Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng, thực thi kế sách cứu nước
LSO-Hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ từ đầu thế kỷ XX kéo dài 30 năm. Ngày 5/6/1911, từ cảng Nhà Rồng, Sài Gòn, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Sau 30 năm đi qua nhiều quốc gia trên thế giới của châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, ngày 28/1/1941, Bác Hồ về nước, đến cột mốc 108, rồi đến ở hang Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Hội viên Nhà báo Lạng Sơn dâng hương tại khuôn viên lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Trong hồi ký “Bác Hồ về nước”, đồng chí Lê Quảng Ba đã kể: “Năm anh em gồm các đồng chí Phùng Chí Kiên, Thế An, Cáp, Lộc và tôi được theo Bác từ Nậm Quang về nước. Chúng tôi ăn cơm sớm, đi chào bà con rồi lên đường. Trong bộ quần áo chàm Nùng, Bác như gầy hơn. Ngước nhìn gương mặt sạm sương gió của Người, tôi thấy một dáng vẻ ung dung, điềm tĩnh rất thân quen. Tôi dẫn Bác theo những vết đường mòn lượn giữa các nếp núi nối tiếp nhau ở vùng biên giới, hướng về Cao Bằng. Bác cầm một cây gậy nhỏ, nhưng chỉ khi xuống dốc Bác mới chống. Chân Bác bước đi mau lẹ, dẻo như thanh niên. Qua chín giờ, mặt trời đã ló hẳn giữa nền trời xanh. Đi một thôi nữa, gặp một làng nhỏ năm sáu mái nhà sàn. Đây là làng Pó Vẩn, một làng có cả cơ sở cách mạng của ta và Trung Quốc. Vượt lên một đoạn dốc ngắn, rồi xuống một sườn núi dài lởm chởm đá, tôi đã nhận ra cây si mọc không xa mốc 108. Mốc đá như một tấm bia. Bác dừng lại, cúi đọc những chữ Pháp và chữ Hán khắc sâu ở hai mặt đá. Người hướng tầm mắt nhìn vọng hồi lâu về dải đất Tổ quốc trùng điệp…. Bác dừng lại một chút nữa bên một dẫy ghế đá thiên nhiên có nhiều hình dáng. Người nhìn sâu vào khoảng đất trời Tổ quốc biết bao đẹp đẽ nhưng đầy đau thương…”
30 năm tìm đường cứu nước, đặt chân trên nhiều quốc gia khắp 4 châu lục, dù hoạt động ở đâu, Bác Hồ đều đau đáu hai chữ “về nước”. Đi xa, đi lâu để tìm đường cứu nước, tìm được đường cứu nước rồi, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thực thi kế sách cứu nước. Bác về nước trong bối cảnh thế giới và bối cảnh Việt Nam đang rất khó khăn. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa bắt đầu, ưu thế còn nghiêng về chủ nghĩa phát xít. Vào thời điểm đó, chiến tranh Thái Bình Dương chưa nổ ra nhưng Nhật chiếm hầu hết Hoa Đông từ Mãn Châu đến Hải Nam và đã vào bắc Đông Dương. Việt Nam bắt đầu chịu cùng lúc hai tròng nô lệ của thực dân phát xít. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và Bắc Sơn thất bại, lực lượng cách mạng bị khủng bố khốc liệt, nhiều đồng chí lãnh đạo bị bắt, bị sát hại, đời sống đồng bào cả nước vô cùng cơ cực.
Trong bối cảnh như vậy, Bác xác định và quyết định tập trung toàn bộ lực lượng cho yêu cầu then chốt, cấp thiết của sự nghiệp cách mạng Việt Nam là đấu tranh giải phóng dân tộc. Thực thi kế sách đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác chỉ rõ, vấn đề quyết định số một là phải dấy lên phong trào cứu nước với nhiều hình thức phù hợp, vận động thu hút tập hợp, đoàn kết đông đảo người Việt Nam ở miền ngược và miền xuôi, ở vùng núi và đồng bằng, ở thành thị và nông thôn, trong mọi tầng lớp, sắc tộc, tín ngưỡng, già và trẻ, trai và gái ở khắp mọi vùng miền đất nước. Dấy lên, tạo được phong trào cứu nước như thế, lực lượng cách mạng sẽ ngày càng phát triển, đủ sức làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công. Với tư tưởng chiến lược đó, về nước ngày 28/1/1941, chưa đầy 4 tháng sau, tại Pác Bó, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Bác chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Bác nhận định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không thực hiện được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, theo đề nghị của Bác, hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một học trò xuất sắc của Bác Hồ đã khẳng định: “Việt minh là một sáng tạo, một biểu hiện tập trung của thiên tài Hồ Chí Minh. Nó mở ra con đường mới cho đội tiên phong của giai cấp vô sản ở một nước thuộc địa, có thể tập hợp được toàn dân, từ hai bàn tay trắng đứng lên, đập tan ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc…. Việt minh chứa đựng tư tưởng chính yếu nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết vừa là mục tiêu, vừa là động lực cách mạng”. Mặt trận Việt minh thành lập ngày 19/5/1941, chưa đầy 20 ngày sau, ngày 6/6/1941, Bác Hồ đã kêu gọi đồng bào cả nước “Trong lúc quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ đế quốc và bọn việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”. Với sự kiện thành lập Mặt trận Việt minh theo sáng kiến của Bác Hồ, từ giữa tháng 5/1941, Đảng ta trong sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc đã nhanh chóng tập hợp được các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, vì đã nói lên những nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng của nhân dân. Vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua Việt minh ngày càng củng cố với những đảng viên tận tụy trung thành với Đảng, với dân tộc, không chùn bước trước khó khăn, gian khổ, luôn luôn gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
Bác Hồ về nước cách đây 74 năm. Năm nay, kỷ niệm 74 năm ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thực thi kế sách cứu nước, thêm một lần nữa nhấn mạnh điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Chủ nghĩa Mác – Lênin được vận dụng vào Việt Nam từ ngày Nguyễn Ái Quốc trở về nước, mang sắc thái đặc biệt, một sắc thái Việt Nam, kể cả về mục tiêu, hình thức tổ chức, cũng như biện pháp đấu tranh. Nó đã hòa đồng với truyền thống dân tộc. Tất cả đều thấm đượm tư tưởng yêu nước, thương dân Hồ Chí Minh”.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()