Bà Rịa - Vũng Tàu: Ưu tiên các dự án bức thiết và mang tính đột phá
Chiến lược biển của Chính phủ và chương trình phát triển Côn Đảo giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của Tỉnh ủy hướng tới mục tiêu xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao mang tầm quốc tế. Để hướng tới mục tiêu đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Côn Đảo đã có chương trình hành động cụ thể. Ông Hoàng Nghĩa Doãn, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo đã trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa – Vũng Tàu về vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, để xây dựng Côn Đảo thành Trung tâm Du lịch và dịch chất lượng cao, vấn đề huyện quan tâm nhất có phải là công tác quy hoạch?
– Ông Hoàng Nghĩa Doãn: Đúng vậy, quy hoạch phải đi trước một bước. Hiện nay, huyện đã xây dựng cơ chế chính sách phát triển Côn Đảo dựa trên cơ chế chung của Chính phủ về phát triển kinh tế biển đảo. Đồng thời, tiến hành xây dựng hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện đến năm 2020 trình Chính phủ phê duyệt, trong đó bao gồm quy hoạch xây dựng, phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử và một số quy hoạch chuyên ngành khác.
* Trên cơ sở quy hoạch, sẽ có nhiều chương trình dự án được ưu tiên đầu tư. Ông cho biết lĩnh vực nào được ưu tiên nhất trong giai đoạn hiện nay?
– Trong chương trình Xúc tiến đầu tư, chúng tôi quan tâm đến nhiều lĩnh vực, trong đó căn cứ vào điều kiện đặc thù của địa phương, huyện ưu tiên cho các dự án mang tính đột phá và bức thiết như: sản xuất điện (hiện nay tỉnh đang triển khai dự án phong điện tại Côn Đảo); Khu nghỉ dưỡng 5 sao; Các dự án giao thông, điện, nước, xử lý chất thải… Về vốn đầu tư, do việc kêu gọi xã hội hóa còn nhiều khó khăn, nên trước mắt huyện vẫn sử dụng ngân sách là nguồn vốn chính.
* Vậy chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực du lịch là gì, thưa ông?
– Chính phủ đã có chính sách ưu đãi đầu tư dành cho các vùng miền núi, hải đảo, chúng tôi sẽ nghiên cứu để tận dụng hết các chính sách này, đồng thời kết hợp với các chính sách ưu đã dành cho nhà đầu tư mà tỉnh đã và đang áp dụng ở các địa phương khác. Ở góc độ quản lý nhà nước cấp huyện, chúng tôi luôn điều hành linh hoạt, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính có liên quan đến công tác đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến với Côn Đảo.
* Côn Đảo hiện không còn hộ nghè theo chuẩn của tỉnh, tuy nhiên nguy cơ tái nghèo vẫn rất lớn. Huyện có giải pháp gì cho vấn đề này?
– Đây là vấn đề Đảng bộ và Chính quyền huyện Côn Đảo luôn trăn trở. 5 năm qua, UBND huyện luôn quan tâm tạo việc làm, thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, trợ cấp khó khăn cho người dân. Nhờ vậy, năm 2009, Côn Đảo không còn hộ nghèo theo chuẩn tỉnh. Tuy nhiên, huyện cũng rất lo ngại nguy cơ tái nghèo vì đặc thù của Côn Đảo là vật giá cao, điều kiện khám, chữa bệnh tại chỗ chưa bảo đảm.
Vì vậy, chủ trương của huyện là mở rộng và phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng tạo kênh vay vốn, tranh thủ các nguồn trợ cấp, giúp người dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nuôi gia súc, gia cầm; Phối hợp với các cơ sở giáo dục gửi con em địa phương đi học nghề trong tỉnh và các tỉnh lân cận; Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, có chính sách bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế; Vận động các doanh nghiệp tài trợ xây dựng cơ sở vật chất cho trường học, bệnh viện; Quan tâm làm tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và phòng ngừa rủi ro, bệnh tật. Thực hiện tốt các giải pháp này, tin rằng Côn Đảo sẽ giảm nguy cơ tái nghèo.
* Xin cảm ơn ông!
Ý kiến ()