Bắc Cạn phát triển giáo dục chuyên biệt
Giờ học vi tính của các em học sinh Trường PTDT nội trú huyện Ngân Sơn. |
Hiện nay, tỉnh Bắc Cạn có năm trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) huyện giáo dục ở bậc trung học cơ sở, một trường phổ thông DTNT tỉnh giáo dục bậc trung học phổ thông. Là loại hình giáo dục chuyên biệt, học sinh các trường phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh được Đảng và Nhà nước nuôi ăn, ở, hằng tháng được cấp tiền sinh hoạt phí. Để nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường này, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Cạn thường xuyên sàng lọc những giáo viên không đáp ứng yêu cầu, điều động giáo viên có trình độ, có tâm huyết, có phương pháp tốt từ các trường về giảng dạy tại các trường phổ thông DTNT. Đặc biệt, tỉnh phân chỉ tiêu đến từng thôn, bản, từng dân tộc, sau đó tổ chức thi tuyển nhằm vừa bảo đảm chọn được những học sinh có học lực khá, lại vừa bảo đảm tính rộng khắp, công bằng cho con em các dân tộc thiểu số trong tỉnh được học trường phổ thông DTNT.
Năm học này, Trường phổ thông DTNT tỉnh có 385 học sinh. Sống trong môi trường nội trú, các em đều ăn mặc gọn gàng, sinh hoạt sạch sẽ. Từ nhiều năm nay, sinh hoạt và học tập của các em đã đi vào nền nếp. Thầy giáo Nguyễn Văn Dưỡng, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng cho biết: “Học sinh Trường phổ thông DTNT tỉnh đều có đạo đức tốt, sống trong môi trường xa nhà, các em có tinh thần tự lập cao, coi nhau như người thân trong gia đình, coi thầy giáo, cô giáo như cha mẹ. Năm nào nhà trường cũng có học sinh giỏi cấp quốc gia (năm học 2010 – 2011 có tám học sinh), tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp hằng năm đạt gần như tuyệt đối, thi đỗ đại học, cao đẳng đạt hơn 70%, qua đó góp phần tích cực đào tạo nguồn cán bộ cho các địa phương trong tỉnh”. Đánh giá mô hình giáo dục tại các trường phổ thông DTNT huyện, báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, 100% số học sinh có đạo đức tốt, tỷ lệ học lực khá, giỏi đạt từ 60% trở lên.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Cạn Phạm Lê Ngà nhận định: “Hệ thống trường phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh là môi trường rất tốt để giáo dục con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực tạo nguồn cán bộ tại chỗ, rất phù hợp với miền núi. Do đó, rất cần phải phát triển hình thức giáo dục chuyên biệt này. Nhưng cái khó hiện nay là khả năng tuyển sinh của các trường có hạn, Trường phổ thông DTNT tỉnh chỉ thu hút được gần 400 học sinh, các trường cấp huyện chỉ có quy mô 1.200 học sinh”. Để ngày càng có nhiều học sinh con em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được học các trường này, Sở Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp của các ngành chức năng, các địa phương để hoàn thiện, trình tỉnh phê duyệt Đề án mở rộng quy mô, hệ thống trường phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh. Trong đó sẽ mở rộng trường phổ thông DTNT tỉnh, bảo đảm mỗi năm có 70% số học sinh các trường phổ thông DTNT huyện được học liên thông, thành lập thêm hai trường ở các huyện Bạch Thông và Chợ Mới để tất cả các huyện đều có trường phổ thông DTNT, đồng thời mở rộng quy mô các trường phổ thông DTNT còn lại để thu hút nhiều hơn con em đồng bào dân tộc thiểu số vào học. Tỉnh xin ý kiến cấp có thẩm quyền để nâng cấp Trường phổ thông DTNT huyện Ba Bể liên thông lên trung học phổ thông nhằm thu hút học sinh khu vực phía bắc của tỉnh.
Hệ thống trường phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh được xây dựng hàng chục năm trước, đến nay so sánh với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mặc dù đã đáp ứng về chất lượng giáo dục, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt cao và ổn định, đội ngũ giáo viên đều đã đạt chuẩn và trên chuẩn, nhưng thực tế chưa có trường phổ thông DTNT nào trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia, có trường thiếu diện tích, có trường thiếu phòng học chức năng, tỷ lệ cây xanh, sân chơi bãi tập… Khắc phục vấn đề này, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, xem xét cụ thể từng trường, để có hướng tập trung đầu tư; phối hợp với các địa phương để tháo gỡ những vướng mắc nhằm đưa hệ thống trường phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh sớm đạt chuẩn quốc gia.
Ý kiến ()