Bà Rịa- Vũng Tàu: Nợ thuế gia tăng, thu ngân sách giảm mạnh
Ngày 28-8, Đoàn Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội do ông Phùng Quốc Hiển làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình thu ngân sách và kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Ngày 28-8, Đoàn Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội do ông Phùng Quốc Hiển làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình thu ngân sách và kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tài chính đã báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013 và dự toán ngân sách địa phương năm 2014. Trong đó, sáu tháng đầu năm 2013, tỉnh đã thu ngân sách gần 56.700 tỷ đồng, đạt gần 45% so với dự toán; chi ngân sách địa phương hơn 5.400 tỷ đồng, đạt hơn 48% dự toán năm 2013; giải ngân được gần 2.300 tỷ đồng, đạt hơn 53%.
Năm 2013 do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên số nợ thuế của các doanh nghiệp ở tỉnh tăng cao, đặc biệt đối với ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng, chế biến hải sản xuất khẩu. Tổng số nợ thuế tính đến 30-6-2013 (chưa gồm nợ thuế sử dụng đất) ước khoảng hơn 1.700 tỷ đồng…
Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2013 ước thực hiện khoảng 116.737 tỷ đồng, đạt 92% dự toán năm (dự toán 126.865 tỷ đồng) và bằng 92,8% so với năm 2012. Như vậy, sau nhiều năm luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách, năm nay có thể là năm đầu tiên, thu sách trên địa bàn tỉnh dự kiến không đạt và giảm so với năm trước. Trong các nguồn thu, thu thuế xuất nhập khẩu giảm mạnh nhất với sáu tháng đầu năm chỉ đạt 8.000 tỷ đồng, đạt gần 31% kế hoạch năm và bằng 81% so với cùng kỳ 2012.
Tình trạng hụt thu ngân sách khiến cho những dự án lớn, quan trọng trong thúc đẩy kinh tế địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía nam như tuyến đường 991B, đường Phước Hòa-Cái Mép với tổng vốn đầu tư gần 4.200 tỷ đồng nối cụm cảng Cái Mép-Thị Vải ra quốc lộ 51, và đề án phát triển Côn Đảo đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần mỗi năm hơn 1.000 tỷ đồng, hiện rất khó triển khai.
Đối với 16 chương trình mục tiêu quốc gia, đoàn đề nghị tỉnh cần tìm thêm nguồn lực từ các nhà tài trợ, huy động sức dân, chứ không hoàn toàn trông chờ vào nguồn ngân sách T.Ư. Bên cạnh đó, tỉnh cần có báo cáo làm rõ hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia đối với cuộc sống của người dân, đánh giá việc đầu tư của các chương trình có dàn trải, phân tán nguồn lực không để tới đây Quốc hội xem xét sẽ tiếp tục hay dừng những chương trình không hiệu quả
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()