Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát triển du lịch năm 2010 và tầm nhìn 2015 - Xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn
Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2015 xác định đến năm 2010 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thực tế từ năm 2006 đến nay cho thấy, ngành du lịch luôn có sự tăng trưởng mạnh cả về lượng khách, doanh thu và số dự án đầu tư.
GIỮ NHỊP TĂNG TRƯỞNG
Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) được xác định là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của cả nước vì có điều kiện địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và có nhiều tiềm năng nhân văn. Định hướng phát triển du lịch BR-VT được xác định là du lịch biển; du lịch nghỉ dưỡng; chăm sóc sức khoẻ; du lịch sinh thái; du lịch Mice; du lịch lễ hội, tâm linh; du lịch thể thao biển… Từ năm 2006 đến nay, tỉnh BR-VT đã chú trọng tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch để phục vụ nhân dân, đồng thời quảng bá thương hiệu, thu hút khách du lịch như Festival Biển 2006; khai hội Văn hoá – Du lịch hàng năm, giải vô địch cờ vua trẻ thế giới 2008; cuộc thi hoa hậu quý bà đẹp, thành đạt Việt Nam và thế giới 2009; Festival Diều quốc tế; giải bóng chuyền bãi biển nữ quốc tế; Lễ hội Văn hoá ẩm thực thế giới 2010… Ngoài ra, tỉnh cũng đã nghiên cứu nâng cấp một số lễ hội dân gian để phục vụ du khách như Lễ hội Dinh Cô (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền), Lễ trùng cửu (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), lễ hội Nghinh Ông (TP. Vũng Tàu)… Việc tổ chức các sự kiện và nâng cấp lễ hội đã góp phần thu hút đông du khách đến BR-VT hàng năm và tăng trưởng khá cao.
Trong công tác thu hút đầu tư, nhờ làm tốt công tác mời gọi đầu tư, tích cực cải thiện môi trường đầu tư và có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nên BR-VT đã thu hút được nhiều dự án du lịch. Nhiều dự án phức hợp, quy mô lớn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư như: Hồ Tràm Strip (4,23 tỷ USD, diện tích 165ha); Sài Gàn Atlantis Hotel (4,1 tỷ USD, diện tích 917ha, gồm cả trên mặt nước); Công viên thế giới kỳ diệu Vũng Tàu (1,299 tỷ USD, diện tích 130ha); vườn thú hoang dã Safari Bình Châu (500 triệu USD)… Khi những dự án này được xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đủ sức hấp dẫn du khách ở lại dài ngày và thu hút nhiều khách quốc tế.
HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC
Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu đến năm 2015, tỉnh BR-VT sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí lớn của cả nước. Để đạt mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ cần làm là nâng cao nhận thức của đảng bộ, chính quyền và các cấp, các ngành về tầm quan trọng của kinh tế du lịch; cần coi nhiệm vụ hỗ trợ cho du lịch phát triển là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành khác phát triển, tăng thu nhập xã hội, tạo công ăn việc làm cho xã hội.
Bên cạnh đó, BR-VT cần triển khai đồng bộ các giải pháp để chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện của các dự án du lịch; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Tỉnh cần chú ý tạo điều kiện phát triển các loại hình du lịch mới như lặn biển, đua thuyền, nhảy dù; phát triển các dự án du lịch phức hợp; đầu tư tôn tạo, nâng cấp và khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử văn hoá, tâm linh, danh lam, thắng cảnh, những làng nghề truyền thống kết hợp các khu du lịch và vui chơi, giải trí hình thành các tuyến du lịch, tour du lịch mới.
Nhằm xây dựng hình ảnh du lịch “ấn tượng, thân thiện” với du khách, tỉnh BR-VT cần tập trung xây dựng môi trường du lịch văn minh, hiện đại, hạn chế và xoá bỏ tình trạng kinh doanh kiểu “chặt, chém” du khách bằng các biện pháp như giáo dục ý thức xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện cho nhân dân, cán bộ công chức, các doanh nghiệp và du khách; lồng ghép phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư với xây dựng nếp sống văn minh du lịch. Mặt khác BR-VT cần xử lý kiên quyết những cơ sở kinh doanh kiểu “chặt, chém” du khách.
Ý kiến ()