Bắc Giang quy hoạch, luân chuyển gắn với đào tạo cán bộ
Lớp đào tạo cán bộ của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang. Gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị, công tác luân chuyển cán bộ quản lý ở Bắc Giang đã đạt được những kết quả quan trọng. Hầu hết cán bộ được luân chuyển đã phát huy năng lực, trí tuệ, góp phần đưa đơn vị, địa phương có bước tiến vượt bậc về mọi mặt.Tiếp tôi trong trụ sở Đảng ủy, UBND phường xây ba tầng khang trang, đồng chí Vũ Thế Phương, Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Độ (thành phố Bắc Giang) phấn khởi nói: Đến hết năm 2011, chúng tôi đã hoàn thành gần như cơ bản các tiêu chuẩn về đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện chiếu sáng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội... Nhiều chính sách của Nhà nước và địa phương khi thực hiện đã tạo được sự đồng thuận to lớn từ cán bộ, đảng viên và nhân dân.Đó thật sự là những kết quả nổi bật, đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực của một địa phương vốn rất phức tạp trước kia....
Lớp đào tạo cán bộ của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang. |
Tiếp tôi trong trụ sở Đảng ủy, UBND phường xây ba tầng khang trang, đồng chí Vũ Thế Phương, Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Độ (thành phố Bắc Giang) phấn khởi nói: Đến hết năm 2011, chúng tôi đã hoàn thành gần như cơ bản các tiêu chuẩn về đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện chiếu sáng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội… Nhiều chính sách của Nhà nước và địa phương khi thực hiện đã tạo được sự đồng thuận to lớn từ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đó thật sự là những kết quả nổi bật, đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực của một địa phương vốn rất phức tạp trước kia. Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây chỉ bảy năm, Mỹ Độ “nổi tiếng” là nơi mất đoàn kết; thiếu dân chủ; tình hình mất an ninh trật tự nổi cộm; mâu thuẫn dòng họ tồn tại gay gắt, dai dẳng; đời sống nhân dân nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu hụt trầm trọng; Đảng bộ bảy năm liền không đạt trong sạch, vững mạnh; khiếu kiện của người dân về bồi thường giải phóng mặt bằng diễn ra phức tạp.
Sự khác biệt chỉ đến khi Thành ủy thực hiện việc luân chuyển cán bộ về nắm vị trí chủ chốt trong Đảng bộ, chính quyền. Năm 2006, đồng chí Vũ Thế Phương được phân công về Mỹ Độ giữ cương vị Chủ tịch UBND. Nói thì nhanh nhưng để có được những kết quả như hôm nay là cả một quá trình đầy cam go. Lại cũng bắt đầu từ công tác cán bộ, đồng chí Vũ Thế Phương kể, tôi dành thời gian để gặp gỡ từng cán bộ, đảng viên đang giữ chức vụ trong Đảng ủy, UBND xã, các bí thư, trưởng thôn và trưởng các dòng họ. Từ đó, cùng với Đảng ủy bắt đầu tháo gỡ những mâu thuẫn, khúc mắc. Sự đồng thuận trong hành động, lời nói bắt đầu được vực dậy; tính đoàn kết, tương thân tương ái trong đảng bộ, chính quyền và nhân dân được nâng lên; nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy tối đa; tính minh bạch, công khai trong hành động được đẩy mạnh. Năm 2010, sau bảy năm, Đảng bộ Mỹ Độ lại được công nhận trong sạch, vững mạnh. Cá nhân đồng chí Phương được Đảng bộ tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy phường.
Kết quả tích cực đạt được ở Mỹ Độ cho thấy sự quan trọng trong việc quy hoạch và luân chuyển đúng người, đúng việc, phải làm tốt từ khâu quy hoạch – Đồng chí Nguyễn Sỹ Nhận, Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Giang khẳng định. Đồng chí cho rằng, việc luân chuyển là phải đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ có năng lực, khả năng để phát triển. Công tác quy hoạch, luân chuyển ngoài việc đúng tiêu chuẩn, quy định như hướng dẫn của cấp trên còn phải phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là tối quan trọng để quy hoạch đúng, khách quan, tạo động lực cho cán bộ được quy hoạch. Thực hiện đúng nguyên tắc đó, từ khi thực hiện Nghị quyết 11, Thành ủy Bắc Giang đã điều động, luân chuyển 41 đồng chí cho các vị trí chủ chốt. Hầu hết các đồng chí luân chuyển đã phát huy năng lực, góp phần đưa đơn vị, địa phương có sự ổn định và phát triển về mọi mặt. Ngoài những chính sách theo quy định, thành phố Bắc Giang hỗ trợ bằng tiền cho cán bộ luân chuyển và mỗi năm đều tổ chức đánh giá, khen thưởng làm cơ sở cho công tác luân chuyển sau đó.
Ít hơn nhiều so với thành phố Bắc Giang, từ khi thực hiện Nghị quyết 11, Huyện ủy Yên Thế mới luân chuyển được tám đồng chí (trong đó có hai đồng chí được Tỉnh ủy luân chuyển giữ chức vụ Bí thư và Phó Bí thư Huyện ủy), trong khi tổng số cán bộ được quy hoạch (A1, A2, A3) là 185 đồng chí. Chưa nói đến hiệu quả, riêng về số lượng cán bộ luân chuyển đã cho thấy sự thiếu quan tâm của các cấp lãnh đạo, chưa tạo được động lực và phát huy hết năng lực của cán bộ. Câu chuyện ở xã Tân Hiệp (Yên Thế) về thực hiện Nghị quyết 11 đáng phải suy nghĩ. Đồng chí Lưu Văn Thắng, mới được luân chuyển về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã đã mạnh dạn cử bảy đồng chí cán bộ trẻ đi học nhằm chuẩn bị cho công tác trẻ hóa cán bộ. Đây là điều chưa có tiền lệ bởi công tác luân chuyển ở xã từ trước đến nay rất yếu. Đến mức, một đồng chí đảng viên sinh năm 1971 làm Bí thư Đoàn xã từ năm 1998, qua nhiều lần quy hoạch vẫn không “đi” được. Trong đợt bầu cử vừa qua, đồng chí này được bầu vào Đảng ủy xã, nhưng vẫn chưa được bố trí công tác khác.
Từ những sự việc ở Mỹ Độ và Tân Hiệp, có thể thấy rằng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ tại mỗi địa phương. Tôi có dự hội nghị Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy Bắc Giang, đáng nói là báo cáo của Huyện ủy Yên Thế về kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 11 rất hay, rất ấn tượng. Bên cạnh đó, những hạn chế, khó khăn của địa phương trong công tác quy hoạch và luân chuyển được nêu khá đậm nét, nhận được sự đồng tình của lãnh đạo một số huyện trong tỉnh. Đôi khi, tính cục bộ, chủ nghĩa cá nhân, địa phương vẫn còn đậm nét trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, làm mất đi ý nghĩa, tác dụng và hiệu quả của công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ.
Báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, sau gần bảy năm thực hiện Nghị quyết số 42 về công tác quy hoạch cán bộ, toàn tỉnh đã quy hoạch (A1) 1.898 lượt cán bộ (cấp tỉnh), 1.978 lượt (cấp huyện) và hơn mười nghìn cán bộ cấp xã. Đó là chưa kể vài lần xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch diện A2, A3. Điều đó cho thấy công tác quy hoạch được Tỉnh ủy Bắc Giang quan tâm và chỉ đạo sát sao, có nhiều lựa chọn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển mang lại hiệu quả tốt nhất. Số liệu cán bộ được luân chuyển sau chín năm của tỉnh là 1.763 lượt; trong đó, 10/10 huyện, thành phố có ít nhất một chức danh chủ chốt là cán bộ được luân chuyển từ nơi khác đến. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng ban hành và triển khai đề án bố trí cán bộ trẻ, có triển vọng tập sự công tác lãnh đạo quản lý, bước đầu thu được kết quả khả quan.
Theo đồng chí Nông Quốc Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh mặc dù đã có những kết quả tích cực nhưng còn nhiều hạn chế. Một số địa phương tính cục bộ còn cao, nhận thức của lãnh đạo và cán bộ chưa đúng, chỉ đạo chưa sát sao, công tác quy hoạch còn chủ quan, thiếu dân chủ, chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu… Bên cạnh đó, việc thu hút, sử dụng, tạo động lực cho cán bộ trẻ có trình độ, năng lực về công tác tại địa phương cũng còn nhiều bất cập. Trong thời gian tới, bên cạnh việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm khắc phục hạn chế, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh nhiệm vụ đào tạo như là bước đột phá trong công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ của địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()