Thứ 7, 23/11/2024 04:32 [(GMT +7)]
Bác Hồ rất quý trọng tình cảm gia đình
Thứ 2, 28/06/2010 | 08:46:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Tình cảm gia đình là cơ sở tốt đẹp, bền vững của lòng yêu nước, yêu dân. Là người cả đời vì nước, vì dân, Bác Hồ rất quý trọng tình cảm gia đình.
Năm 1929, Bác Hồ từ châu Âu về nước Thái Lan. Thời gian ở Thái Lan, Bác Hồ giúp anh em cán bộ Việt kiều củng cố, phát triển tổ chức Việt kiều và uốn nắm lại nội dung tuyên truyền của tờ báo Thân ái. Bác Hồ thường đi thăm trụ sở của các đoàn thể Việt kiều. Một lần, trên đường đi thăm các trụ sở đó, mới đi được nửa đường thì trời tối, Bác Hồ ghé vào một gia đình Việt kiều làm thợ mộc, ngủ nhờ. Đêm đó, chị chủ nhà ngâm Kiều ru con. Bác Hồ lắng nghe. Sáng hôm sau lúc đi đường, Bác Hồ nói với đồng chí Trần Lan, bạn đồng hành, giọng rất âu yếm:
“Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”.
Chỉ lời ru con của chị chủ nhà Việt kiều cũng làm Bác Hồ xúc động tình cảm gia đình đến thế!
Cuối năm 1946, tại Bắc Bộ Phủ, Bác Hồ gặp chị gái Nguyễn Thị Thanh. Sau hơn ba mươi năm xa cách, khi gặp chị gái, Bác Hồ dang hai tay ôm chặt lấy đôi vai người chị và xúc động nói “ôi chị, chị có khỏe không?”. Gặp chị gái, chị em nói chuyện hơn nửa giờ trong nhà khách Chính phủ, Bác Hồ và bà Nguyễn Thị Thanh đôi mắt đều ngấn lệ.
Ở Việt Bắc Bác Hồ thường đến thăm các gia đình người dân tộc Ảnh: Tư liệu |
Cũng cuối năm 1946, cũng tại Bắc Bộ Phủ, Bác Hồ gặp anh trai Nguyễn Sinh Khiêm. Hai anh em gặp nhau cũng sau hơn ba mươi năm xa cách, Bác Hồ xúc động nói: “Anh mới ra, anh khỏe không, quý hóa quá. Chị Thanh về trong đó có khỏe không anh? hôm chị ra đây nhưng em bận quá, không tiếp chị được nhiều,… em có mời chị ở chơi đến chiều nhưng chị về”. Ông Nguyễn Sinh Khiêm trả lời: “Chị Thanh về có nói chuyện lại, bảo chú gầy lắm, công việc bận suốt ngày,…”. Bác Hồ nghe anh trai nói rồi đọc:
“Chốc đà mấy chục năm trời
Còn non, còn nước, còn người hôm nay”.
Sau khi nhận cam Xã Đoài của anh trai, Bác Hồ đọc luôn câu ca dao Xứ Nghệ:
“Quê ta ngọt mía Nam Đàn
Bùi khoai chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài
Ai về ai nhớ chăng ai
Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh”.
Đọc mấy câu ca dao trên, Bác Hồ chớp chớp mắt, hỏi anh trai về tình hình tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn, về các hoạt động của chính quyền, đoàn thể địa phương, về số người thân và bạn bè thời niên thiếu. Trả lời những câu trên, ông Khiêm khen Bác Hồ “chú đi lâu mà tài nhớ thế”.
Năm 1950, nghe tin anh trai Nguyễn Sinh Khiêm mất, do hoàn cảnh kháng chiến, không về quê chịu tang anh được, ngày 11-9-1950, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc đã điện cho Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV, bức điện số 1229, nhờ chuyển cho làng Kim Liên, họ tộc Nguyễn Sinh. “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.
Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.
Cuối năm 1954, Văn phòng Phủ chủ tịch nhận được công văn từ khu IV gửi ra Hà Nội báo tin bà Nguyễn Thị Thanh – chị gái Bác Hồ mất. Công văn này đến chậm. Bác Hồ xem kỹ công văn đó, đăm chiêu suy nghĩ rồi Bác gấp cẩn thận, cho vào phong bì, xếp vào một chỗ riêng trong ngăn để sách của Bác. Cũng dịp này, trong gói công văn từ miền Nam gửi ra Văn phòng Phủ chủ tịch, có bức thư gửi Hồ Chủ tịch, có tấm ảnh chụp bộ đội ta đứng hai bên mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh. Ảnh này nhỏ, nước ảnh mờ nhưng vẫn nhìn thấy rõ hàng chữ khắc trên mộ chí. Văn phòng Phủ chủ tịch chuyển thư và ảnh đó cho Bác Hồ nhưng không thấy Bác chuyển lại. Mãi đến giữa tháng 9 – 1969, sau khi Bác qua đời, mới thấy bức thư và tấm ảnh để trong chiếc hộp gỗ khảm đựng thiếp in hoa, để trên ngăn sách cao nhất trong buồng làm việc tại ngôi nhà sàn Bác ở. Với người thân trong gia đình, người mẹ, người cha, người chị, người anh, Bác Hồ thờ ở trong tim Bác và trái tim đó – Trái tim Bác Hồ thuộc về người thân trong gia đình, về họ tộc, về quê hương Nghệ An, về đất nước Việt Nam, về toàn thể nhân dân Việt Nam chúng ta.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()