Bắc Giang: Mỗi ngày tiêu thụ từ 5 - 7 nghìn tấn vải thiều
Bước vào vụ thu hoạch vải thiều năm nay trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng, triển khai 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều trong điều kiện vừa phải quyết liệt chống dịch vừa phải giữ ổn định sản xuất. Nhờ đó đến nay Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng 50% tổng sản lượng vải.
Hiện Bắc Giang đã thu hoạch xong gần 60 nghìn tấn vải thiều sớm. (Ảnh: Thái Hoà) |
Tổng diện tích vải thiều năm 2021 của toàn tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha; sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước. Trong đó sản lượng vải thiếu sớm khoảng hơn 50.000 tấn, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tân Yên (khoảng 15.000 tấn) và Lục Ngạn (trên 30.000 tấn); riêng huyện Lục Ngạn có sản lượng khoảng 120.000 tấn cả vải thiều sớm và vải thiều chính vụ.
Toàn tỉnh có 16.000 ha vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Quá trình sản xuất, thu hoạch, luôn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch cho người dân và cây trồng; bảo đảm sản phẩm vải thiều sạch, an toàn thực phẩm. Ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định trong nước, đến năm 2021, vải thiều Bắc Giang đã được một số nước cấp mã số, mã vùng theo tiêu chuẩn cao của Mỹ, Nhật, Úc. Trung Quốc đã cấp chứng nhận cho trên 300 cơ sở đóng gói đủ điều kiện cho vải thiều Bắc Giang xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Cùng đó vải thiều Bắc Giang cũng đã được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia là: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia.
Bước vào vụ thu hoạch vải thiều năm nay trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng, triển khai 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều trong điều kiện vừa phải quyết liệt chống dịch vừa phải giữ ổn định sản xuất.
Với kịch bản thứ nhất là: Dịch COVID-19 được kiểm soát, việc thu hoạch tiêu thụ vải thiều diễn ra thuận lợi; sản lượng vải thiều sẽ được tiêu thụ ở trong nước 50% và xuất khẩu 50%. Kịch bản này như các năm trước, thị trường truyền thống bên trong và bên ngoài đều được duy trì và phát huy, mở rộng. Kịch bản thứ 2 là: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng trong tầm kiểm soát được thì sản lượng tiêu thụ ở trong nước là 70% và xuất khẩu 30%. Với kịch bản này phải tiến hành nhiều phương án vừa nỗ lực xuất khẩu, vừa triển khai tiêu thụ nội địa qua nhiều kênh, như: tăng cường vào các trung tâm thượng mại, hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp chế biến, khuyến khích hỗ trợ xây dựng các lò sấy khô. Kịch bản thứ 3 là: Dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu vải thiều bị đóng băng, sản lượng tiêu thụ ra ngoài không đáng kể, tiêu thụ trong nước gần như 100%, tương đương 180 nghìn tấn. Phương án của kịch bản này là 80 nghìn tấn vải tươi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong cả nước; 30 nghìn tấn qua các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại; 30 nghìn tấn qua các doanh nghiệp chế biến và 20 nghìn tấn qua các kênh tiêu thụ khác. Với 3 kịch bản trên, thực tế những ngày qua cho thấy vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang năm nay đang diễn ra theo kịch bản thứ 2, nhưng xuất khẩu có tỷ lệ trội hơn và ngày càng gia tăng, đã vượt trên 12% so với kịch bản đề ra.
Đến nay, vải thiều sớm đã thu hoạch xong đạt gần 60 nghìn tấn, tăng hơn với dự báo ban đầu khoảng chục nghìn tấn; giá bán cao hơn năm trước từ 5.000 đồng/kg đến 8.000 đồng/kg. Vải thiều chính vụ đang vào thời kỳ thu hoạch rộ. Qua cập nhật hàng ngày cho thấy tiến độ thu hoạch nhanh, đều; sản lượng tiêu thụ tính từ ngày 1/6 đến nay mỗi ngày tăng bình quân từ 5.000 tấn đến 7.000 tấn; giá bán bình quân đều khoảng từ trên 12.000 đồng/kg đến trên 30.000 đồng/kg.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, lượng vải thiều xuất khẩu chủ yếu là vào các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ chiếm tỷ lệ khoảng 50% tổng sản lượng đã tiêu thụ… Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng 50% tổng sản lượng vải. Với quyết tâm cao của toàn tỉnh, với tiến độ thu hoạch và tiêu thụ như trên chắc chắn tỉnh Bắc Giang sẽ có vụ vải thiều thành công./.
Ý kiến ()