tle=”Bác Hồ trong lòng bạn bè Pháp”> Thị trưởng thành phố Choisy le Roi Daniel Davisse phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm Bác Hồ đến Pháp trên hành trình tìm đường cứu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người bạn của giai cấp vô sản và những người cộng sản toàn thế giới đã đi xa, nhưng hình ảnh của Người vẫn khắc ghi trong tâm khảm của bạn bè quốc tế. Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước tại Pháp năm nay là dịp để tưởng nhớ một Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Buổi lễ trang trọng nơi thành phố lịch sử
Thành phố Choisy le Roi, ngoại ô phía nam thủ đô Paris những ngày này bừng lên trong không khí của ngày hội. Năm nay, Lễ kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2011) và 100 năm Ngày Bác Hồ đến nước Pháp trên hành trình tìm đường cứu nước (1911-2011) được Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và lãnh đạo Choisy le Roi quyết định tổ chức tại thành phố tươi đẹp này bởi nhiều lý do. Một trong những lý do quan trọng nhất chính là vì Choisy le Roi là hậu phương vững chắc của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong suốt thời gian tham gia Hội nghị hòa bình Paris. Trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hòa bình, thành phố Choisy le Roi luôn dành cho nhân dân Việt Nam những tình cảm, sự ủng hộ quý báu và chân thành nhất.
Từ trước giờ khai mạc, Cung hội nghị tại thành phố Choisy le Roi rộng thênh thang đã kín người tham dự. Trong các gương mặt thân quen, chúng tôi gặp lại bà Raymonde Dien, người phụ nữ can đảm nằm trên đường ray xe lửa để chặn đoàn tàu chở vũ khí sang chiến trường Đông Dương hơn 61 năm về trước. Dù tuổi cao, sức yếu, chân bị phẫu thuật không đi lại được, bà vẫn yêu cầu cô con gái Catherine Dien đưa bà đến bằng xe lăn. Nhìn bà Raymonde Dien trên chiếc xe lăn nét mặt rạng rỡ khi gặp lại các bạn bè Việt Nam, ai nấy đều xúc động.
Đến dự buổi lễ, có ông Raymond Aubrac, người bạn thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp với tư cách là nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam độc lập, Người đã đến ở nhà ông Raymond Aubrac một thời gian. Đã qua tuổi đại thượng thọ từ lâu, đi lại phải có ba-toong, ông Raymond Aubrac vẫn phấn khởi đến dự lễ kỷ niệm với tư cách là nhân chứng của lịch sử.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông thị trưởng Daniel Davisse nêu rõ, việc thành phố Choisy le Roi tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pháp trên hành trình tìm đường cứu là dịp khẳng định những giá trị cao cả của hòa bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cho khát vọng của một dân tộc vì hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội. Chính vì thế, Choisy le Roi tự hào kết nghĩa với quận Đống Đa, thành phố Hà Nội để tiếp nối truyền thống hữu nghị với nhân dân Việt Nam anh hùng.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh chân thành cảm ơn chính quyền, nhân dân thành phố Choisy le Roi đã cùng những người bạn Pháp tổ chức, tham dự lễ kỷ niệm đặc biệt này. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh xúc động gặp gỡ những người bạn, đồng chí thủy chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh như ông Raymond Aubrac, bà Raymonde Dien, những người bạn lâu năm của Việt Nam như bà Hélène Luc, ông Jean Pierre Brard, nhà sử học Alain Ruscio. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh mong muốn cuộc tọa đàm về Chủ tịch Hồ Chí Minh lần này là cơ hội quý báu để nâng cao sự hiểu biết về Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Lê Kinh Tài nhớ lại, cách đây vừa tròn một thế kỷ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, ở tuổi 20 đầy nhiệt huyết, đã rời Sài Gòn trên con tàu Latouche Tréville để một tháng sau, tháng 7-1911, Người đặt chân lên thành phố cảng Marseille của nước Pháp, mở đầu một cuộc hành trình tìm đường cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều thập kỷ hoạt động cách mạng đầy dông bão và hiểm nguy, chịu đựng biết bao gian khổ và hy sinh, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh chỉ đau đáu một tình yêu nước, thương dân sâu sắc cháy bỏng trong tim. Nghị quyết 18.65 của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 nêu rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự đóng góp về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Những kỷ niệm sâu sắc
Buổi tọa đàm với sự tham gia của ông Raymond Aubrac; bà Hélène Luc, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp – Việt; Nghị sĩ quốc hội Jean Pierre Brard, nguyên thị trưởng thành phố Montreuil; Nhà sử học Alain Ruscio, Giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu Việt Nam đương đại (CID), nguyên phóng viên thường trú báo l’Humanité (Nhân Đạo), cơ quan ngôn luận của Đảng CS Pháp tại việt Nam những năm 1980-1982; bà Thérèse Nguyễn Văn Ký, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp. Nhà báo Daniel Russen, nguyên phóng viên thường trú báo l’Humanité tại Việt Nam dẫn chương trình. Dù độ tuổi của các nhân chứng khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung, đó là lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Raymond Aubrac nhớ như in kỷ niệm của ba lần gặp Bác Hồ trong cuộc đời mình. Lần thứ nhất ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là năm 1946 khi Người sang thăm chính thức nước Pháp và đến nhà ông bà ở. Tác phong giản dị, tình cảm nhân hậu của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đã hoàn toàn thuyết phục ông bà Aubrac, những chiến sĩ du kích kiên cường nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của phát-xít Đức. Ông bà rất hạnh phúc được Bác Hồ nhận con gái mới sinh Elizabeth của ông bà là con đỡ đầu. Vào dịp sinh nhật của Elizabeth, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi những món quà tặng Việt Nam xinh xắn. Trong các cuộc gặp sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhớ tên của từng người con của ông bà và hỏi thăm từng cháu. Ông Raymond Aubrac xúc động nhắc lại sự quan tâm, tình cảm thắm thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với gia đình ông. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân cách lớn, có tấm lòng yêu thương con người bao la. Dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn không quên từng người bạn của Việt Nam. Chính vì vậy, cả cuộc đời mình, gia đình ông bà Aubrac luôn gắn bó với Việt Nam, với những người bạn Việt Nam chung thủy.
Nhà sử học Alain Ruscio ấn tượng sâu sắc về con đường Bác Hồ lựa chọn để giải phóng dân tộc. Ở tuổi 20 đầy hoài bão, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã dũng cảm ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay và trái tim đầy nhiệt huyết. Người tới các trung tâm của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản để tìm hiểu bản chất của những kẻ xâm lược. Bằng nhãn quan chính trị thiên tài, tư duy nhạy bén, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác – Lenin, con đường duy nhất có thể giải phóng các dân tộc bị áp bức khỏi ách thống trị và bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa thực dân. Cũng từ Hội nghị Verseilles năm 1919, cái tên Nguyễn Ái Quốc được cả thế giới biết đến với Bản yêu sách của nhân dân An Nam. Bước ngoặt đánh dấu sự phát triển nhận thức chính trị của Nguyễn Ái Quốc lên tầm cao mới là việc anh tham gia Đại hội Tua tháng 12-1920 sáng lập Đảng CS Pháp. 10 năm sau, người cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng CS Việt Nam, tạo ra tiền đề và lý luận cách mạng chỉ dẫn con đường giải phóng cho toàn thể dân tộc Việt Nam để rồi 15 năm sau, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, người anh hùng Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc, nơi người dân có quyền làm chủ vận mệnh của chính mình.
Bà Hélène Luc, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp – Việt hồi tưởng : Với thế hệ chúng tôi, Bác Hồ là biểu tượng của tự do, hòa bình, ý chí vươn lên của cả một dân tộc đòi quyền sống. Những năm dân tộc Việt Nam kiên cường kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tôi tham gia lãnh đạo đoàn thanh niên cộng sản Pháp tổ chức nhiều đợt biểu tình đòi chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tôi cùng chồng là lãnh đạo thành phố Choisy le Roi lúc đó hết lòng ủng hộ Phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa trong suốt 5 năm diễn ra Hội nghị hòa bình Paris. Ngày 27-1-1973, ngày ký Hiệp định hòa bình Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chúng tôi sung sướng vô cùng. Chiến thắng 30-4-1975 lan sang Pháp như một luồng điện. Chúng tôi nhận được tin mà nước mắt cứ trào ra. Trong giờ phút đó, tôi nghĩ đến Bác Hồ, chỉ tiếc là Bác không còn sống để chứng kiến cảnh đất nước Việt Nam từ nay thống nhất, giang sơn thu về một mối. Cả cuộc đời mình, Bác Hồ chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao dân tộc độc lập, người dân được hạnh phúc. Đó là những phẩm chất của một nhân cách vĩ đại. Chính vì vậy, Hội hữu nghị Pháp – Việt thành lập 50 năm nay luôn hướng về Việt Nam. Với chúng tôi, đất nước của Bác Hồ là quê hương thứ hai của mình.
Tại lễ kỷ niệm, có rất nhiều phát biểu hồi tưởng về những tình cảm tốt đẹp, những kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nhân chứng đều cảm nhận nhân cách lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người suốt đời phấn đấu xây dựng tình đoàn kết quốc tế. Với những người bạn Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống mãi trong tâm khảm, không phai mờ.
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Ý kiến ()