Bắc Cạn gắn trồng rừng sản xuất với công nghiệp chế biến gỗ
Là một tỉnh miền núi, Bắc Cạn có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thời gian qua, tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế trồng rừng sản xuất, thu hút đầu tư xây dựng công nghiệp chế biến gỗ.Rừng chiếm đến 80% diện tích đất tự nhiên, thế nên từ nhiều năm nay, Đảng ủy xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là mũi nhọn xóa đói, giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu cho đồng bào dân tộc. Trên cơ sở đó, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp khôi phục và phát triển rừng. Đến nay hầu hết diện tích đất lâm nghiệp và rừng nghèo kiệt đã có chủ, được giao đến từng hộ dân quản lý, sử dụng ổn định lâu dài. Trước đây, người dân trong xã trồng và chăm sóc rừng tùy tiện, quảng canh gây lãng phí tài nguyên đất đai, hiệu quả rừng trồng thấp. Giải quyết vấn đề này, chính quyền xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức hàng loạt lớp tập huấn về nghề rừng cho hầu...
Rừng chiếm đến 80% diện tích đất tự nhiên, thế nên từ nhiều năm nay, Đảng ủy xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là mũi nhọn xóa đói, giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu cho đồng bào dân tộc. Trên cơ sở đó, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp khôi phục và phát triển rừng. Đến nay hầu hết diện tích đất lâm nghiệp và rừng nghèo kiệt đã có chủ, được giao đến từng hộ dân quản lý, sử dụng ổn định lâu dài. Trước đây, người dân trong xã trồng và chăm sóc rừng tùy tiện, quảng canh gây lãng phí tài nguyên đất đai, hiệu quả rừng trồng thấp. Giải quyết vấn đề này, chính quyền xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức hàng loạt lớp tập huấn về nghề rừng cho hầu hết các chủ hộ trong xã. Đồng bào dân tộc Tày, Mông, Dao ở Bình Trung trước đây chỉ vay vốn từ ngân hàng để mua giống lúa, giống ngô, phân bón cho các loại cây nông nghiệp, chăn nuôi lợn, nhưng trước yêu cầu cần phải đầu tư để nâng cao chất lượng rừng trồng, lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã đã mạnh dạn làm việc với các ngân hàng trên địa bàn huyện để cho nông dân vay vốn trồng rừng sản xuất, một việc làm rất mới ở xã vùng sâu, vùng xa này.
Đến nay, người dân tộc thiểu số ở Bình Trung đã vay ngân hàng bốn tỷ đồng, cùng với nguồn vốn tự có, mỗi năm trồng mới vài chục ha rừng sản xuất. Sau khi thu hoạch, nhiều hộ đã luân phiên trồng rừng sang chu kỳ thứ hai. Ở Bình Trung, rừng trồng không lo đầu ra, khai thác đến đâu nhà máy chế biến lâm sản đóng ngay trên địa bàn xã thu mua hết đến đấy với giá cả hợp lý. Rừng sản xuất mang lại thu nhập vài chục triệu đồng/hộ/năm đã trở nên phổ biến, ngày càng xuất hiện nhiều hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ nghề rừng. Do nhu cầu sản xuất, gần đây trên địa bàn xã xuất hiện các loại hình dịch vụ lâm nghiệp, như cơ sở gieo ươm giống cây lâm nghiệp, thu mua, vận tải lâm sản góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động. Điều đó cho thấy, kinh tế lâm nghiệp đã được xã hội hóa sâu rộng, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu cho nhân dân.
Nhìn thấy tiềm năng dồi dào của kinh tế rừng, cách đây gần mười năm, Công ty Lâm nghiệp Bắc Cạn đã mạnh dạn vay 6,7 tỷ đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Thái Nguyên – Bắc Cạn để trồng 4.500 ha rừng sản xuất. Diện tích này đã bắt đầu cho thu hoạch, giá bán bình quân khoảng 700 nghìn đồng/m3, mỗi ha thu khoảng 80 – 100 m3 gỗ, sau khi trừ tất cả các loại chi phí cho một chu kỳ từ khi trồng đến khi được thu hoạch mang bán trong vòng bảy năm, công ty có lãi khoảng 20 – 25 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư cho nhân dân ở các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Ba Bể trồng 3.600 ha rừng sản xuất đến nay cũng bắt đầu cho thu hoạch. Việc công ty đầu tư cho dân trồng rừng sản xuất đã giúp nhân dân có việc làm, có thu nhập, tiếp cận được kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng sản xuất đã làm chuyển biến nhận thức của bà con về nghề rừng. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, mỗi năm nhân dân các dân tộc trong tỉnh tự bỏ vốn đầu tư trồng khoảng 800 ha rừng sản xuất, điều đó đã khẳng định một chuyển biến tích cực trong nhận thức về kinh tế rừng.
Bắc Cạn hiện có 388 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 79% diện tích tự nhiên, trong đó có 152 nghìn ha đất trống đồi núi trọc, rừng tự nhiên nghèo kiệt và đất luân phiên trồng rừng sản xuất. Bằng chính sách khuyến khích các thành phân kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 trồng mới 60 nghìn ha rừng để có đủ nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến gỗ tại chỗ. Điều đáng mừng là, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng, với số vốn cam kết đầu tư hàng trăm tỷ đồng, trong đó mỗi năm trồng khoảng 1.500 – 2.000 ha rừng sản xuất. Đáng chú ý là Công ty cổ phần Na Rì HAMICO đã được cấp giấy phép đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp với số vốn đăng ký 500 triệu USD.
Để giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị của gỗ rừng trồng, tỉnh chú trọng thu hút vốn đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản. Vừa qua, Công ty cổ phần SAHABAK đã đưa nhà máy sản xuất ván gỗ ghép thanh công suất 3.000 m3/năm đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới. Nhà máy này được đầu tư 34 tỷ đồng, bao gồm các dây chuyền xẻ gỗ, sấy khô, đánh bóng, ghép gỗ thành các kích cỡ khác nhau và đóng đồ nội thất, bàn ghế ngoài trời để xuất khẩu. Việc đưa nhà máy này vào sản xuất bước đầu giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương sau khi đã được đào tạo nghề, giải quyết đầu ra và nâng giá trị gỗ rừng trồng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh lên 1,5 lần. Hiện nay Công ty cổ phần SAHABAK cũng đang chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF có vốn đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng, công suất 108 nghìn m3 gỗ MDF/năm tại khu công nghiệp Thanh Bình. Bên cạnh đó, Công ty Lâm nghiệp Bắc Cạn cũng đã đưa Xí nghiệp chế biến gỗ Huyền Tụng với công suất ba nghìn m3/năm vào hoạt động. Sản phẩm được chế biến từ gỗ rừng trồng có nhiều khách hàng đặt mua, có thời điểm không có hàng để bán, thu nhập của người lao động ổn định.
Năm năm tới, Bắc Cạn nỗ lực tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế lâm nghiệp với diện tích trồng rừng sản xuất gấp hai lần so với giai đoạn 2005 – 2010 và công nghiệp chế biến gỗ sẽ định hình. Tuy nhiên, chất lượng rừng trồng ở một số nơi thời gian vừa qua chưa đạt yêu cầu đề ra, vẫn còn tình trạng trồng và chăm sóc rừng chưa đúng kỹ thuật nên năng suất chưa cao, gây lãng phí tài nguyên đất. Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý của tỉnh, doanh nghiệp chế biến gỗ và nông dân để việc trồng rừng gắn với chế biến gỗ trên địa bàn phát triển một cách bền vững, đem lại lợi ích thiết thực, lâu dài cho cả người trồng, cơ sở chế biến gỗ. Mặt khác, trong điều kiện nguồn lực đầu tư từ ngân sách hạn hẹp, làm được như vậy còn góp phần phát huy nội lực, thu hút vốn đầu tư, xã hội hóa việc trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()