Bắc Cạn cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân
Nhờ mạng lưới khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng khang trang từ tỉnh đến xã, việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh với chất lượng ngày càng cao của người dân, ngành y tế tỉnh vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế
Sau khi thành lập huyện Pác Nặm (năm 2003), Bệnh viện huyện Pác Nặm chỉ là căn nhà cấp bốn cũ xuống cấp, mái dột, tường bong tróc, nền nhà ẩm thấp; trang, thiết bị y tế thiếu thốn, không có bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ đa khoa chỉ đếm trên đầu ngón tay, cho nên việc khám, chữa bệnh cho nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả những phẫu thuật thông thường như mổ đẻ cũng không thực hiện được, bệnh viện phải chuyển người bệnh lên Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, không ít trường hợp tử vong khi vận chuyển vì đường lên tuyến trên quá xa và đầy trắc trở…
Pác Nặm là huyện vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, Dao. Cuộc sống của người dân ở đây còn chật vật, khi bị bệnh không được khám, chữa bệnh tại chỗ, phải chuyển sang chữa trị tại Bệnh viện huyện Ba Bể, hoặc chuyển lên tuyến trên. Thấy rõ thực trạng này, trong điều kiện nguồn lực eo hẹp, tỉnh Bắc Cạn và huyện Pác Nặm đều xác định: Tập trung ngân sách đầu tư mua sắm trang, thiết bị y tế và xây dựng Bệnh viện huyện Pác Nặm khang trang trước khi xây trụ sở làm việc của các cơ quan huyện. Bệnh viện huyện Pác Nặm là công trình nhà cao tầng đầu tiên mọc lên ở trung tâm huyện với đủ khoa, phòng chức năng, trang, thiết bị y tế cũng được quan tâm đầu tư. Sở Y tế Bắc Cạn điều chuyển lãnh đạo, đưa bác sĩ chuyên khoa về Bệnh viện huyện Pác Nặm công tác, đưa cán bộ y tế ở đây đi đào tạo hoặc đào tạo lại, đồng thời chỉ đạo BVĐK tỉnh cử bác sĩ xuống giúp khám, chữa bệnh cho nhân dân và chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế. Đến nay, Bệnh viện huyện Pác Nặm đã đảm đương được các chức năng khám, chữa bệnh theo phân tuyến của bệnh viện cấp huyện.
Hầu hết bệnh viện các huyện và TP Bắc Cạn được xây dựng từ những năm 1980, nay đã xuống cấp, trang, thiết bị y tế cũ, lạc hậu. 5 năm trở lại đây, tất cả các bệnh viện huyện và TP Bắc Cạn được đầu tư xây dựng khang trang, các khu chức năng đồng bộ; thiết bị y tế và đội ngũ cán bộ được tăng cường, cho nên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; một số bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó mà trước đây chỉ có bệnh viện tuyến tỉnh mới làm được.
Ngay cả BVĐK Bắc Cạn là bệnh viện tuyến tỉnh duy nhất, được xây dựng cách đây 20 năm, nhà, cửa xuống cấp, tường, trần bong tróc, thấm nước, phòng vệ sinh hư hỏng; trang, thiết bị y tế cũ, thiếu. Với quy mô 300 giường bệnh, nhưng ngày nào BVĐK Bắc Cạn cũng có khoảng 500 người bệnh điều trị nội trú, trong khi đó cơ sở vật chất không được đầu tư mở rộng, phải kê giường vào phòng họp, phòng bác sĩ, hành lang để người bệnh nằm điều trị. Tỷ lệ người bệnh phải chuyển tuyến tăng cao. Ngày 27-12-2016, BVĐK Bắc Cạn được khánh thành với quy mô 500 giường (có khả năng thu dung 800 người bệnh cùng lúc), thiết bị y tế được trang bị đồng bộ, hiện đại với tổng mức đầu tư gần một nghìn tỷ đồng (trong đó có 245 tỷ đồng đầu tư trang, thiết bị y tế), trên diện tích gần 20 ha, bao gồm các khu chức năng: trung tâm kỹ thuật cao, khu khám, cấp cứu, điều trị nội trú, khu dược, nhà giặt là… Giám đốc BVĐK Bắc Cạn Trịnh Thị Lượng vui mừng nói: Công tác trong ngành y tế Bắc Cạn nhiều năm, chưa bao giờ tôi thấy cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế tại BVĐK Bắc Cạn được đầu tư khang trang, đồng bộ và tiên tiến như hiện nay.
Để người bệnh hài lòng
Vài năm trước, do không có bác sĩ chuyên khoa, thiếu thốn trang, thiết bị, người bệnh trên địa bàn Bắc Cạn bị suy thận mãn hay bị chấn thương sọ não, chấn thương cột sống dù nặng hay nhẹ đều phải chuyển về các bệnh viện lớn ở tỉnh Thái Nguyên và TP Hà Nội điều trị. Là bệnh viện hạng hai, nhưng BVĐK Bắc Cạn không thể thực hiện đầy đủ các chức năng theo phân tuyến kỹ thuật; tỷ lệ người bệnh phải chuyển lên tuyến trên chiếm từ 5 đến 6%, rất vất vả, tốn kém. Khắc phục vấn đề này và chuẩn bị nhân lực cho BVĐK tỉnh, tỉnh Bắc Cạn ban hành chính sách hỗ trợ; phối hợp một số học viện, trường đại học y, tuyển chọn hơn 100 con em người dân tộc trong tỉnh đưa đi đào tạo; chọn cử 26 kíp kỹ thuật đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao các chuyên khoa sâu tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội), đến nay đã có 22 kíp hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Với thiết bị y tế được đầu tư đồng bộ, đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đến nay BVĐK Bắc Cạn đã thực hiện chạy thận nhân tạo cho hơn 50 người bệnh/ngày; người bệnh bị chấn thương sọ não, cột sống được xác định tổn thương ngay, có thể được xử lý ngay tại bệnh viện, đã điều trị được nhiều ca bệnh khó, tỷ lệ người bệnh phải chuyển lên tuyến trên giảm xuống còn 2%. BVĐK Bắc Cạn cử bác sĩ chuyên khoa giúp đỡ người bệnh sau khi ra viện, có khoảng 30% số người bệnh sau khi ra viện thường xuyên liên hệ với bệnh viện để được theo dõi, tư vấn sức khỏe. Bên cạnh việc công khai số điện thoại “đường dây nóng” của lãnh đạo, đặt hòm thư góp ý, hằng tuần bệnh viện tổ chức họp hội đồng người bệnh một cách khách quan để lắng nghe, tiếp thu, kịp thời chấn chỉnh tinh thần, thái độ chăm sóc người bệnh chưa tốt, xử lý những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Học, Giám đốc Sở Y tế Bắc Cạn cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các bệnh viện tuyến huyện, BVĐK Bắc Cạn phải cử người đón tiếp người dân đến khám, hướng dẫn làm các thủ tục vào viện, thanh toán ra viện, không được gây phiền hà, sách nhiễu người bệnh; nâng cao chất lượng khám, điều trị nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Qua kiểm tra, các công việc nêu trên đã đi vào nền nếp”.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng ngành y tế và tỉnh Bắc Cạn đang đối mặt không ít khó khăn, thách thức khi yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn ngày càng cao. Theo yêu cầu, BVĐK Bắc Cạn cần 600 cán bộ y tế, nhưng hiện nay mới đáp ứng được hơn 50%. Giám đốc BVĐK Bắc Cạn Trịnh Thị Lượng chia sẻ: “Thiếu nhiều bác sĩ chuyên sâu, trình độ chuyên môn cao, cho nên chúng tôi chưa điều trị được nhiều căn bệnh nặng và chưa thực hiện được các kỹ thuật khó. Trong khi tỉnh chưa có cơ chế thu hút bác sĩ giỏi về BVĐK Bắc Cạn công tác, nhiều bác sĩ có trình độ chuyên môn khá, giỏi thời gian gần đây lại xin chuyển công tác, nếu chúng tôi không cho chuyển thì họ sẵn sàng nghỉ việc để đi làm nơi khác có điều kiện tốt hơn”.
Để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế hiện đại tại BVĐK Bắc Cạn, làm người bệnh và nhân dân hài lòng, tại Lễ khánh thành BVĐK Bắc Cạn vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị tỉnh và BVĐK Bắc Cạn xây dựng bệnh viện xanh – sạch – đẹp, sớm xây dựng đề án thực hiện các chuyên môn sâu, các đề án làm bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện tuyến Trung ương để tiếp nhận kỹ thuật cao. Tỉnh cần đổi mới cơ chế tài chính, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho BVĐK Bắc Cạn để tăng nguồn thu thì mới có điều kiện nâng cao đời sống đội ngũ cán bộ, mua bổ sung trang, thiết bị thực hiện các kỹ thuật cao, chuyên sâu. Đồng thời, Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị BVĐK Bắc Cạn chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới; tỉnh củng cố mạng lưới trạm y tế xã, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để làm tốt công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Khi tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Cạn chỉ có 60 bác sĩ, cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều xã không có trạm y tế. Đến nay, tỉnh có 438 bác sĩ, bình quân 14,7 bác sĩ/10 nghìn dân, tất cả các xã đều có trạm y tế, 78% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 91% số xã có bác sĩ, 100% thôn, bản có nhân viên y tế. 95% số dân có thẻ bảo hiểm y tế. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()