Bắc Giang tìm vị thế cho chăn nuôi
Khoảng năm năm trở lại đây, tổng số gia súc, gia cầm của tỉnh Bắc Giang luôn đứng trong top 10 cả nước. Nhất là sản phẩm "Gà đồi Yên Thế" mới chính thức được trao văn bằng chứng nhận, trở thành một trong những loại "con" đầu tiên trong cả nước có thương hiệu đặc sản. Tuy nhiên, thực tế ngành chăn nuôi của Bắc Giang chưa tạo được chỗ đứng vững chắc ngay cả trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, chứ chưa nói đến của cả nước.Nói một cách ngắn gọn, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo mô hình nhỏ lẻ, tự phát chứ thật sự chưa có sản xuất quy mô lớn. Chuyện "Gà đồi Yên Thế" là một thí dụ. Toàn huyện Yên Thế là một tập hợp hàng nghìn hộ chăn nuôi gà, hộ ít vài nghìn con, nhiều có đến vài trăm nghìn trong tổng đàn khoảng bốn triệu con gà. Cho dù vừa nhận thương hiệu nhưng trong số này có bao nhiêu hộ chăn nuôi đủ tiêu chuẩn? Nghĩa là tuân thủ đúng các quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Có...
Nói một cách ngắn gọn, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo mô hình nhỏ lẻ, tự phát chứ thật sự chưa có sản xuất quy mô lớn. Chuyện “Gà đồi Yên Thế” là một thí dụ. Toàn huyện Yên Thế là một tập hợp hàng nghìn hộ chăn nuôi gà, hộ ít vài nghìn con, nhiều có đến vài trăm nghìn trong tổng đàn khoảng bốn triệu con gà. Cho dù vừa nhận thương hiệu nhưng trong số này có bao nhiêu hộ chăn nuôi đủ tiêu chuẩn? Nghĩa là tuân thủ đúng các quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay ở các trang trại, gia trại quy mô tương đối lớn trở lên. Và cách bán của nông dân nuôi gà là trông chờ tư thương cho xe lên gom hàng cũng chưa phải là cách sản xuất hàng hóa. Hiện nay bà con không phải lo tìm đầu ra do số lượng xe gom hàng tương đối lớn nhưng người tiêu dùng liệu có biết đó là gà được chăn nuôi ở Yên Thế, một khi nó lên xe và tỏa đi tiêu thụ khắp nơi qua một tầng lớp trung gian khác? Sâu xa hơn nữa, ai sẽ kiểm định, chịu trách nhiệm đối với sản phẩm khi nó đến tay người tiêu dùng? Nói như thế để hiểu tầm quan trọng của một cơ sở chế biến đủ lớn, để có thể giúp ngành chăn nuôi phát triển với quy mô lớn, bảo đảm sức mạnh của thương hiệu. Đây là chuyện không mới, ngay như trong tỉnh Bắc Giang đã có bài học là quả vải thiều Lục Ngạn. Rõ ràng, vải thiều Lục Ngạn là một thương hiệu có chất lượng, có uy tín không chỉ đối với thị trường trong nước nhưng hầu như năm nào người dân trồng vải cũng khổ sở vì điệp khúc “được mùa, mất giá” và ngược lại. Rồi còn đàn lợn, đàn trâu bò, đừng nói đứng trong top 10, hay cao hơn, nhưng vẫn chỉ là sản xuất tự phát, nhỏ lẻ thì lợi nhuận thu về cho người nông dân và cho ngân sách quả thật là chưa tương xứng.
Còn nhớ những năm gần đây, một số địa phương phía bắc lao đao vì nạn gà nhập lậu. Chất lượng sản phẩm gà đương nhiên kém hơn gà nội địa rất nhiều nhưng giá rẻ nên mặt hàng này được ưa chuộng ở các quán ăn bình dân, các suất cơm nấu cho công nhân… gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của nước ta.
Với nhiều lợi thế to lớn hiện có, Bắc Giang rất cần những cơ sở chế biến thực phẩm, ít nhất đủ lớn để bảo đảm mang lại giá trị cao nhất cũng như bảo đảm cho những rủi ro (nếu có) của người nông dân chăn nuôi. Hiện nay, cả tỉnh Bắc Giang chưa có một cơ sở chế biến nào đáp ứng được yêu cầu như vậy.
Những năm gần đây, Bắc Giang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn bằng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Mỗi năm có hàng trăm doanh nghiệp được cấp phép đầu tư với tổng vốn cả tỷ USD. Theo báo cáo mới nhất, tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 ước đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu đạt hơn 200 triệu USD. Nhưng trong số đó không có một đồng từ chế biến sản phẩm chăn nuôi. Đơn giản bởi cả tỉnh chưa có một doanh nghiệp nào hoạt động ở lĩnh vực này, cho dù tỉnh đã cấp phép cho một vài doanh nghiệp đầu tư. Ngay như ở Yên Thế, cách đây hai năm, tỉnh cấp phép cho một doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện. Nhưng đến nay, khu đất của doanh nghiệp này vẫn bỏ không vì không có vốn để triển khai tiếp. Nguyên nhân do huyện thụ động trong việc tiếp nhận, triển khai, tỉnh cấp phép đầu tư lại thiếu kiểm tra, đôn đốc. Việc ưu đãi, thu hút đầu tư quá vội vàng, không thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp trở thành gánh nặng cho địa phương, cũng như gây khó khăn cho người dân.
Chúng tôi đã đến tìm hiểu ở một số trang trại chăn nuôi lợn, gà tại các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng… Nhiều trang trại, người dân nuôi từ 5.000 đến 10.000 con lợn, có chuồng trại đúng quy cách, hợp vệ sinh, có cả kỹ sư tốt nghiệp ngành chăn nuôi phụ trách. Thế nhưng, đó hầu hết là trang trại chăn nuôi thuê cho các công ty nước ngoài. Tất cả sản phẩm đến kỳ thu hoạch được đưa đến cơ sở chế biến (cũng của các công ty đó) đóng trên địa bàn… tỉnh khác. Đợt thịt lợn tăng giá vừa qua, họ xuất bán mỗi ngày cả nghìn tấn thịt, lợi nhuận thu về không phải là nhỏ. Trong khi đó, tiền lương cho người chăn nuôi không tăng, Nhà nước cũng không thu được tiền thuế. Vậy là tỉnh chịu thiệt thòi đến hai lần, chưa kể thương hiệu cho sản phẩm (nếu có) cũng chưa chắc bảo đảm là giữ được.
Trở lại câu hỏi, tại sao Bắc Giang chưa hấp dẫn doanh nghiệp chế biến sản phẩm thịt, trong khi tỉnh có đủ mọi điều kiện phát triển ngành nghề này như nguồn nguyên liệu, nhân công tại chỗ dồi dào, môi trường đầu tư ưu đãi? Có phải bởi ngành chăn nuôi vẫn theo tập quán cũ: nhỏ lẻ, không tập trung, thiếu quy trình bảo đảm chất lượng sản phẩm, chủng giống không thuần nhất… như giải thích của cơ quan hữu trách? Cho dù vậy, nói gì đi nữa thì rõ ràng Bắc Giang đã đi chậm hơn so với các địa phương khác trong việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho chăn nuôi – Điều cần thiết để bảo đảm cho nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp của địa phương có sự ổn định và mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho sản phẩm cũng như lợi ích của người nông dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()