Chủ nhật, 24/11/2024 06:43 [(GMT +7)]
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 4, 18/04/2012 | 08:55:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhất là từ khi về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, năm 1941, Bác Hồ có nhiều năm tháng công tác, sống và sinh hoạt cùng đồng chí và đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960) – Ảnh: Tư liệu
Trong quan điểm Hồ Chí Minh, đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số “đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t4, tr217-218).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân và là tấm gương tiêu biểu nhất của khối đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết và giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng của Người đối với các dân tộc thiểu số được thể hiện nhất quán trong những chính sách của Đảng và Nhà nước ta mà nhiều lần Người nhấn mạnh là “Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t10, tr608). Suốt mấy mươi năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng trung ương Đảng và Chính phủ xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cho nên đã phát huy lòng yêu nước, động viên sức người, sức của cho kháng chiến và kiến quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao đời sống đồng bào. Có thể nói, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Bác Hồ luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Người coi trọng công tác dân vận đồng bào, từ việc tuyên truyền đến giáo dục, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số để đồng bào có được ý thức đoàn kết và bình đẳng dân tộc, làm cho đồng bào hiểu được sự cần thiết phải xóa bỏ các thành kiến dân tộc, khắc phục những tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển sản xuất để từng bước đưa đời sống đồng bào các dân tộc thoát khỏi đói nghèo lạc hậu.
Quan điểm và tình cảm của Người với đồng bào các dân tộc cũng như đối với nhân dân lao động thật vô cùng sâu nặng. Đó là sự kết tinh và thấm đượm tình thương yêu, kính trọng biết ơn của Bác đối với nhân dân mà cuộc đời Bác từng trải nghiệm và sự nghiệp Người gây dựng. Chính vì thế, trước lúc đi xa, trong di chúc Người viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức, bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất chân thành với Đảng”. Người căn dặn Đảng ta nhiều việc sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước thắng lợi, xong công việc mà Bác đặc biệt quan tâm là “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Sau ba mươi bảy năm kể từ khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đối với miền núi, vùng có đồng bào dân tộc ít người sinh sống thì Đảng và Nhà nước ta có những chương trình đặc biệt để phát triển kinh tế, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa, chính sách xã hội. Trong hơn hai mươi năm đổi mới, với những chiến lược kinh tế – xã hội Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo thực hiện rất nhiều chương trình để phát triển toàn diện các địa bàn miền núi, miền biển là nơi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ Đại hội VIII của Đảng, chương trình về xóa đói, giảm nghèo đã được triển khai trên toàn quốc, trong đó tập trung rất lớn cho các tỉnh miền núi và ven biển. Đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng và triển khai hai chương trình 134 và 135 với hàng loạt các kế hoạch về định canh, định cư và kinh tế mới, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, khuyến nông – lâm – ngư… để trợ giúp cho đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng đặc biệt khó khăn. Với nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và cố gắng của đồng bào các dân tộc, các chương trình của Đảng và Nhà nước đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, đời sống của đồng bào các dân tộc có bước cải thiện và nâng lên. Cho đến nay đường ô tô đã đến được hầu hết trung tâm các xã miền núi, trường học, trạm y tế, điện, nhà văn hóa… được xây dựng và đưa vào sử dụng ở hầu hết các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới và hải đảo. Hệ thống trường dân tộc nội trú và bán trú cũng được đầu tư toàn diện để chăm lo đào tạo các con em dân tộc.
Trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay, cần làm cho cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là cán bộ người dân tộc ý chí vươn lên và tinh thần hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Từ việc thấm nhuần đạo đức Bác Hồ mà tự mình vươn lên trong công việc, tích cực phòng và chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng… góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()