Bắc Cạn giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Cơ sở chế biến củ dong riềng Nhất Thiện ở xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể. Là một tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Cạn chiếm 86%, hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 50% số hộ. Diện tích đất nông nghiệp chỉ có hơn mười nghìn ha, chiếm 6% diện tích tự nhiên, còn lại là đồi núi và đất dốc trải rộng trên địa hình hiểm trở. Mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa vào cơ cấu giống nhiều loại cây trồng phù hợp để giúp đồng bào thoát nghèo, tiến tới làm giàu...Thoát nghèo nhờ cây dong riềng...Dong riềng là một loại cây bản địa, trong những năm 90 của thế kỷ trước đã được đồng bào dân tộc Tày ở xã Côn Minh, huyện Na Rì trồng trên đất đồi bãi. Dong riềng trồng vào đầu năm, cuối năm thu hoạch củ, nghiền lấy bột, cán thành miến dong. Bí thư Đảng ủy xã Côn Minh Triệu Thị Len cho biết: "Dong riềng là loại cây dễ trồng, bón phân một lần, vun gốc một, hai lần là cuối năm cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt...
Cơ sở chế biến củ dong riềng Nhất Thiện ở xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể. |
Thoát nghèo nhờ cây dong riềng…
Dong riềng là một loại cây bản địa, trong những năm 90 của thế kỷ trước đã được đồng bào dân tộc Tày ở xã Côn Minh, huyện Na Rì trồng trên đất đồi bãi. Dong riềng trồng vào đầu năm, cuối năm thu hoạch củ, nghiền lấy bột, cán thành miến dong. Bí thư Đảng ủy xã Côn Minh Triệu Thị Len cho biết: “Dong riềng là loại cây dễ trồng, bón phân một lần, vun gốc một, hai lần là cuối năm cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 80 – 90 tấn/ha, giá bán khoảng hai nghìn đồng/kg, trừ chi phí nông dân còn có lãi hơn 100 triệu đồng/ha. Xác định là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho bà con, chúng tôi tích cực chỉ đạo mở rộng diện tích, kết quả là năm nay trồng được 302 ha, tăng gần gấp hai lần so năm trước, bằng một nửa diện tích của cả huyện. Cây dong riềng góp phần làm giảm mỗi năm 7 – 8% số hộ nghèo ở xã”. Từ nhiều năm qua, gia đình các ông Hà Văn Vình ở thôn Nà Ngoàn, Hoàng Văn Biết ở bản Cuôn, Lệnh Văn Duy ở bản Lài, mỗi gia đình trồng hơn một ha, trừ các chi phí đều có thu nhập hơn 100 triệu đồng, trở nên khấm khá. Ở Côn Minh, ngày càng có nhiều hộ như thế. Na Rì là huyện trồng dong riềng lâu năm và nhiều nhất, nhiều vùng quê trong huyện trở nên khởi sắc từ khi trồng loại cây này.
Mua giống dong riềng từ xã Côn Minh mang về trồng với diện tích 0,6 ha, ông Triệu Văn Lả ở thôn Nà Phải, xã Phương Linh, huyện Bạch Thông phấn khởi: “Đây là giống cây dong riềng cao sản, rất thích nghi đất đồi bãi, đất ruộng thiếu nước, khi trồng bón lót NPK, sau một tháng bón thúc bằng đạm, ka-li thì cây phát triển nhanh, củ to”. Ông Lả cho biết thêm, trước đây những chân ruộng không có nước đều bỏ hoang, nay trồng dong riềng, vụ này ước đạt khoảng 60 tấn, giá bán hai nghìn đồng/kg thì tôi sẽ có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Năm trước gia đình anh Hứa Hùng Bích ở thôn Cốc Muồi, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể trồng 1.200 m2 dong riềng trên đất dốc, mặc dù chưa có kỹ thuật, bón ít phân mà vẫn thu gần mười tấn củ, bán được gần 14 triệu đồng. Anh Bích tâm sự: “Trồng dong riềng không phải đầu tư nhiều, mỗi ha chỉ hết khoảng sáu triệu đồng mua giống, ba triệu đồng mua phân bón, cuốc hố trồng, một, hai lần rẫy cỏ, vun gốc là chờ đến kỳ thu hoạch”. Năm nay được hỗ trợ tiền mua giống, được tập huấn nên nắm bắt được quy trình kỹ thuật, anh Bích đầu tư thâm canh trồng 3.200 m2 dong riềng trên đất ruộng hạn. Năm 2011 xã Mỹ Phương trồng 50 ha dong riềng, năng suất cao nhất đạt hơn 100 tấn củ/ha, bán thu lãi khoảng 110 triệu đồng/ha, mang lại cho bà con trong xã khoảng sáu tỷ đồng, nguồn thu không nhỏ đối với một xã nghèo, hầu hết là bà con dân tộc thiểu số. Năm nay diện tích trồng dong riềng của xã tăng lên 117 ha, cả huyện Ba Bể là 470 ha, dự tính sẽ thu khoảng 60 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so trồng lúa.
Cây dong riềng thích nghi đất dốc, đồi bãi, đất ruộng thiếu nước, lại phù hợp tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay ở Bắc Cạn chưa có loại cây nào mang lại giá trị kinh tế cao như thế. Việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo phát triển cây dong riềng trên địa bàn và được nhân dân đồng tình hưởng ứng là bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực giúp đồng bào nơi đây xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu. Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), nếu thời tiết thuận lợi, không sâu bệnh thì một ha lúa cho thu nhập 50 – 60 triệu đồng, ngô năng suất cao cũng chỉ đạt 40 – 45 triệu đồng/ha, trong khi dong riềng cho thu nhập gấp hai, ba lần. Mặt khác, cây dong riềng chịu hạn tốt, dễ trồng, hầu như không có sâu bệnh nên không sợ mất mùa như các cây trồng khác. Trưởng Phòng Quản lý kỹ thuật và chất lượng sản phẩm (Sở NN và PTNT) Nguyễn Đình Điệp đánh giá: Cây dong riềng chịu được nhiệt độ cao tới 37 – 38oC với gió khô và nóng, nhưng cũng giỏi chịu rét nên thích hợp cả ở vùng núi cao và vùng thấp. Ở Bắc Cạn, có nhiều vùng mùa đông dưới 10oC, các loại cây khoai lang, sắn không trồng được, nhưng dong riềng vẫn phát triển tốt.
Giải “bài toán” đầu ra
Để nhân rộng diện tích cây dong riềng, tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo các địa phương ban hành chính sách nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khắc phục khó khăn về vốn. Hai huyện đặc biệt khó khăn là Ba Bể và Pác Nặm dùng ngân sách sự nghiệp Chương trình 30a hỗ trợ nông dân toàn bộ tiền giống dong riềng, các huyện còn lại và thị xã hỗ trợ 50% giá giống. Nhận thấy dong riềng cho hiệu quả kinh tế cao nên nhân dân cũng chủ động phát triển làm cho diện tích trồng ngày càng tăng, nếu như năm 2010 toàn tỉnh trồng được 270 ha thì năm 2011 tăng lên 551 ha. Năm 2012 tỉnh có kế hoạch trồng 1.300 ha dong riềng, nhưng thực tế diện tích tăng lên 1.840 ha, vượt 40% so kế hoạch và tăng gần bốn lần so năm trước.
Giá củ dong riềng luôn giữ ở mức cao, đạt khoảng hai triệu đồng/tấn, với diện tích đã trồng được, năm nay nông dân tỉnh Bắc Cạn sẽ thu khoảng 180 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng một nghìn lao động tại chỗ. Năm nay diện tích và sản lượng tăng ba, bốn lần, giải “bài toán” đầu ra cho nông dân đang là vấn đề mà tỉnh rất quan tâm. Nếu không, củ dong riềng chẳng những sẽ bị ép giá gây thiệt hại cho nông dân mà việc nhân rộng hơn nữa loại cây này trong những năm tới sẽ gặp khó khăn.
Hiện nay, tỉnh Bắc Cạn đã có tám cơ sở chế biến củ dong riềng tập trung ở các địa phương. HTX miến dong Côn Minh hiện có 26 thành viên, với 23 máy nghiền bột, sản xuất miến, tiêu thụ hết củ dong riềng cho nhân dân xã Côn Minh, Đổng Xá, Quang Phong, Hữu Thác và giải quyết việc làm cho gần 200 lao động trong thời gian bốn tháng với mức thu nhập hơn ba triệu đồng/người/tháng. Ba HTX khác trên địa bàn huyện cơ bản thu mua hết củ dong riềng cho nông dân trên địa bàn với giá cả hợp lý. Cơ sở sản xuất bột và miến dong Nhất Thiện ở xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể có công suất 100 tấn củ/ngày, vào vụ thu hoạch dong riềng giải quyết việc làm cho 50 lao động địa phương, công nhân kỹ thuật có thu nhập năm triệu đồng/tháng, đóng gói là 2,1 triệu đồng/tháng và ăn, ngủ sinh hoạt miễn phí ngay tại chỗ. Khi hết vụ thu hoạch dong riềng, sẵn bột dự trữ, cơ sở này giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động. Nhưng do thiếu vốn lưu động nên cơ sở Nhất Thiện không thu mua được nhiều dong riềng để nghiền bột dự trữ sản xuất miến quanh năm. Chủ cơ sở chế biến miến Nhất Thiện cho biết: “Để thu mua hết diện tích hơn 700 ha dong riềng ở hai huyện Ba Bể và Pác Nặm, chúng tôi cần khoảng bảy tỷ đồng vốn lưu động, hiện nay chưa biết vay ở đâu”. Chủ nhiệm HTX miến dong Côn Minh Nông Văn Chính nói: HTX đã được vay 2,4 tỷ đồng từ ngân hàng làm vốn lưu động, được đầu tư một trạm biến áp để cung cấp điện cho các cơ sở sản xuất miến dong. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi rất khó khăn về mặt bằng để mở rộng sản xuất.
Diện tích tăng đột biến, dự kiến năm nay huyện Na Rì sẽ thu được hơn 49 nghìn tấn củ dong riềng, trong khi đó trong thời gian thu hoạch, các cơ sở chỉ chế biến hết khoảng 21 nghìn tấn, thừa 28 nghìn tấn củ. Tương tự như vậy, huyện Ba Bể sẽ thu khoảng 35 nghìn tấn củ, thừa 20 nghìn tấn. Các huyện Pác Nặm sẽ thu hoạch gần chín nghìn tấn củ, Bạch Thông thu gần mười tấn củ, Chợ Đồn là hơn năm nghìn tấn, nhưng đều chưa có dây chuyền chế biến nào có công suất đáng kể.
Trong các buổi làm việc với nhiều cơ quan chức năng, lãnh đạo các huyện, thị xã, các cơ sở chế biến dong riềng thời gian gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Cường cho biết: Dong riềng là một cây rất có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh, dễ canh tác, mang lại nguồn thu nhập lớn, l0à cây chủ lực giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu. Thời gian vừa qua tỉnh có nhiều biện pháp hỗ trợ các HTX, nhóm hộ mua máy móc thiết bị chế biến, giải quyết các khó khăn về vốn, điện để các cơ sở hiện nâng công suất, mở rộng quy mô chế biến…
Những nỗ lực đó của cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm giúp nhân dân yên tâm phát triển cây dong riềng để thúc đẩy tiến trình giảm nghèo bền vững và tiến tới làm giàu.
Trồng dong riềng không khó, nhưng đòi hỏi nhiều công lao động để thu hoạch, vận chuyển. Ở những xã vùng sâu, vùng xa, mặc dù tiềm năng trồng cây này là rất lớn, nhưng mất nhiều công thu hoạch và kinh phí cho việc vận chuyển củ dong riềng đi tiêu thụ nên nông dân chưa mặn mà với loại cây này. Do vậy, việc sử dụng các nguồn lực để phát triển giao thông sẽ tạo thuận lợi đi lại cho nhân dân, là động lực phát triển cây dong riềng, giảm chi phí sản xuất cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn ở tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Cạn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()