Thứ 2, 25/11/2024 19:21 [(GMT +7)]
Bác Hồ trong hành trình từ Pác Bó về thủ đô Hà Nội những ngày cuối năm 1945
Thứ 3, 28/08/2012 | 10:27:00 [(GMT +7)] A A
Sơn nguyện tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, năng lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh vững mạnh, giàu đẹp, văn minh.
LSO-Từ Pác Bó đi Tân Trào, Bác Hồ cùng với đội cận vệ và một số đồng chí khác đi bộ khoảng trên 10 ngày mới đến. Để vừa đi, vừa gặp gỡ đồng chí, đồng bào tuyên truyền cách mạng, vừa nghỉ chân dưỡng sức, Người chia làm hai chặng đường đi: Chặng thứ nhất đi từ Pác Bó đến Lam Sơn (Cao Bằng). Chặng thứ hai đi từ Lam Sơn đến Tân Trào (Tuyên Quang).
Hồ Chủ tịch lội suối đi công tác – Ảnh: Tư liệu
Cuộc hành trình của Bác trên hai chặng đường vô cùng vất vả, tuổi đã cao, sức yếu nhưng Bác cùng đoàn kiên trì đi, bí mật, dựa vào Việt Minh cơ sở và nhân dân. Chặng đầu từ Pác Bó đi Lam Sơn mất khoảng 2 ngày. 9 giờ sáng 4/5 đoàn khởi hành từ lán Khuổi Nậm, dọc bờ suối LêNin qua các bản làng thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng ngày nay. Ngày 5/5 đi tiếp và đến Lam Sơn, làm việc ở đây từ 6 – 8/5; Bác chủ trì cuộc họp quan trọng với các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Đặng Văn Cáp và 2 đồng chí lãnh đạo đại diện liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng (đồng chí Bình Dương, đồng chí Lã). Bác Hồ cùng đoàn đi đến đâu cũng được cán bộ và nhân dân hết lòng chăm sóc giúp đỡ về mọi mặt.
Từ sáng ngày 9/5/1945 đến 16 giờ ngày 21/5/1945, Bác Hồ cùng đoàn đi đến Tân Trào (Tuyên Quang) mất khoảng 12 ngày. Trên chặng đường dài, đoàn đều quan tâm bố trí nơi dừng chân, sao cho giữ được bí mật, vẫn thăm được dân, phục hồi sức khoẻ để ngày mai đi tiếp. Đặc biệt, trong đoàn từ khi rời Pác Bó đã được Bác bố trí hai sĩ quan Mỹ là bạn Đồng Minh (có một người gốc Hoa) sang giúp ta về kỹ thuật vô tuyến điện. Ngày 21/5/1945 Bác đến Hồng Thái, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), Người nghỉ chân ở Đình Hồng Thái. Sau đó, vượt sông Đáy đi Tân Trào, khoảng 16 giờ cùng ngày Bác cùng đoàn đến Tân Trào, huyện Sơn Dương. Ăn cơm chiều, đồng chí Võ Nguyên Giáp giới thiệu đoàn với gia đình, ông Nguyễn Tiến Sự (sau này vẫn là cơ sở tin cậy và giúp Bác trong quan hệ ở cơ sở này) bố trí hai người phụ trách điện đài ở trong vườn nhà ông Sự. Ngày 24/5, Bác cùng ông Sự lên rừng tìm nơi làm việc mới ở lưng chừng đồi dựng lán Nà Lừa – nơi làm việc chính của “Ông Ké” (Bác Hồ) kể từ cuối tháng 5, đồng thời Người chỉ thị mở trường đào tạo cán bộ (Trường Quân chính Kháng Nhật) ở gần xã Tân Trào. Đầu tháng 6/1945, Bác thăm trường, anh em chỉ biết Người là một ông cụ người Nùng nói sõi tiếng Kinh.
Lúc này, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến có lợi cho cách mạng nước ta. Căn cứ vào báo cáo của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ 15/4/1945. Người chỉ thị thành lập “Khu giải phóng” bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên có địa thế nối liền nhau; thống nhất các lực lượng vũ trang đặt tên là “Quân Giải phóng”, Người họp bàn với các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng xây dựng dự thảo khu giải phóng. Những ngày tiếp theo, Bác bận trăm công ngàn việc chuẩn bị các vấn đề lãnh đạo cách mạng Tháng Tám và về thủ đô làm lễ mít tinh ngày 2/9. Một hôm trong tháng 6 được tin báo: Nhật có thể tấn công lán Nà Lừa, Người nhận định không chuyển địa điểm. Bác chỉ thị các cấp Việt Minh: các thư doạ nạt, dụ dỗ của Nhật, xem xong đốt ngay, “chỉ trả lời bọn Nhật bằng tiếng súng chứ không phải bằng lời nói”
Trong cuộc hành quân đường dài gian nan, Bác Hồ lo toan nhiều việc nước, tuổi đã cao (55 tuổi), sức yếu. Vào những ngày cuối tháng 7/1945, tại Lán Nà Lừa, Bác ốm nặng, uống thuốc vẫn sốt cao, mê sảng. Các đồng chí lãnh đạo đoàn công tác và nhân dân hết sức lo và thương Bác; về sau, Bác uống thuốc của một cụ lang già người Tày, cơn sốt lui dần. Người lại gượng dậy tiếp tục làm việc. Cán bộ, nhân dân biết tin vui mừng khôn xiết.
Với các sự kiện sau đây làm cho tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, ngày 6/8 Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hirôsima và Nagasaki. Ngày 8/8/1945 Hồng quân Liên Xô chiến thắng đạo quân Quan Đông của Nhật. Ngày 10/8, chính phủ phe đồng minh gửi công hàm yêu cầu Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, Người nhận định thời cơ đã đến và khẩn trương mở hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào. Người nói với các đồng chí lãnh đạo của Đảng: “Nên họp ngay và cũng không nên kéo dài hội nghị, chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, Không thể để lỡ cơ hội”. Ngày 12/8, được tin Nhật Bản gửi công hàm đến các nước đồng minh (Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc) chỉ chấp nhận “ngừng bắn”, chứ không chấp nhận “đầu hàng” không điều kiện. Được tin này, Người cấp tốc hội ý với Ban Thường vụ Trung ương quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước.
Ngày 13/8, Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào. Hội nghị nhận định: “cơ hội rất tốt cho ta giành chính quyền độc lập đã tới”. Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập gồm 5 người, do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp phụ trách. Đúng 23 giờ cùng ngày, Uỷ ban khởi nghĩa ra quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước. Nhận được tin Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng đồng minh không điều kiện. Bác đã đề nghị Hội nghị toàn quốc của Đảng sớm kết thúc để đại biểu về địa phương kịp thời phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền.
Để huy động lực lượng quân dân cả nước tham gia tổng khởi nghĩa, ngày 16/8 và 17/8, Đại hội quốc dân được tổ chức tại Tân Trào. Hội nghị tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Bầu uỷ ban giải phóng dân tộc (UBGPDT) tức chính phủ lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Ban thường trực UBGPDT gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền. Ngay chiều 16/8, một đơn vị giải phóng quân tập hợp dưới cờ làm lễ xuất phát tiến về Nam. Bác Hồ mệt nên không đi dự được. Ngày 17/8/1945, tại đình Tân Trào, thay mặt UBGPDT, Bác đọc lời tuyên thệ trong buổi ra mắt quốc dân.
Ngày 22/8/1945, Bác từ Tân Trào về thủ đô Hà Nội để chuẩn bị làm lễ mít tinh mồng 2 tháng 9. Người đi bộ đường đèo Khế đến Đại Từ, 21 giờ đi ôtô đến Thái Nguyên. Ngày 23/8, đi ôtô qua Phúc Yên (Tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Trên đường về Hà Nội, Bác vẫn mặc bộ quần áo nâu, người rất yếu, chiều qua đò Sông Hồng bến Phú Xá, tối ngủ ở Làng Gạ (xã Phú Thượng, Từ Liêm). Đồng chí Trường Chinh đón Bác từ sớm tại Làng Gạ. Ngày 25/8/1945, Bác nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh báo cáo tình hình. Chiều, Người đi ôtô vào nội thành. Bác được cơ sở bố trí ở tầng 2, số nhà 48 Hàng Ngang. Hàng ngày, Bác đến làm việc tại nhà số 12 phố Ngô Quyền, trụ sở của chính phủ lâm thời. Ngày 26/8, họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Người chủ trì bàn và thống nhất chủ trương đối nội, đối ngoại; công bố danh sách thành viên chính phủ lâm thời; chuẩn bị ra Tuyên ngôn độc lập. Ngày 27/8, Bác triệu tập cuộc họp Uỷ ban dân tộc giải phóng, Người đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong những ngày 28, 29, 30/8/1945, Bác dành thời gian soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Đồng thời mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý cho bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập . Ngày 31/5, Người sửa đổi, bổ sung vào bản thảo Tuyên ngôn độc lập và hỏi cụ thể về tình hình chuẩn bị tổ chức cuộc mít tinh lớn ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, nhắc nhở Ban tổ chức một số điểm cần chú ý.
Hồi 14 giờ ngày 2 tháng 9 năm 1945, trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào thủ đô, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Thay mặt chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Sau chính phủ lâm thời tuyên thệ. Người nói tiếp: “Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng, giữ gìn, bảo vệ”.
Sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941, Bác Hồ kính yêu mới về nước cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Cuộc hành trình của Người kéo dài gần 4 tháng đầy gian nan, vất vả trên chặng đường hàng mấy trăm cây số từ Pác Bó đến Tân Trào và từ Tân Trào về thủ đô Hà Nội. Người đã chủ trì lãnh đạo thực hiện nhiều việc trọng đại cho kháng chiến thành công và tuyên bố độc lập. Ngày nay, hình ảnh cao đẹp và thân thương của Bác chẳng những ghi sâu trong lòng nhân dân Việt Bắc – nơi người đi qua và làm việc mà còn trường tồn với tất cả nhân dân Việt Nam ta, với non sông, đất nước ta và với bạn bè trên thế giới.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, cùng với toàn đảng, toàn dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn nguyện tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, năng lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh vững mạnh, giàu đẹp, văn minh.
color:#333333;”>(Tài liệu tham khảo, Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện tập II, NXB CTQG – HN1993)
Đinh Ích Toàn
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()