Bắc Giang: Khai thác tiềm năng du lịch nông thôn hướng tới phát triển bền vững
Sở hữu tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, Bắc Giang đang tích cực liên kết với doanh nghiệp du lịch để có thể tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn hút khách.
Phát triển hình thức du lịch miệt vườn
Bắc Giang là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch nông nghiệp, nhưng lâu nay rất ít được khai thác. Đơn cử, huyện Lục Ngạn có đủ điều kiện để phát triển du lịch miệt vườn, sinh thái với các vựa cây ăn quả 4 mùa rộng 26.000 ha (vải thiều, cam, vườn bưởi), các làng nghề (nơi sản xuất mỳ Chũ) và thiên nhiên đẹp với các điểm đến hồ Khuôn Thần, hồ Bầu Lầy, hay hồ Cấm Sơn.
Chính vì thế, ngày 19/4 vừa qua, Công ty cổ phần Khai thác và dịch vụ du lịch SGO (SGO Travel) và huyện Lục Ngạn tổ chức buổi khảo sát xây dựng tuyến du lịch Hà Nội-Bắc Giang nhằm tăng cường quảng bá, liên kết phát triển và mở rộng tour tuyến du lịch kết nối giữa hai địa phương.
Tại đây, du khách sẽ được ghé thăm các cơ sở làm mỳ Chũ nổi tiếng, tự tay tráng bánh và thưởng thức mỳ Chũ ướt; khám phá các vườn quả theo mùa và ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ trên những chiếc thuyền hơi đã chuẩn bị sẵn.
HTX du lịch Đồng Dao, điểm du lịch sinh thái Đồng Dao là một trong 2 mô hình của huyện được lựa chọn để tập trung đầu tư thí điểm nhân rộng mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Với khoảng 20 ha cây ăn quả, cùng hơn 100 ha diện tích mặt nước đập Bầu Lầy, dãy núi Triều Tiên… đây thực sự là nơi lý tưởng để phát triển thành điểm du lịch sinh thái trải nghiệm.
Giám đốc HTX du lịch Đồng Dao Hoàng Văn Hiệp cho biết, việc tổ chức tour đưa du khách trong nước, quốc tế tới huyện Lục Ngạn sẽ giúp người dân quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông sản, trái cây, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Bên cạnh sự quan tâm định hướng của Nhà nước, để phát triển điểm du lịch sinh thái mang tính chuyên nghiệp, HTX mong muốn được đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối, hệ thống điện, hạ tầng viễn thông, tập huấn nghiệp vụ làm du lịch…
Xây dựng sản phẩm mới để tăng trải nghiệm cho du khách
Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh Bắc Giang nỗ lực phối hợp với các đơn vị du lịch của địa phương và nhiều tỉnh, thành phố nhằm đổi mới, xây dựng các sản phẩm mới để thúc đẩy thu hút du lịch.
Năm 2023, Sở VHTT&DL đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với SGO Travel xây dựng tuyến du lịch Hà Nội-Bắc Giang nhằm kích cầu du lịch nội địa, quảng bá hình ảnh các khu, điểm du lịch trong tỉnh nhằm thu hút khách du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Việc hợp tác phát triển sản phẩm du lịch mở tuyến du lịch Hà Nội-Bắc Giang được đánh giá là một hướng đi mới, sáng tạo, hướng tới mục tiêu tạo ra sức mạnh tổng thể cho du lịch Bắc Giang phát triển và kết nối du lịch Bắc Giang với các địa phương khác, đặc biệt là với thị trường khách du lịch tại Hà Nội; đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị SGO Travel Phùng Quang Thắng cho biết, để thu hút du khách đến Bắc Giang, doanh nghiệp đã xây dựng 7 gói sản phẩm đa dạng, khởi hành hằng ngày từ thứ 4 đến chủ nhật cho du khách nội địa và quốc tế. Tuyến du lịch nhằm làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa liên tuyến độc đáo khởi hành từ Hà Nội đến các điểm đến của Bắc Giang, góp phần đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn mới trên bản đồ du lịch Việt Nam.
“Điều mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là giúp địa phương quản lý điểm đến, phát triển thương hiệu du lịch Bắc Giang, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường quảng bá xúc tiến. Trong thời gian tới, SGO Travel sẽ tiếp tục nghiên cứu, tư vấn và xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng khác tới Bắc Giang”, ông Thắng nhấn mạnh.
Để thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm trong thời gian tới, Bắc Giang cũng đã tăng cường hoạt động liên kết với các địa phương và các đơn vị lữ hành tiếp tục xây dựng nhiều sản phẩm mới, đặc biệt tăng các hoạt động du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm tại địa phương.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()