Các nhân chứng lịch sử kể chuyện về những ngày sống, làm việc tại ATK Định Hóa.Như mọi miền quê của Tổ quốc Việt Nam, những ngày tháng Năm lịch sử, vùng đất ATK kháng chiến Định Hoá - Thái Nguyên lại rộn ràng không khí mừng Ngày sinh nhật Bác. Bóng Người như còn đây - bên dòng suối, trên lưng ngựa, từng bậc đá rêu phong ẩn dưới tán rừng vầu lên ngọn đồi Khau Tý (Điềm Mặc) còn in dấu chân Người.Trên ngọn đồi Khau Tí, 65 năm trước, Người về đây lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Đồi Khau Tí nơi Người sống và làm việc giữa lòng dân, hôm nay đã trở thành làng du lịch sinh thái thôn Bản Quyên.Trong khoảng lặng của gió rừng Khau Tí, bà Hạ Chí Nhân, con gái đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyên Tổng Bí thư Tổng Bộ Việt Minh lấy cho chúng tôi xem từng bức ảnh bà được chụp chung với Người. Xấp ảnh đen trắng đã ngả màu thời gian, song nhờ được bà nâng niu, cất giữ bằng trái tim...
Các nhân chứng lịch sử kể chuyện về những ngày sống, làm việc tại ATK Định Hóa. |
Như mọi miền quê của Tổ quốc Việt Nam, những ngày tháng Năm lịch sử, vùng đất ATK kháng chiến Định Hoá – Thái Nguyên lại rộn ràng không khí mừng Ngày sinh nhật Bác. Bóng Người như còn đây – bên dòng suối, trên lưng ngựa, từng bậc đá rêu phong ẩn dưới tán rừng vầu lên ngọn đồi Khau Tý (Điềm Mặc) còn in dấu chân Người.
Trên ngọn đồi Khau Tí, 65 năm trước, Người về đây lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Đồi Khau Tí nơi Người sống và làm việc giữa lòng dân, hôm nay đã trở thành làng du lịch sinh thái thôn Bản Quyên.
Trong khoảng lặng của gió rừng Khau Tí, bà Hạ Chí Nhân, con gái đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyên Tổng Bí thư Tổng Bộ Việt Minh lấy cho chúng tôi xem từng bức ảnh bà được chụp chung với Người. Xấp ảnh đen trắng đã ngả màu thời gian, song nhờ được bà nâng niu, cất giữ bằng trái tim thánh thiện, nên từng tấm ảnh còn sắc nét, rõ hình, đủ cảnh. Chỉ từng tấm hình, bà giảng giải: “Cháu bé đầy tháng tuổi được Bác Hồ đang ẵm đây là tôi. Hai người đứng sau Bác là bố, mẹ tôi”.
Rồi lần lượt, bà Nhân lật mở cho chúng tôi xem từng tấm ảnh, như một cuốn nhật ký bằng ảnh về cuộc đời bà và những bé em con cán bộ, bộ đội ngày đất nước kháng chiến. Những bé em trong ảnh bà kể sau này đều trưởng thành, mỗi người một công việc, có người tham gia giữ chức vụ cao cấp của Nhà nước, giờ đã lên chức ông, bà… Bà Nhân tự hào: “Gia đình tôi sinh sống ở Hà Nội, từ nhiều năm nay, năm nào tôi cũng cùng chồng – ông Nguyễn Xuân Thu ngược quốc lộ 3 lên Thái Nguyên, về Định Hóa thăm lại chốn cũ, rừng xưa”.
Đêm Khau Tí bình yên, chỉ có tiếng gió ngàn lặng lẽ như lược trời chải vào vô số lá, cành của rừng vầu, gợi cho tôi liên tưởng tới bóng Người năm xưa ngồi câu cá bên dòng nước Nạ Tra, để bật tứ cho bài thơ “Cảnh khuya”. Và những đêm không ngủ, chính ở ngọn đồi Khau Tí, Người đã viết bài báo: “Sửa đổi lề lối làm việc” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ông Nguyễn Huy Văn, bí danh Kim Sơn vui vẻ kể chuyện: “Tôi có mặt ở ATK Định Hóa từ tháng 5-1945, được dự lễ thống nhất giữa Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu Quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân tại Định Biên Thượng. Tuy không được trực tiếp gặp Bác Hồ, song tôi tự hào là được sinh ra trong một gia đình cách mạng, trong nhà có 6 anh chị em thì cả 6 người tham gia đánh giặc. Ông dừng lời, hướng đôi mắt nhìn vào mênh mang cánh đồng Nạ Vơ. Tôi biết ông đang hồi tưởng lại thời thanh xuân từng xuyên rừng, băng suối làm nhiệm vụ. Nay đã 81 tuổi, có nhà to ở Thủ đô Hà Nội, song với ông, tài sản có giá trị lớn nhất của cuộc đời là bài báo do chính Bác Hồ viết về gia đình ông. Bài báo có tựa đề “Cả nhà kháng chiến”, Bác lấy bút danh C.B. (1),(2). Bài báo được ông cất giữ như một vật báu của dòng họ.
84 tuổi, Đại tá Trần Ngọc Duyện, nguyên Phó Tư lệnh Thông tin liên lạc vẫn nhanh nhẹn. Cái chất lính năm xưa ăn sâu vào huyết quản, ông có cách nói chuyện dứt khoát, thoải mái, ông kể: Tôi là “dân” thông tin liên lạc, tuy chưa được trực tiếp gặp Người, nhưng cùng đồng chí mình góp phần bảo đảm nhiệm vụ thông tin, thông suốt cho Người và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cũng như các đơn vị ở ATK, và từ ATK đến Điện Biên Phủ. Nay tôi sinh sống cùng con, cháu ở Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội), sau ngày kháng chiến thành công, thỉnh thoảng có dịp tôi lại về Định Hóa để được sống thời đôi mươi. Tôi đã công tác ở ATK Định Hóa từ năm 1947 đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Từng câu chuyện của thời đất nước kháng chiến, sôi động nhất là câu chuyện về Người đã sống, làm việc tại đồi Khau Tí, gần gụi, gắn bó với mọi người dân ở nơi đây như máu thịt, vì thế những người dân chúng tôi gặp, già cũng như trẻ đều có thể làm một hướng dẫn viên du lịch lịch sử giỏi.
Trở lại câu chuyện với bà Hạ Chí Nhân. Bà Nhân bảo: Trong tấm ảnh tôi đầy tháng tuổi được Bác Hồ ẵm. Đứng cạnh Bác là cụ Nguyễn Thị Bích Thuận, Phu nhân đồng chí Lê Văn Lương, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Cụ Thuận trước đây làm cảnh vệ. Rồi làm đến Phó Cục Trưởng Cục Cảnh vệ thì nghỉ hưu. Khi chúng tôi hỏi chuyện, cụ Thuận ôn tồn: Mỗi người một nhiệm vụ, song làm gì cũng phải hết sức mình, không được phép sơ xuất. Bà Nguyễn Minh Thu, 63 tuổi, con gái cụ Thuận trò chuyện: Bà sinh ra ở quê hương Điềm Mặc, được sống trong sự đùm bọc của nhân dân huyện Định Hóa. Nay gia đình bà sinh sống ở quận Ba Đình (Hà Nội), nhưng lòng bà luôn hướng về Định Hóa (Thái Nguyên), vì chính nơi này bà đã cất tiếng khóc chào cuộc đời. Tuổi thơ của bà may mắn hơn so với nhiều bé em cùng thế hệ. Bà được Bác Hồ bế, bón cho ăn. Giây lát dừng lời, bà tiếp tục câu chuyện đầy tự hào: “ Anh có biết tấm ảnh một em bé được Bác Hồ bón xôi cho ăn không? Tôi đấy, thế mà đã 61 năm rồi”.
Đã hơn 60 năm Bác Hồ về Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp xâm lược. Ngày kháng chiến thành công, Bác Hồ, Trung ương Đảng, các cơ quan Nhà nước rời ATK trở về Thủ đô Hà Nội, nhưng còn đây bóng Người, gần gụi, thân thiết, thắm đỏ như dòng máu trong huyết quản mỗi người.
Theo Nhandan
Ý kiến ()