Bác Hồ, người đại biểu Quốc hội mẫu mực
Tính từ Quốc hội khóa I, năm 1946, đến năm 1969, Bác là đại biểu Quốc hội 24 năm liên tiếp. Trong các khóa Quốc hội, Bác đều được giới thiệu ứng cử tại Hà Nội và trúng cử với số phiếu rất cao. 24 năm là người đứng đầu Nhà nước ta, Bác Hồ là đại biểu Quốc hội mẫu mực.
Ngày
Trước sự tin yêu đó của nhân dân cả nước, Bác Hồ đã viết một bức thư cảm ơn đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác được thực hiện quyền công dân của mình: “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu quý mà đề nghị tôi không phải ứng cử, đồng bào các nơi khác cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.
Thực hiện quyền công dân của mình trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, Bác Hồ ứng cử tại Hà Nội. Chiều ngày 5-1-1946, tại buổi lễ ra mắt của các ứng cử viên trước các đoàn thể, nhân dân Hà Nội, Bác Hồ đã xác định các ứng cử viên được nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội, trở thành đại biểu Quốc hội phải “quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung”. Tiêu biểu cho những ứng cử viên như thế, trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, Bác Hồ ra ứng cử tại Hà Nội và Bác trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%.
Là đại biểu Quốc hội mẫu mực, Bác Hồ nêu tấm gương sáng cho mọi đại biểu Quốc hội, Bác đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức, tư cách, trách nhiệm cho các đại biểu Quốc hội. Ngày 2-3-1946, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, Bác Hồ đã nói rõ phẩm chất, tư cách của đại biểu Quốc hội: “Là người đại biểu của nhân dân, phải thật sự đi sâu, đi sát nhân dân hiểu rõ nỗi khổ của dân, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ có chính sách phù hợp” và Bác nhấn mạnh trách nhiệm của đại biểu Quốc hội: “Nhân dân ta đã khổ nhiều rồi, nay đất nước đã độc lập, trách nhiệm của chúng ta phải làm sao cho dân bớt khổ”.
Năm 1960, trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa II (1960 – 1964), Bác Hồ đã nói chân thành và cảm động rằng Bác được làm đại biểu Quốc hội đã lâu, đáng lẽ Bác nhường chỗ cho lớp người trẻ hơn ra gánh vác công việc nhưng miền Nam ruột thịt đang phải chiến đấu hy sinh để giành độc lập, tự do, Bác không thể “thảnh thơi vui thú thanh nhàn”, vì vậy, Bác phải cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà thành công. Chính vậy, cũng năm 1960 Bác Hồ đã nhấn mạnh trong một bài viết của Bác rằng: “Quốc hội khóa II phải là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Vì vậy, Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
Năm nay, kỷ niệm 64 năm Quốc hội khóa I (6-1-1946 – 6-1-2010), biết ơn Bác Hồ sáng lập Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, học tập và làm theo tấm gương đại biểu Quốc hội mẫu mực của Bác Hồ, đại biểu Quốc hội, cán bộ nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng càng ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, nỗ lực phấn đấu, làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu:
“Để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền phải:
Thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Gương mẫu về mọi mặt: Đoàn kết, công tác, học tập, lao động.
Luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối”.
Ý kiến ()