Bắc Giang đặt mục tiêu thu hút đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD năm 2021
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh đang triển khai Chương trình Xúc tiến đầu tư năm nay, phấn đấu tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh, bổ sung của các dự án quy đổi đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
Theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, địa phương đang tích cực triển khai Chương trình Xúc tiến đầu tư năm nay, phấn đấu tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh, bổ sung của các dự án đầu tư trong nước và các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh quy đổi đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh thu hút đầu tư các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao; ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm,” sử dụng nhiều nguyên liệu và linh phụ kiện sản xuất trong nước, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo và sử dụng nhân lực tại chỗ, có đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh.
Tỉnh thu hút đầu tư trong công nghiệp điện tử tập trung tại các khu, cụm công nghiệp ở các huyện Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang và thành phố Bắc Giang, ưu tiên các nhà đầu tư lớn, chiến lược thực hiện các dự án sản xuất máy tính và các thiết bị ngoại vi, linh kiện bán dẫn, linh kiện điện tử các loại cho các thiết bị điện tử gia dụng, điện thoại di động…, tạo ra các sản phẩm xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tỉnh thu hút các dự án đầu tư công nghiệp dệt may tập trung tại các khu, cụm quy hoạch; công nghiệp sản xuất điện; công nghiệp cơ khí chế tạo tập trung tại các khu, cụm công nghiệp quy hoạch mới khu vực Hiệp Hòa, Yên Dũng; công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm tập trung ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Hiệp Hòa.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang kêu gọi, khuyến khích thu hút đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất chuyên canh, tập trung, quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế ở các huyện Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang; vùng chăn nuôi lợn ở các huyện Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động; các dự án nuôi trồng thủy sản ở các huyện Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tỉnh Bắc Giang định hướng thu hút đầu tư phát triển dịch vụ-đô thị mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, hình thành một số khu du lịch quốc gia; khu dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh: các dự án đầu tư các khu đô thị, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí; dịch vụ logistic; dịch vụ tài chính, y tế, bảo hiểm tại thành phố Bắc Giang; các dự án đô thị nghỉ dưỡng tại một số địa bàn có thế mạnh (các huyện Lạng Giang, Lục Ngạn, Lục Nam).
Tỉnh ưu tiên thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án khu du lịch… Thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị; hệ thống chợ nông thôn; chuỗi bán buôn, bán lẻ; các đầu tư xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí; xây dựng một số khu dịch vụ, khách sạn cao cấp tại thành phố Bắc Giang.
Để khai thác tối đa về điều kiện của từng vùng, năm 2021 và trong thời gian tới tỉnh Bắc Giang tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các địa bàn theo các vùng; trong đó, vùng động lực, dọc theo tuyến Quốc lộ 1 và thành phố Bắc Giang, là nơi tập trung chính để kêu gọi đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, bao gồm các khu công nghiệp nằm trên tuyến, trung tâm logistics, dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, khách sạn, tài chính ngân hàng.
Vùng phía Tây, trung tâm vùng là huyện Hiệp Hòa, tập trung phát triển sản xuất, chế biến nông sản, hàng tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, với lợi thế giáp Bắc Ninh và Thái Nguyên, khu vực này sẽ được ưu tiên thu hút vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ cho Tập đoàn Samsung.
Vùng phía Đông Bắc, trung tâm của vùng là huyện Lục Ngạn. Đây là vùng miền núi rộng lớn, với tiềm năng phát triển các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu, du lịch, hướng phát triển trong thời gian tới là thu hút vốn FDI phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm sản, các loại hình du lịch sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng.
Đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Bắc Giang khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Tỉnh không khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh (các dự án nhỏ thuê lại nhà xưởng), phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay; không thu hút các dự án đầu tư thâm dụng lao động quá lớn với công nghệ giản đơn…
Đối với các dự án đầu tư trong nước, tỉnh Bắc Giang ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thuộc Tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đầu tư các dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh thành lập doanh nghiệp mới hoặc mở chi nhánh hạch toán độc lập tại Bắc Giang để triển khai các dự án, qua đó góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương…
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương (phải) trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án “Nhà máy Fukang Technology” của nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd.
Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay 2 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được trên 588 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp gần 4,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, những tháng đầu năm nay Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án lớn.
Đó là, dự án “Nhà máy Fukang Technology” của nhà đầu tư “Foxconn Singapore PTE Ltd” có trụ sở chính tại Singapore đầu tư thực hiện tại Khu công nghiệp Quang Châu với mục tiêu là sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.233 tỷ đồng, tương đương 270 triệu USD.
Dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư “Ja Solar Investment (Hong Kong) Limited” có trụ sở chính tại Hong Kong, Trung Quốc đầu tư thực hiện tại Khu công nghiệp Quang Châu với mục tiêu là sản xuất tấm tế bào quang điện, quy mô công suất 3,5 triệu GW/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 4.848 tỷ đồng, tương đương 210 triệu USD…
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tạo tiền đề cho việc thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào địa phương này trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung mới 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là Khu công nghiệp Yên Lư với diện tích 377ha tại các xã Yên Lư và Nham Sơn, huyện Yên Dũng; Khu công nghiệp Yên Sơn-Bắc Lũng với diện tích 300ha tại các xã Yên Sơn và Bắc Lũng, huyện Lục Nam; Khu công nghiệp Tân Hưng với diện tích 105,3ha tại các xã Tân Hưng và Xương Lâm, huyện Lạng Giang.
Đồng thời, mở rộng 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là: Khu công nghiệp Quang Châu với diện tích tăng thêm 90ha tại thị trấn Nếnh và các xã Quang Châu, Vân Trung, huyện Việt Yên; Khu công nghiệp Hòa Phú với diện tích tăng thêm 85ha tại các xã Mai Đình và Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa; Khu công nghiệp Việt Hàn với diện tích tăng thêm 148ha tại các xã Hồng Thái, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên.
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã cấp mới và điều chỉnh cho 215 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và bổ sung quy đổi đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 7,3% so cùng kỳ. Năm 2020 tỉnh Bắc Giang đứng thứ 9 cả nước về tổng vốn thu hút đầu tư FDI./.
Ý kiến ()