Thay đổi nhận thức
“Trước thì ngại, sau thấy vui”- đảng viên Nguyễn Văn Tài, Phó thôn Thanh Vòng, xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa bộc bạch như vậy. Tham gia công tác xã hội với vai trò phó thôn đã ba nhiệm kỳ, được kết nạp Đảng năm 2013, lúc 48 tuổi. Khi cấp ủy xã tới vận động tham gia lớp cảm tình Đảng, anh từ chối, phần vì nhiều tuổi, phần ngại thay đổi. Được cấp ủy kiên trì thuyết phục, anh đã nhận lời. Trở thành đảng viên, anh được học lý luận chính trị ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, được tham quan thực tế tại tỉnh Tuyên Quang và các khóa tập huấn công tác. Theo anh, những lần như vậy được mở mang nhận thức, tầm nhìn, và cũng là động lực để làm tốt nhiệm vụ. Trở lại công việc, tự thấy mình có trách nhiệm gương mẫu, vận động gia đình đi trước trong các hoạt động của thôn.
Vừa là trưởng thôn, đồng thời là hộ gia đình tiêu biểu trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Nên đã dễ dàng thuyết phục bà con trong thôn Nội Hạc, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tạo ra những cánh đồng thu nhập cao, những mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả. Năm qua, cánh đồng rộng ba ha dưa bao tử và năm ha lúa lai của thôn đã cho thu nhập tăng gấp 10 lần so với cấy lúa truyền thống. Vượt qua những băn khoăn ban đầu về hộ gia đình ba con, bản thân đã hơn 50 tuổi, chờ các con tự lập, được cấp ủy tạo điều kiện, năm ngoái ông đã được kết nạp Đảng. Nếu như trước đây, trưởng thôn chỉ tập trung triển khai nhiệm vụ, nay được dự sinh hoạt đảng, trực tiếp bàn bạc, tham mưu việc ra nghị quyết của Chi bộ cho sát thực tế hơn.
Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Dương Ngô Mạnh cho rằng, nếu muốn thôn mạnh thì trưởng thôn phải năng động. Từ thực tế 369 thôn trong huyện, hình thành 108 cánh đồng mẫu lớn, cho thấy, phần lớn đều ở các thôn có trưởng thôn đồng thời là trưởng ban điều hành tổ sản xuất vùng, chủ nhiệm HTX kiểu mới… Hướng đi của Tân Yên là phát huy thế mạnh nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Để đáp ứng yêu cầu, trưởng, phó thôn phải thật sự trở thành “đầu tàu” với tư duy và cách làm mới. Việc kết nạp đội ngũ này vào Đảng giúp cơ sở thực thi nhanh hơn chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang, sau bốn năm thực hiện Kế hoạch nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó thôn, bản, tổ dân phố, đến hết năm 2015, trong tổng số 2.498 thôn, bản, tổ dân phố toàn tỉnh, đã kết nạp thêm 247 trưởng thôn và 333 phó thôn vào Đảng, nâng số trưởng thôn là đảng viên lên 1.425 người và phó thôn là đảng viên lên 1.350 người; tỷ lệ trưởng thôn, bản, tổ dân phố là đảng viên lên 57%; với phó thôn là 42,5%. Một số đơn vị thực hiện tốt việc kết nạp quần chúng là trưởng thôn vào Đảng như Lục Ngạn với 56 người; Sơn Động có 37; Tân Yên có 33 trưởng thôn… Thực tế đó đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ đó làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là trưởng, phó thôn giới thiệu kết nạp Đảng. Đảng viên được giới thiệu bầu cử trưởng, phó thôn và đảng viên mới kết nạp là trưởng, phó thôn đã thể hiện tính tiên phong gương mẫu trong công tác, được quần chúng nhân dân tín nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, khẳng định vai trò chi bộ khu vực nông thôn.
Kinh nghiệm gỡ khó
Tại huyện Hiệp Hòa, đảng ủy các xã, phường, thị trấn và các chi bộ thôn, bản, tổ dân phố đã khảo sát đội ngũ trưởng, phó thôn chưa là đảng viên, có khả năng, triển vọng, đủ điều kiện và có nguyện vọng, để lên kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ; tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm lựa chọn, giới thiệu quần chúng ưu tú là trưởng, phó thôn tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, quản lý nhà nước… qua đó nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ học vấn, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào Đảng. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Vân Nguyễn Văn Tuấn nêu thực tế, việc kết nạp trưởng, phó thôn vào Đảng gặp nhiều khó khăn, một phần do họ không còn trẻ, vướng mắc về trình độ học vấn, sinh con thứ ba… lý do nữa là tâm lý e dè, do đó, cấp ủy cần kiên trì giúp đỡ và tạo điều kiện; vừa giữ nguyên tắc đảng, vừa linh hoạt trong cách làm để không chạy theo số lượng. Trong số bảy thôn của xã Thanh Vân, đã có năm trưởng thôn và sáu phó thôn là đảng viên, trong đó có hai trưởng thôn là đảng viên được bầu trong nhiệm kỳ vừa qua.
Nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử trưởng, phó thôn, một số cấp ủy đã xây dựng quy chế phối hợp thực hiện công tác phát triển Đảng giữa ban tổ chức cấp ủy với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội như ở các huyện ủy Lạng Giang, Yên Thế. Ở Tân Yên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu đảng ủy các xã, phường, thị trấn căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo chi ủy lựa chọn, phân công, giới thiệu đảng viên có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực và uy tín để Ban công tác Mặt trận thôn, xóm, tổ dân phố hiệp thương, giới thiệu ứng cử bầu làm trưởng, phó thôn, xóm, tổ dân phố. Trường hợp không giới thiệu được đảng viên ra ứng cử thì chi bộ cùng Ban công tác Mặt trận thôn, xóm, tổ dân phố giới thiệu những quần chúng đủ tiêu chuẩn để đưa vào danh sách bầu trưởng, phó thôn, nhằm tạo nguồn kết nạp vào Đảng. Tân Yên đã tiến hành đồng loạt bầu trưởng, phó thôn tại 369 thôn trong một ngày. Kết quả, hơn 50% số người được bầu là đảng viên. Trong đó, xã Việt Lập có 11/13 trưởng thôn là đảng viên.
Công tác tạo nguồn trưởng, phó thôn trong độ tuổi trẻ, là đảng viên hoặc đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng cũng được cấp ủy các địa phương quan tâm. Tuy nhiên, phần lớn các vùng nông thôn hiện nay đều trong tình trạng “khan nguồn”. Qua khảo sát tại một xã của huyện Tân Yên, chỉ có 13% số thanh niên sinh hoạt tại chỗ, trong đó hơn nửa đang là học sinh của các trường trung cấp, dạy nghề….
Việc kết nạp đội ngũ trưởng thôn vào Đảng vừa đáp ứng yêu cầu thực tế, vừa là giải pháp thực hiện Đề án của Tỉnh ủy Bắc Giang về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tuy nhiên, số đảng viên được kết nạp trong đội ngũ trưởng, phó thôn trong tỉnh còn thấp. Một số đơn vị có tỷ lệ trưởng, phó thôn, bản là đảng viên dưới 50%. Bên cạnh đó, uy tín của một bộ phận đảng viên không cao cho nên một số đảng viên đã được hiệp thương, giới thiệu nhưng không trúng cử (trưởng thôn là 273 người, phó thôn là 359 người). Công tác đánh giá, sàng lọc, phân loại đảng viên, thay thế những trưởng, phó thôn yếu kém về năng lực, trình độ, phẩm chất và uy tín, xử lý kỷ luật những đảng viên, trưởng, phó thôn vi phạm khuyết điểm thiếu kiên quyết… là những hạn chế cần được các cấp ủy ở Bắc Giang khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Ý kiến ()