Kiểu – cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nghe ông kể lại những câu chuyện về Bác trong thời kỳ Lạng Sơn mới giành chính quyền. Hơn 20 năm trôi qua, người cán bộ lão thành đã tạ thế (ông Kiểu mất năm 1996), nhưng câu chuyện ông kể vẫn dâng trong chúng tôi niềm xúc động. Nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh xin được biên lại theo lời kể cách đây hơn 20 năm…
Là một tỉnh miền núi biên giới, địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của cả nước và luôn được Đảng, Bác Hồ kính yêu quan tâm chỉ đạo, dìu dắt. Cùng với khí thế cách mạng của cả nước, ngày 25/8/1945 dưới sự chỉ đạo của Đảng, Lạng Sơn khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Cuộc Tổng khởi nghĩa của ta vừa thắng lợi thì cũng là lúc 20 vạn quân Tưởng cùng bè lũ tay sai tràn vào nước ta dưới danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật. Đi tới đâu chúng tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam rất trắng trợn và thâm độc. Chính quyền cách mạng từ trung ương tới địa phương vừa mới thành lập đã bị chúng uy hiếp rất nghiêm trọng. Bọn chúng cung cấp vũ khí cho bọn tay sai phản động đánh phá cách mạng.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Ảnh: PHÙNG KHIÊM
Ở Lạng Sơn, ngày 26/8/1945, một ngày sau khi lực lượng cách mạng của tỉnh giành được chính quyền ở thị xã, những cánh quân đầu tiên của Tưởng Giới Thạch theo đường Đồng Đăng đã vào tới thị xã. Theo sau cánh Tưởng là bè lũ tay sai với danh nghĩa của hai tổ chức Việt quốc và Việt cách. Bọn chúng với ý đồ dựa dẫm, lợi dụng áp lực của Tưởng để đánh bật chính quyền cách mạng của ta, thiết lập chính quyền bù nhìn làm tay sai đắc lực cho phản động. Với ý đồ nham hiểm đó, vừa đặt chân tới Lạng Sơn, bọn chúng đã tiến hành hàng loạt hành động phá hoại gây rối trật tự trị an ở khu vực thị xã và các thị trấn: Đồng Đăng, Na Sầm, Thất Khê… Chúng còn dựng lên tổ chức “Nam Dương nông dân Hoa Kiều hiệp hội” nhằm tập hợp bọn phản động chống phá cách mạng.
Trước tình hình đó, Đảng ta đề ra sách lược “Hòa để tiến”, tránh xung đột và giao thiệp thân thiện với quân Đồng Minh, tranh thủ thời gian củng cố xây dựng chính quyền nhân dân. Vấn đề đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chống nạn đói, đoàn kết dân tộc và củng cố căn cứ địa cách mạng Cao – Bắc – Lạng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ… là những việc Đảng và Bác Hồ quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ đối với tỉnh nhà. Là cán bộ tỉnh, tôi được nhận các chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch qua các đặc phái viên của Trung ương đến công tác tại Lạng Sơn như các đồng chí: Lê Quảng Ba, Trần Minh Tước…
Thời kỳ cuối năm 1945, đầu năm 1946 quân Tưởng tìm mọi cách gây rối, chống phá cách mạng nước ta. Theo sự thỏa thuận của Chính phủ ta và Tiêu Văn – đại diện Chính phủ Quốc dân Đảng (Trung Quốc), hai bên cùng cử phái đoàn đến Lạng Sơn để xem xét và giải quyết tại chỗ những vấn đề thuộc quan hệ giữa quân đội Tưởng với chính quyền của ta ở địa phương. Phái viên của ta là đồng chí Lê Quảng Ba, người được Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ. Tên phái viên của Tiêu Văn đến Lạng Sơn, thực hiện ý đồ của Quốc dân Đảng thúc quân đội Tưởng Giới Thạch đang đồn trú ở Lạng Sơn tìm mọi cách móc nối với các đảng phái phản động gây rối loạn chống chính quyền địa phương. Chúng luôn tìm cớ vu khống, dựng chuyện, cố tình gây rắc rối… Nhưng đồng chí Lê Quảng Ba, phái viên của Chính phủ ta được Bác Hồ chỉ thị cụ thể cách thức xử sự vừa khôn khéo, tế nhị vừa kiên quyết bác bỏ những luận điệu xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng ta đối với quân đội Tưởng Giới Thạch và đồng bào Hoa Kiều sinh sống ở Lạng Sơn. Chúng ta đã thành lập một bộ phận chuyên bán gạo cho quân Tưởng, không để chúng kiếm cớ tiếp xúc với dân. Ta tranh thủ đổi và mua vũ khí của chúng để trang bị cho lực lượng vũ trang của ta, kịp thời giải quyết mọi xung đột xảy ra giữa quân Tưởng và nhân dân. Từ đó phá vỡ âm mưu tổ chức phát triển phong trào “Nam Dương nông dân Hoa Kiều hiệp hội” do bọn Tưởng nặn ra. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, củng cố và phát triển các tổ chức quần chúng làm áp lực đè bẹp bọn phản động và đấu tranh với kẻ thù… Vì vậy, mặc dù phái viên của Tiêu Văn đã tìm mọi cách về các thị trấn có đồng bào Hoa Kiều cư trú lâu đời để bới lông tìm vết, cố tình kích động… nhưng chúng ta đã kịp thời ngăn chặn và vạch mặt chúng. Sau hơn 1 tháng phái viên của hai bên xem xét, giải quyết tình hình ở Lạng Sơn, đại diện của Tiêu Văn đã buộc phải xác nhận vào văn bản chung là: “Mối quan hệ giữa chính quyền địa phương của Việt Nam với quân đội Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch) và đồng bào Hoa Kiều nói chung là tốt” (“Hữu hảo”). Lạng Sơn đã phá tan được âm mưu thâm độc của quân đội Tưởng Giới Thạch. Cũng qua cuộc đấu tranh này, Đảng bộ, chính quyền non trẻ của tỉnh ta tiếp thu được nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, củng cố chính quyền, đấu tranh với kẻ thù, thực hiên tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Đầu năm 1946, đất nước ta có những biến động lớn. Ngày 28/2/1946, được hỗ trợ của Đế quốc Mỹ, thực dân pháp đã ký với Tưởng hiệp ước mua bán tại Trùng Khánh (Hiệp ước Hoa – Pháp). Theo hiệp ước này, Pháp được quyền đem quân thay chân quân Tưởng ở Bắc Đông Dương, bù lại, Pháp trả cho Tưởng các tô giới Pháp ở Trung Quốc và đường xe lửa Vân Nam, miễn thuế hàng hóa của Tưởng qua cảng Hải Phòng…
Đứng trước tình hình thực dân Pháp điều quân trở lại chiếm đóng nước ta một lần nữa, ngày 6/3/1946, Chính phủ ta ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ, đặt cơ sở cho việc đàm phán đi đến một hiệp ước chính thức. Theo Hiệp định sơ bộ, ngày 7/7/1946, quân Pháp kéo tới chiếm đóng thị xã Lạng Sơn, một trong những nơi đã được hai bên thỏa thuận cụ thể. Lực lượng của chúng gồm: trung đoàn viễn chinh với 200 lính chiến, 250 xe quân sự, 8 khẩu đại pháo 105 và 76 ly…
Để tạo điều kiện cần thiết cho việc đối phó với âm mưu và hành động của kẻ địch trước mắt cũng như lâu dài, bên cạnh việc phát huy sử dụng đội ngũ cán bộ người địa phương, tháng 7/1946, Bác Hồ đã cử đồng chí Trần Minh Tước, một cán bộ có trình độ thông hiểu sâu sắc về văn hóa Pháp làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lạng Sơn. Theo chỉ thị của Bác, đồng chí Trần Minh Tước đã có những hoạt động để hạn chế tối đa những hành động của quân Pháp phá hoại chính quyền cách mạng ngay từ khi chúng mới tới đóng ở một số cơ sở tại địa phương. Đồng chí Trần Minh Tước đã cho tổ chức các cuộc mít tinh, mở tiệc chiêu đãi tại dinh Chủ tịch tỉnh và tiến hành các cuộc tiếp xúc, tọa đàm riêng với các sĩ quan Pháp… Trong các cuộc tiếp xúc, tọa đàm với Pháp, đồng chí Trần Minh Tước đều nói bằng tiếng Pháp, bộc lộ sự am hiểu sâu sắc đất nước và con người, lịch sử và văn hóa Pháp làm cho quân Pháp rất khâm phục và kính nể người đại diện chính quyền Lạng Sơn, góp phần ngăn chặn kịp thời nhiều âm mưu thâm độc của kẻ địch.
Cũng thời kỳ này, thấy trước một cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi sẽ xảy ra, với tầm nhìn xa trông rộng, Bác Hồ đã có những chỉ thị cho Lạng Sơn và trực tiếp cử các phái viên về xây dựng củng cố phong trào. Các phái viên của Chính phủ đã truyền đạt cụ thể những chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch ngay từ giữa năm 1946 kịp thời chuẩn bị xây dựng Lạng Sơn thành căn cứ địa kháng chiến của cả nước sau này.
Cũng vào dịp đầu năm 1946, tôi có việc về Hà Nội công tác. Lần đầu tiên tôi được anh Phạm Văn Đồng đưa tôi và đồng chí Xê Lao vào gặp Bác ở Bắc Bộ phủ. Anh Đồng giới thiệu tôi với Bác; còn đồng chí Xê Lao là một cán bộ đã từng được ở với Bác và làm cán bộ liên lạc cho Bác ở Cao Bằng. Biết tôi là cán bộ Lạng Sơn, Bác hỏi tôi rất tỉ mỉ tình hình tỉnh nhà. Bác hỏi về việc Lạng Sơn tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội, về tình hình mùa màng và đời sống của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, xem có nơi nào thiếu đói không; hỏi về tình hình lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền trong tỉnh… Tôi báo cáo với Bác, Bác rất chú ý lắng nghe và góp ý cụ thể cho chúng tôi. Sau đó Bác nhắc anh Đồng xem trong ngăn kéo bàn làm việc của Bác có còn quả quýt nào không. Anh Đồng xem thấy còn ba quả quýt. Bác lấy quýt ra chia đều cho năm người có mặt tại phòng Bác lúc đó gồm: Bác, anh Phạm Văn Đồng, anh Võ Nguyên Giáp, tôi và đồng chí Xê Lao. Mỗi người đều được một nửa quả, còn một nửa quả quýt nữa Bác đưa lại cho anh Đồng cho vào ngăn kéo. Bác nói: “Phải chia cho công bằng!”. Việc chia quýt này tôi cứ nhớ mãi không thể nào quên và nhớ mãi câu nói “công bằng” của Bác, thật là gần gũi và sâu sắc biết bao.
Ý kiến ()