Thứ 5, 06/02/2025 01:56 [(GMT +7)]
Bắc Cạn từng bước cải thiện chất lượng giáo dục
Chủ nhật, 15/04/2012 | 13:35:00 [(GMT +7)] A A
Giờ học vi tính của học sinh Trường PTDT nội trú huyện Ngân Sơn. |
Từ việc xác định những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo Bắc Cạn đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm từng bước cải thiện chất lượng giáo dục.
Bắc Cạn có 122 xã, phường, thị trấn, đến nay còn hai huyện và 62 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 50%. Đồng thời, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, hiểm trở, dân cư sống phân tán, xa trường học, còn 26 xã chưa có trường THCS nên một số em không có điều kiện đi học. Việc huy động học sinh đi học đúng độ tuổi, duy trì sĩ số cũng gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, hầu hết các trường chưa có phòng học bộ môn, nhiều trường thiếu thư viện, sân chơi, bãi tập, công trình vệ sinh, cấp nước, nhà công vụ.
Ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện học tập và giảng dạy còn khó khăn. Hai bản Cốc Ỏ và Khuổi Luông có đồng bào Mông sinh sống, cách thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn hơn mười km, nhưng chủ yếu là đường dốc, đi lại khó khăn. Để tạo điều kiện cho con em ở đây được đi học, Sở Giáo dục và Đào tạo mở một phân trường tiểu học tại bản Khuổi Luông, đội ngũ giáo viên đều ở địa phương khác đến. Không có nhà công vụ, các thầy giáo, cô giáo ăn ở, sinh hoạt trong căn nhà lá tạm bợ, dột nát. Các cô giáo tâm sự: Hai bản có gần 70 hộ đồng bào Mông, tất cả đều thuộc diện đói, nghèo, chưa có điện. Chúng tôi vừa dạy học vừa thường xuyên động viên các gia đình tạo điều kiện cho các em được đi học. Nếu không có phân trường này thì tất cả các cháu đều không được đến trường. Với những phân trường lẻ như ở Khuổi Luông, nhiệm vụ trước mắt, thường xuyên là phải duy trì sĩ số, sau đó mới tính đến cải thiện chất lượng, nếu không các cháu sẽ bỏ học hết. Mấy năm gần đây ở phân trường Khuổi Luông không có học sinh bỏ học. Nhờ việc xây dựng các phân trường tiểu học gần dân, kết hợp làm tốt công tác dân vận của đội ngũ giáo viên nên trong số gần 23 nghìn học sinh tiểu học, từ đầu năm học đến nay, chỉ có năm em bỏ học.
Tuy nhiên, cũng trong năm học này, bậc THPT có tới 234 em bỏ học, chiếm tỷ lệ 2,39%. Nguyên nhân chủ yếu là do học lực yếu kém dẫn đến chán học, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có điều kiện đóng góp, phải đi lao động để giúp gia đình cải thiện cuộc sống. Những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các trường trên địa bàn, tuyệt đối không chạy theo thành tích mà phải nhìn thẳng vào thực tế để đánh giá thực chất chất lượng giáo dục. Kết quả học kỳ một, năm học 2011 – 2012, học sinh xếp loại yếu, kém bậc THCS là 22,1%, đặc biệt là THPT chiếm đến 46,4%.
Trong điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, học sinh yếu, kém còn chiếm tỷ lệ cao, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đoàn Văn Hương thừa nhận: “Việc nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian ngắn là điều không thể làm được. Vì thế, thời gian qua, chúng tôi chủ trương đánh giá đúng thực chất giáo dục với hy vọng toàn xã hội, các bậc phụ huynh quan tâm sự nghiệp giáo dục của con em mình. Đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa ra những giải pháp lâu dài nhằm từng bước cải thiện chất lượng giáo dục một cách bền vững”.
Trường phổ thông dân tộc nội trú dân nuôi ở huyện Pác Nặm thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Học sinh nhà ở xa trường đều ăn ở, học tập ngay tại trường nên chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn. Nhằm nhân rộng mô hình này, hiện nay các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đang tiến hành khảo sát thực tế, rà soát nhu cầu để trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua đề án, bố trí ngân sách hằng năm đầu tư xây dựng hệ thống nhà bán trú dân nuôi nhằm góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh. Việc đánh giá đúng thực trạng của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhằm phân loại học sinh yếu kém môn gì, từ đó bố trí thời gian, giáo viên phụ đạo, bồi dưỡng, ôn tập cho phù hợp. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm sau mỗi năm. Mặc dù đội ngũ giáo viên đã cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn về bằng cấp, nhưng năng lực thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thay đổi phương pháp, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đổi mới công tác thi đua, đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các trường trong tỉnh.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()