Bác Hồ - tấm gương đạo đức mãi mãi sáng ngời của Đảng và nhân dân ta
LSO-Bốn mươi sáu năm đã trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ đi xa, song trong lòng ta, trong trái tim của mỗi người Việt Nam chúng ta, vẫn thấy không lúc nào vắng Bác, những người chưa một lần gặp Bác, vẫn thấy Bác Hồ kính yêu, gần gũi và thân thương. Và câu: “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, không phải chỉ là một khẩu hiệu, mà đó chính là tấm lòng, là tình cảm sâu nặng, thắm thiết của toàn dân ta đối với Bác Hồ kính yêu.
Năm 1949, Đoàn đại biểu Nam bộ từ miền Nam ra thăm miền Bắc đã tới quây quần bên vị Cha già dân tộc – Ảnh: TL |
Nhớ đến Bác Hồ kính yêu, là chúng ta nhớ ngay đến tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Người. Một nhà lãnh đạo đã nói: Để hiểu sự nghiệp Hồ Chí Minh chúng ta hãy đến với con người Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch là một thiên tài kiệt xuất. Cái gốc, cái cốt tử trong thiên tài của Bác là đạo đức cách mạng. Một điểm nổi bật trong đạo đức cách mạng của Bác, đấy là lòng thương yêu, quý trọng đối với nhân dân, luôn luôn tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân. Có thể nói, mọi suy nghĩ, mọi hành động của Bác đều vì lợi ích của nhân dân. Người luôn đặt đời sống của mình trong đời sống của nhân dân và luôn luôn gắn bó với nhân dân. Theo số liệu của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh thì trong 10 năm (1955 – 1965), Bác Hồ đã đi thăm cơ sở hơn 700 lần.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, một người hầu như cả cuộc đời ở gần Bác đã nói: “Ở gần Bác, tôi thấy một nét nổi bật của Bác là rất coi trọng phẩm chất con người” Bác Hồ đã nói: “Cũng như sông, có nguồn mới có nước, không còn nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (tháng 10/1947).
Bác còn nói:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người” (tháng 6/1949)
Một nhà văn đã viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới, có một vị Chủ tịch Nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ, bên cạnh cái ao nuôi cá, làm “cung điện của mình”.
Lại nhớ khi ngôi nhà sàn làm xong, Bác tổ chức liên hoan, mời anh em công nhân ăn kẹo, uống nước, Bác nói: các chú làm như thế là nhanh, tốt, nhưng còn một khuyết điểm. Các chú có biết khuyết điểm gì không? Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh thưa với Bác: so với Bác dặn thì ngôi nhà có to hơn ạ. Bác bảo: chú nói đúng. Nước ta chưa giàu, dân ta còn khổ, chưa đủ nhà ở. Bác ở thế này là tốt lắm rồi. Các chú không phải lo cho Bác. Mùa rét, Bác Hồ có một cái áo bông của đồng bào biếu, Bác đã mặc nhiều năm, bông đã xẹp không ấm nữa, cái vỏ bọc ngoài đã phai màu, lại rách ở vai. Bác bảo vá lại cho Bác. Nhân dịp này, anh em không dám nói thay áo khác, chỉ xin Bác cho thay cái vỏ bọc ngoài cho mới. Bác bảo: Này chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy. Sao chú lại dám bỏ cái phúc ấy đi! Bác còn nói thêm: “Bây giờ, nhiều cụ già ở nông thôn, có được cái áo bông này là quý lắm đấy chú ạ”. Bây giờ cái áo bông vá ấy vẫn còn trong Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Có lần, một nữ nhà văn nước ngoài vào thăm khu nhà Bác ở. Thấy Bác ở giản dị quá, mọi người rất cảm động. Nữ nhà văn xin phép được mở cái tủ áo của Bác. Và khi nhìn thấy trong chiếc tủ gỗ đơn sơ chỉ vỏn vẹn có vài ba bộ quần áo ka ki đã bạc màu, bên dưới là một đôi dép cao su.
Trong bài thơ “Người chẳng có gì riêng”, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“Giấu mình đi, Người không làm phiền ai tất cả
Dép một đôi, áo quần vài bộ
Chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài
Người không có một mảnh vườn riêng
Một đứa con riêng. Người chẳng có
Chỉ có vầng trăng chia đều cho các cháu nhỏ
Và hát chung nhân dân bài hát kết đoàn”.
Hồi Bác còn ở trong gian nhà của người thợ điện cũ, rất nóng bức. Một lần Bác đi vắng, anh em đã lấy một chiếc máy điều hòa vào nhà Bác. Nhưng khi về, Bác đã gọi đồng chí Vũ Kỳ lên bảo:
– Chiếc máy này tốt đấy chú ạ, các chú nên đem cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước, Bác đến thăm thấy các chú nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi.
Nhắc lại câu chuyện này, lại nhớ đến lời Bác nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn, mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”.
Đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh còn được thể hiện bằng tấm lòng nhân ái, yêu thương con người. Bác đã nói rõ: “Chữ Người nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít, thực dân là những ác quỷ thì ta phải kiên quyết đánh đổ, còn đối với tất cả những người khác ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ bác ái” (tháng 6/1949).
Trong Di chúc của Người, Bác cũng viết: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, chữ con người Bác gạch dưới bằng mực đỏ. Và trong Di chúc này, Bác đã viết: “Đối với liệt sĩ, đối với cha mẹ, vợ con của các thương binh và liệt sĩ, đối với lực lượng vũ trang, với thanh niên xung phong, với phụ nữ, với nông dân… Nhưng điều làm cho chúng ta xúc động là Bác Hồ đã dặn dò cả việc đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… thì Nhà nước ta vừa phải giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở thành người lương thiện. Có thể nói, trong muôn vàn tình thương yêu của Người, Bác Hồ không để sót một ai.
Bác Hồ là người Việt Nam suốt đời nêu gương sáng cho dân tộc mình, cho thế hệ trẻ. Người đã nói, là làm đúng những điều mình nói. Và luôn luôn giáo dục cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo, những người cao tuổi phải làm gương tốt cho mọi người noi theo. Bác nói: “Một tấm gương tốt còn hơn 100 bài diễn văn dài dòng”.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng là người sống lâu bên Bác kể lại: “Trong nhiều năm ở gần Bác, không một trường hợp nào tôi thấy Bác bực tức ra mặt, làm tổn thương, dù chỉ thoáng qua, người đồng chí của mình: Đây là điều đến bây giờ hồi tưởng lại tất cả, tôi lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng viết thêm: “Phải là một con người giàu lòng khoan dung, độ lượng mới có thể xử sự một cách nhân ái như vậy. Chính thái độ này là một bài học mãi mãi ghi sâu trong ký ức tôi” (Hồ Chí Minh – một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta – một con người phi thường và xuất chúng. Tuy nhiên khi gặp Bác, mọi người đều cảm thấy như thân thuộc từ lâu, dễ dàng nói chuyện cởi mở, không chút nào cách bức.
Bác Hồ của chúng ta như thế đó. Dân tộc chúng ta, nhân dân chúng ta mãi mãi biết ơn Người – một lãnh tụ vĩ đại, một người Việt Nam vĩ đại. và câu “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” không phải chỉ là một khẩu hiệu, mà đó chính là tình cảm, là lời thề của chúng ta đối với Bác kính yêu.
HOÀNG QUANG HIỂU
Ý kiến ()