Đang thiếu nguyên liệu để chế biến, nhưng Công ty Kim loại màu Bắc Cạn không bảo vệ được quặng của mình.
Không có thẩm quyền xử lý quặng tặc
Công ty Kim loại màu Bắc Cạn là doanh nghiệp nhà nước, có hơn 600 cán bộ, công nhân, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản gần 30 năm qua, đóng trụ sở tại xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn. Ngoài chức năng trên, công ty này còn được Nhà nước giao khai thác, quản lý quặng chì kẽm trên diện tích 1.640 ha, trải rộng trên địa bàn các xã Đồng Lạc, Quảng Bạch, Xuân Lạc và Bản Thi, là những nơi có trữ lượng quặng chì, kẽm lớn nhất huyện Chợ Đồn. Thời gian gần đây, giá quặng chì kẽm tăng cao, một kg quặng chì, kẽm lên đến hàng chục nghìn đồng, quặng có hàm lượng cao lên tới 15 nghìn đồng/ kg, một người đi khai thác quặng trái phép mỗi ngày có thể thu nhập một, hai trăm nghìn đồng. Tình trạng buôn bán quặng gia tăng là nguyên nhân chủ yếu làm cho khai thác quặng trái phép bùng phát thời gian nay.
Giám đốc Công ty Kim loại màu Bắc Cạn Nguyễn Thế Dũng bức xúc: “Vấn đề nóng bỏng nhất đối với chúng tôi thời gian này là không giữ được tài nguyên khoáng sản do Nhà nước giao quản lý, bảo vệ. Địa hình rừng núi hiểm trở, lực lượng khai thác quặng trái phép thường xuyên lên tới hàng trăm người, trong khi đó lực lượng bảo vệ của chúng tôi chỉ có gần chục người. Lực lượng chúng tôi không có thẩm quyền bắt giữ quặng tặc, vì thế chúng trắng trợn đến mức xông vào ôm bảo vệ của chúng tôi để xe chở quặng trái phép đi”. Thời gian gần đây, bảo vệ của Công ty Công ty Kim loại màu Bắc Cạn thu giữ được 50 tấn quặng của lâm tặc khai thác trái phép, 37 xe máy chở quặng, nhưng “đó là phần quá nhỏ so với thực thế đang diễn ra”- ông Dũng nhận định.
Không có đủ lực lượng ngăn chặn, không có thẩm quyền xử lý mạnh, Công ty Kim loại màu Bắc Cạn đề nghị công an các xã giúp sức. Nhưng công an các xã cũng không có thẩm quyền xử phạt, càng không có thẩm quyền bắt giữ quặng tặc nên việc ngăn chặn không có kết quả. Ông Dũng than phiền: “Quặng tặc hoành hành trắng trợn đến mức vào cả bãi tập kết quặng, kho chứa của chúng tôi để lấy cắp quặng. Không ngăn chặn được quặng tặc nên anh em bảo vệ, công an xã nản chí, thoái chí”.
“Bắt rắn đằng đuôi”
Thời gian qua, các cơ quan chức năng huyện Chợ Đồn cũng bắt được khoảng 40 tấn quặng khai thác, vận chuyển trái phép. Lực lượng đi truy bắt chủ yếu là cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, thi thoảng có phối hợp liên ngành do UBND huyện thành lập. Không có kinh phí chi cho lực lượng này, không có phương tiện nên cán bộ truy quét quặng tặc toàn phải dùng xe máy cá nhân nên không duy trì việc ngăn chặn quặng tặc thường xuyên. Không có kinh phí chi thường xuyên, UBND huyện quy định, bắt được quặng do khai thác, vận chuyển trái phép thì đem đấu giá, trích một phần cho lực lượng này hoạt động, mặc dù giá quặng ngoài thị trường tăng cao, nhưng huyện đấu giá quặng tịch thu được thì không ai mua.
Giám đốc Công ty Kim loại màu Bắc Cạn Nguyễn Thế Dũng than phiền: “Tình trạng buôn bán quặng trái phép trên địa bàn sôi động đến mức, bây giờ người ta đã vào đến tận công ty chúng tôi để buôn bán quặng trái phép”. Tự mình ngăn chặn quặng tặc không có hiệu quả, Công ty Kim loại màu Bắc Cạn phải nhờ đến chính quyền huyện mới có đủ thẩm quyền xử lý vấn đề này. Hầu như năm nào huyện cũng tổ chức lực lượng liên ngành truy quét, nhưng hiệu quả không cao, bởi các thành viên đội liên ngành đều kiêm nhiệm, không có kinh phí hoạt động, không duy trì được lâu. Đội liên ngành không hoạt động thì quặng tặc lại hoành hành.
Ông Nguyễn Thế Dũng kiến nghị: “Muốn bảo vệ được tài nguyên khoáng sản thì phải thực thi đúng, thực thi nghiêm túc pháp luật trong lĩnh vực này. Nếu không ngăn chặn được tình trạng buôn bán quặng trái phép, không dẹp được những cơ sở thu mua quặng thì không bao giờ ngăn chặn được tình trạng khai thác quặng trái phép. Các cơ quan chức năng có đủ lực lượng, đủ thẩm quyền, chế tài đã có, chỉ có điều họ có xử lý kiên quyết và quyết tâm xử lý để bảo vệ tài nguyên khoáng sản của đất nước không mà thôi”.
Nếu như không giải quyết được vấn đề có tính chất gốc rễ là buôn bán và thu gom quặng thì khác nào “bắt rắn đằng đuôi.”
Ý kiến ()