Ba vấn đề ưu tiên của Pháp trong năm Chủ tịch G8 và G20
Năm 2011, Pháp làm Chủ tịch luân phiên Nhóm các nước Công nghiệp phát triển (G8) và Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20). Hai sự kiện quan trọng nhất trong năm là Hội nghị cấp cao G8 sẽ diễn ra tại TP biển Đô-vin ở phía tây-bắc Pháp từ ngày 26 đến 27-5 và Hội nghị cấp cao G20 tại TP Can phía nam Pháp từ ngày 2 đến 4-11.Chính quyền Pháp đã và đang chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành tốt vai trò năm Chủ tịch Nhóm G8 và Nhóm G20 nhằm nâng cao vị thế của nước Pháp và tạo cơ sở cho liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử năm 2012. Ngày 24-1, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di đã tổ chức cuộc họp báo tại Điện Ê-li-dê công bố kế hoạch hoạt động và những ưu tiên của Pa-ri trên cương vị Chủ tịch Nhóm G8 và Nhóm G20 trong điều kiện nền kinh tế thế giới phục hồi mong manh, không đồng đều giữa các khu vực và ẩn chứa những dấu hiệu khủng hoảng tài chính mới, nhất là tại châu Âu. Tổng thống Pháp cho biết, trên cương...
Chính quyền Pháp đã và đang chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành tốt vai trò năm Chủ tịch Nhóm G8 và Nhóm G20 nhằm nâng cao vị thế của nước Pháp và tạo cơ sở cho liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử năm 2012. Ngày 24-1, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di đã tổ chức cuộc họp báo tại Điện Ê-li-dê công bố kế hoạch hoạt động và những ưu tiên của Pa-ri trên cương vị Chủ tịch Nhóm G8 và Nhóm G20 trong điều kiện nền kinh tế thế giới phục hồi mong manh, không đồng đều giữa các khu vực và ẩn chứa những dấu hiệu khủng hoảng tài chính mới, nhất là tại châu Âu. Tổng thống Pháp cho biết, trên cương vị Chủ tịch G8 và G20, Pháp sẽ tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên là: cải cách hệ thống tài chính – tiền tệ quốc tế, đối phó tình trạng bất ổn trên các thị trường hàng hóa như lương thực và năng lượng, cải tiến quản trị kinh tế toàn cầu.
Phần lớn thời gian 40 phút của cuộc họp báo, Tổng thống N. Xác-cô-di giới thiệu và phân tích về ba vấn đề ưu tiên nêu trên. Ông nhấn mạnh, Pháp ủng hộ việc cải cách hệ thống tài chính – tiền tệ quốc tế, bao gồm cả việc đánh thuế đối với các giao dịch tài chính. Pháp cho rằng cần mở rộng vai trò Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đó không loại trừ khả năng trao cho thể chế này quyền giám sát tình trạng mất cân bằng hệ thống kinh tế toàn cầu, cũng như khủng hoảng ngân hàng và sự lưu thông các dòng vốn. Tuy nhiên, Pháp sẽ không thảo luận vai trò của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Pháp sẽ tiến hành 'chiến dịch' ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khác, đồng thời thành lập nhóm phân tích những thay đổi có thể trong hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế với sự tham gia của Đức và Mê-xi-cô, hai nước đồng Chủ tịch G20 vào năm 2012.
Về vấn đề kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu, Tổng thống Pháp cho rằng, các cường quốc kinh tế thế giới cần đạt được thỏa thuận về những biện pháp mới để kiềm chế sự bất ổn trên các thị trường hàng hóa, nhất là giá lương thực – thực phẩm và dầu mỏ. Giá lương thực tăng cao đang có nguy cơ gây bất ổn xã hội tại nhiều nước nghèo trên thế giới. Vấn đề này nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang rất mong manh. Pháp đề nghị cộng đồng quốc tế cần phối hợp trong đối phó khủng hoảng lương thực có thể, thông qua các cơ quan của LHQ như FAO, tăng cường đối thoại giữa các nước sản xuất và tiêu thụ lương thực – thực phẩm.
Trong nỗ lực cải tiến quản trị kinh tế toàn cầu, Pháp kêu gọi các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới cần có sự phối hợp và thống nhất hành động trong quản trị kinh tế toàn cầu, thúc đẩy phát triển và dân chủ trong một số tổ chức quốc tế. Tổng thống Pháp cho biết, ông đã nhận được ý kiến của một số nhà kinh tế có uy tín cao cho rằng IMF đã không làm tốt chức năng ổn định tỷ giá tiền tệ, rằng G20 cần tham gia và có vai trò lớn trong vấn đề này.
Các nhà quan sát cho rằng, Pháp đã đưa ra một chương trình hành động đầy 'tham vọng' trong năm Chủ tịch G8 và G20. Dư luận bước đầu có những ý kiến khác nhau. Những đề xuất của Pháp chắc chắn sẽ được bàn thảo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), dự kiến diễn ra tại Đa-vốt (Thụy Sĩ) từ ngày 26 đến 30-1 tới. Ông Rô-bớt B.Dô-ê-lích, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, việc thúc đẩy tiến trình cải tổ cơ cấu phù hợp với mỗi nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tái cân bằng nền kinh tế quốc tế và nguy cơ tăng giá lương thực là những thách thức vĩ mô mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong năm 2011. Chủ tịch WB khuyến cáo các nước thuộc Nhóm G20 cần đặt lương thực là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, theo Roi-tơ, một số nước, như Nhật Bản, đã lên tiếng phản đối đề xuất của Pa-ri về việc tạo cơ chế chính thức cho G20 trong quản trị kinh tế toàn cầu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()