Bác Hồ - Người suốt đời chăm lo cho cuộc sống của nhân dân
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Trong Di chúc, Người viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội (1960) |
Tuy vậy nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. (1)
Di chúc của Người đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, trên cương vị Người đứng đầu Nhà nước cách mạng, Hồ Chí Minh đã dành hết tâm sức chăm lo đời sống cho nhân dân. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người chỉ rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Đó là lý tưởng, hoài bão khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vì dân, vì nước.
Hồ Chí Minh chăm lo đời sống của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân. Người nhắc nhở mọi người muốn nâng cao đời sống phải ra sức sản xuất và tiết kiệm. Tự mỗi người lao động tốt nhất để có cuộc sống ấm no, sung sướng.
Không chỉ chăm lo đời sống vật chất cho nhân dân, Người còn chú trọng nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần cho mọi người dân. Ngay sau nước nhà độc lập, Người đã đề nghị Chính phủ mở một chiến dịch chống mù chữ , chống “giặc dốt” vì theo Người “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Theo Người, phải học tập để có trình độ văn hóa mới áp dụng được kiến thức khoa học, kỹ thuật vào lao động sản xuất, làm ra nhiều của cải vật chất để mỗi người, mỗi gia đình được ấm no, sung sướng, mới làm cho nước mạnh, dân giàu.
Những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ đã nhiều lần về thăm các tỉnh miền núi, thăm đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong các buổi tiếp xúc, trò chuyện với đồng bào, Người căn dặn chỉ bảo cặn kẽ từ việc lớn như phải có kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở từng địa phương đến những việc cụ thể như bảo vệ rừng, làm thủy lợi, giữ nguồn nước, trồng cây gây rừng…
Với miền Nam ruột thịt, Người thương nhớ đồng bào miền Nam cũng như thương nhớ bà con nông dân đang chịu nhiều gian khổ hy sinh, vừa tăng gia sản xuất vừa đánh giặc Mỹ xâm lượng để giải phóng quê hương, đất nước. Gặp gỡ các đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc, Bác ân cần thăm hỏi cuộc sống của đồng bào miền Nam. Người đã phát động phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”. Người động viên nhân dân miền Bắc hết lòng, hết sức chi viện cho chiến trường miền Nam, hoàn thành nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.
Đất nước thống nhất non sông thu về một mối, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết sách quan trọng có tính bước ngoặt trong cơ chế quản lý và phương hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, làm cho nông nghiệp, nông thôn nước ta thực sự thay da đổi thịt.
Kết quả của những chủ trương, chính sách đổi mới đó đã đưa nhịp độ tăng trưởng về nông nghiệp tăng lên không ngừng. Đất nước ta từ chỗ hàng năm phải nhập khẩu lương thực từ 60-80 vạn tấn đến chỗ xuất khẩu trên 6 triệu tấn/năm. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp biến đổi theo hướng phát triển toàn diện trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và khơi dậy mọi nguồn lực vốn có trong nông thôn, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nông thôn được cải thiện đáng kể. Hiện nay, đất nước ta đang tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây là một điểm nhấn quan trọng khiến cho bộ mặt nông thôn đang thay da, đổi thịt từng ngày. Quan hệ sản xuất được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất là nhân tố mở đường tiếp tục đưa kinh tế nông nghiệp và nông thôn đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa – mục tiêu và quyết tâm lớn mà Đảng ta đã đề ra.
(1) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969
Ý kiến ()