Bắc Giang: Tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển vùng sản xuất rau chế biến
Đó là chủ trương được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn nêu ra tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định số 57/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển vùng sản xuất rau chế biến giai đoạn 2010-2012 diễn ra sáng 04/9/2013.
Đó là chủ trương được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn nêu ra tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định số 57/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển vùng sản xuất rau chế biến giai đoạn 2010-2012 diễn ra sáng 04/9/2013.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. |
Sau 03 năm thực hiện Quyết định số 57/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh, tổng diện tích gieo trồng rau quả chế biến toàn tỉnh là 4.757,4 ha, các huyện có diện tích sản xuất rau chế biến lớn là: Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam. Các loại rau chế biến chủ yếu là khoai tây chế biến, dưa chuột bao tử, cà chua bi, ngô ngọt. Tổng số kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho nông dân là trên 13.3 tỷ đồng.
Đánh giá hiệu quả kinh tế cho thấy, sản xuất rau quả chế biến cho giá trị cao hơn 3 đến 4 lần so với cây trồng truyền thống như lúa, ngô, khoai… Bình quân một ha rau quả chế biến cho giá trị từ 70-110 triệu đồng/ha/vụ. Giai đoạn 2010-2012 mang lại giá trị khoảng 333 tỷ đồng. Kết quả một số loại cây chủ yếu như sau: Cây dưa chuột bao tử, năng suất bình quân đạt 180 tạ/ha, giá trị sản xuất đạt 108 triệu đồng/ha, lãi bình quân 67 triệu đồng/ha, đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nhất, dễ tiêu thụ sản phẩm; Khoai tây chế biến, năng suất bình quân 160 tạ/ha, thu nhập bình quân 92 triệu đồng/ha, cho thu lãi 36 triệuđồng/ha, đây là loại cây trồng cho thu nhập khá, có đầu ra ổn định, có tiềm năng mở rộng diện tích sản xuất tập trung ở vụ Đông Xuân tại nhiều địa phương; Ngô ngọt, năng suất 135 tạ/ha, cho thu nhập bình quân 48 triệu đồng/ha, lãi 34 triệu đồng/ha…
Chương trình phát triển sản xuất rau chế biến giai tập trung đoạn 2010-2012 đã góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua; tạo được niềm tin của nông dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về chủ trương sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Qua quá trình triển khai sản xuất, trình độ thâm canh của nông dân được nâng lên, làm thay đổi nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp. Bước đầu tạo mối liên kết, gắn bó giữa “4 nhà” và giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 3.000 lao động trên địa bàn tỉnh. Đây cũng được xem là động lực quan trọng thực hiện Chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thảo luận tại Hội nghị, nhiều địa phương cho rằng sản xuất rau chế biến trong giai đoạn vừa qua chưa thực sự ổn định do khâu bao tiêu sản phẩm chưa được tốt làm cho nhiều nông dân “nản” với việc trồng các loại rau chế biến; sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với cơ quan chuyên môn còn lỏng lẻo; các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm chưa điều chỉnh giá thu mua phù hợp từng thời điểm làm cho nông dân thiệt thòi; các địa phương cũng kiến nghị UBND tỉnh cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển các vùng rau chế biến…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()