Bắc Bộ còn mưa trong vài ngày nữa
Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi bị phá, hoa màu bị ngập úng. Trong ảnh: Khắc phục sạt lở trên tuyến quốc lộ 4D (Lào Cai - Sapa).Ảnh: PHẠM SƠN (Báo Lào Cai) * Thời tiết nguy hiểm khu vực giữa và nam Biển Đông* Xuất hiện nhiều sâu bệnh hại lúa trên cả nước* Cháy rừng phòng hộ ven biển Phú YênTheo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, kết hợp với rìa tây nam lưỡi áp cao cận nhiệt đới tầng cao lấn vào, cho nên các tỉnh phía bắc có mưa, mưa rào và giông đều khắp.Nhiều địa phương như: Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc đã có mưa lớn. Mưa đã làm lũ trên các sông tại các địa phương nêu trên lên trở lại. Dự báo, mưa gió ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài vài ngày nữa, trong đó có ngày rải rác mưa vừa, có nơi mưa to. Các tỉnh miền núi cần đề phòng mưa lớn cục bộ vào ban đêm gây...
Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi bị phá, hoa màu bị ngập úng. Trong ảnh: Khắc phục sạt lở trên tuyến quốc lộ 4D (Lào Cai – Sapa).Ảnh: PHẠM SƠN (Báo Lào Cai) |
* Thời tiết nguy hiểm khu vực giữa và nam Biển Đông
* Xuất hiện nhiều sâu bệnh hại lúa trên cả nước
* Cháy rừng phòng hộ ven biển Phú Yên
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, kết hợp với rìa tây nam lưỡi áp cao cận nhiệt đới tầng cao lấn vào, cho nên các tỉnh phía bắc có mưa, mưa rào và giông đều khắp.
Nhiều địa phương như: Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc đã có mưa lớn. Mưa đã làm lũ trên các sông tại các địa phương nêu trên lên trở lại. Dự báo, mưa gió ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài vài ngày nữa, trong đó có ngày rải rác mưa vừa, có nơi mưa to. Các tỉnh miền núi cần đề phòng mưa lớn cục bộ vào ban đêm gây trượt lở đất đá, lũ quét bất ngờ. Các ao hồ chứa, hồ thủy điện, cần điều tiết nước hợp lý để bảo đảm an toàn.
Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam cho nên vùng biển Nam Bộ, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.
Mực nước trên sông Lô, sông Thao và hạ lưu hệ thống sông Hồng tại Hà Nội đang biến đổi chậm. Mực nước hạ lưu hệ thống sông Thái Bình đang lên. Dự báo, mực nước trên sông Lô, sông Thao sẽ lên. Mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng sẽ lên nhanh, đến 7 giờ, ngày 31-7, tại Hà Nội, có khả năng lên mức 8,25 m. Mực nước hạ lưu hệ thống sông Thái Bình tiếp tục lên, đến 19 giờ hôm nay tại Phả Lại, có khả năng lên mức 3,20 m.
Trận mưa to ngày 29-7 đã cuốn trôi một người dân, nhiều đoạn đường sạt lở, hàng trăm ha lúa, hoa màu của tỉnh Tuyên Quang bị ngập úng. Ngay sau khi xảy ra vụ việc các cơ quan chức năng của tỉnh đã huy động lực lượng dân quân và đội cứu hộ địa phương đến cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả. Đêm 28 rạng sáng 29-7, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa to, có nơi mưa rất to đã gây ngập úng một số nhà dân và ngập cục bộ quốc lộ 70, đoạn qua xã Quế Lâm, huyện Đoan Hùng. Hiện các lực lượng chức năng của tỉnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm này các loại rầy, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ… là những đối tượng sâu bệnh hại lúa chính trên cả nước. Các tỉnh phía bắc đã có gần 12.600 ha lúa bị nhiễm ốc bươu vàng, chủ yếu trên giai đoạn lúa đẻ nhánh, xuất hiện nhiều tại các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Hải Dương, Cao Bằng, Quảng Ninh, Sơn La; nhất là tại Điện Biên mật độ nơi cao lên đến 100 con/m2… Tại các tỉnh phía nam rầy nâu đã nhiễm 40.788 ha, với mật độ phổ biến từ 1.000 đến 2.000 con/m2, nơi cao từ 3.000 đến 6.000 con/m2 trên diện tích gần 400 ha. Các tỉnh có rầy nâu xuất hiện phổ biến như: Long An, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, và Sóc Trăng. Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát đồng ruộng, phát hiện ngay khi sâu bệnh mới xuất hiện để kịp thời phòng trừ hiệu quả.
Tỉnh Kiên Giang đầu tư 8.406 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để nâng cấp tuyến đê biển. Dự án công trình dự kiến hoàn thành đồng bộ vào năm 2020. Việc nâng cấp tuyến đê biển nhằm giúp tỉnh ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời, phục vụ công tác thoát lũ, xổ phèn, ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng Tứ giác Long Xuyên, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực.
Tỉnh Bạc Liêu vừa đưa vào sử dụng kho chứa gạo công suất 18 nghìn tấn tại xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân sau gần hai năm xây dựng. Công trình có vốn đầu tư 47,5 tỷ đồng, trực thuộc Xí nghiệp Chế biến gạo xuất khẩu Ninh Quới (Công ty Lương thực Bạc Liêu) nằm trong chiến lược xây dựng một triệu tấn kho chứa lương thực tại đồng bằng sông Cửu Long của Tổng công ty Lương thực miền nam.
Từ đầu năm đến nay, gần 50 trại sản xuất tôm giống ở tỉnh Cà Mau đã ngừng hoạt động, hàng trăm trại khác hoạt động cầm chừng, nhiều trại bị thua lỗ nặng. Nguyên nhân là do tình trạng nợ đọng tiền giống từ các hộ nông dân và tôm giống bị chết nhiều. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất tôm giống khôi phục sản xuất, tỉnh đã có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn với mức lãi suất phù hợp; khuyến khích tư nhân có điều kiện mở trại sản xuất tôm giống, Nhà nước ưu tiên cho doanh nghiệp trong việc giảm thuế ba năm đầu, ưu tiên về mặt bằng cho nhà sản xuất…
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, từ 11 giờ ngày 29-7, thủy điện Sơn La bắt đầu xả lũ. Theo Công ty thủy điện Sơn La, từ ngày 27-7, trên thượng nguồn sông Đà đã xuất hiện lũ với tần suất 5.000 m3/s, làm nước hồ thủy điện Sơn La lên mức 198,5 m. Trong vài ngày tới, tần suất lũ có thể lên tới 6.500 m3/s. Công ty đã quyết định xả lũ qua năm tổ máy phát và một cửa xả. Việc xả lũ sẽ ngừng khi nước trong lòng hồ xuống mức 194 m. Do thủy điện Sơn La xả lũ cho nên cùng ngày thủy điện Hòa Bình cũng bắt đầu xả lũ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()