Bà Rịa - Vũng Tàu nỗ lực tăng hạng PCI
Liên tiếp trong hai năm 2012 và 2013, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bà Rịa - Vũng Tàu sụt giảm tổng cộng 33 bậc, từ thứ hạng 6 xuống thứ hạng 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ðể khắc phục tình trạng tụt hạng mạnh hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng và triển khai quyết liệt kế hoạch hành động cải thiện chỉ số PCI, với hàng loạt các giải pháp mang tính đột phá.
Nguy cơ tụt hạng
Ðã có thời điểm, Bà Rịa – Vũng Tàu nổi lên như một điểm sáng về phát triển kinh tế trong cả nước, với không ít cách làm hay, để lại nhiều dấu ấn. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn nhớ về một thời được “trải thảm” đón chào khi đến với vùng đất vốn được xem là chiếc nôi của ngành dầu khí này. Thế nhưng, chỉ vài năm trở lại đây, khi các địa phương khác vẫn nỗ lực “tận dụng lợi thế, khai thác tiềm năng”, thì Bà Rịa – Vũng Tàu đang đứng trước nguy cơ tụt hậu.
Giám đốc Công ty TNHH Hà Ðạt Ðỗ Minh Ðức cho biết: Dự án Resort của Hà Ðạt tại TP Vũng Tàu được công ty chuẩn bị nhiều năm, sẵn sàng mọi phương án triển khai nhưng đến nay vẫn “vướng” các thủ tục hành chính. Ông Ðức bức xúc: Sự thiệt hại của doanh nghiệp là rất lớn, nhiều khi không thể đo đếm được, nhưng xét cho cùng, cái mất lớn hơn ở đây chính là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền các cấp.
Không chỉ riêng Công ty TNHH Hà Ðạt, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang “kêu trời” trước “ma trận” hành chính vốn không dễ vượt qua. Giám đốc một doanh nghiệp giấu tên cho biết, nhiều vướng mắc phát sinh do lỗi của chính quyền địa phương nhưng hậu quả chỉ một mình doanh nghiệp gánh. Ðiển hình như việc giao đất bị chồng lấn, dẫn đến tranh chấp, thiệt hại đủ đường, nhưng chính quyền cứ “bình chân như vại”. “Không ít lần chúng tôi tự hỏi, phải chăng chính quyền đang thử thách doanh nghiệp” – doanh nghiệp này bức xúc. Việc chậm trễ trong thủ tục hành chính, thiếu minh bạch trong tiếp cận thông tin đã phá vỡ kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, kéo theo đó, vốn thực hiện dự án bị đội lên rất cao, việc xử lý các khoản vay đến hạn, các hợp đồng đã ký với đối tác… đều bị đảo lộn.
Theo đánh giá giám sát của HÐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dù có nhiều cải thiện, nhưng công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư và triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong chín chỉ số thành phần đánh giá PCI năm 2013, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục sụt giảm ở nhiều chỉ số, trong đó chỉ số về “Tiếp cận đất đai” đứng cuối cùng trong tổng số 63 tỉnh và thành phố. Còn chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chỉ số mới được bổ sung trong năm 2013, được đánh giá dựa trên 14 chỉ số thành phần có các nội dung liên quan đến việc ưu đãi cho các công ty, tập đoàn nhà nước, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp có liên quan đến chính quyền trong việc tiếp cận đất đai, các nguồn lực của tỉnh, giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạt 4,09 điểm và xếp hạng 58/63 tỉnh, thành phố.
Quyết tâm thăng hạng
Trước tình trạng tụt hạng nghiêm trọng vừa qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan với sự chủ trì của hai sở: Kế hoạch và Ðầu tư và Nội vụ, xây dựng chương trình hành động thực hiện cải thiện chỉ số PCI năm 2014 của tỉnh. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, với mục tiêu tăng thu hút đầu tư, chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện…
Giám đốc Sở Nội vụ Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thành cho biết: Thời gian qua, sở đã tiến hành thanh, kiểm tra 20 đơn vị nhằm nâng cao chất lượng nghiệp vụ, đánh giá đúng năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức các văn phòng một cửa, một cửa liên thông, đồng thời xây dựng bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính ở các đơn vị. Qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót khiến thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của người dân cũng như doanh nghiệp bị kéo dài, trong đó có sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương. Ông Thành cho biết, ngay trong một sở, các phòng chuyên môn cũng chưa có sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng. Nhiều hồ sơ vẫn phải khất hẹn đến lần thứ ba, thứ tư và đây hoàn toàn là trách nhiệm của cơ quan công quyền. Lý giải về vấn đề này, ông Thành cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cốt lõi vẫn chính là con người. Bởi trên thực tế, tình trạng bố trí cán bộ chưa đúng người, đúng việc vẫn diễn ra. “Nhiều cán bộ hợp đồng, không phải công chức, viên chức vẫn được sắp xếp vào bộ phận một cửa khiến hiệu quả của đề án cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra”- ông Thành khẳng định. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Ðặng Minh Thông cho biết, mới đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng “chốt” quy trình và thời gian cụ thể đối với thủ tục đầu tư trong lĩnh vực logistics theo cơ chế “một cửa”. Theo đó, với các dự án trong khu công nghiệp, thời gian cấp phép đầu tư chỉ còn 11 ngày. Ðối với các dự án ngoài khu công nghiệp, thời gian có dài hơn nhưng trên tinh thần sẽ tiếp tục được rút ngắn.
Trước những giải pháp quyết liệt của Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm cải thiện chỉ số PCI năm 2014, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã có nhiều phản ứng tích cực. Giám đốc Công ty cổ phần Trùng Dương Bùi Ngọc Tuấn cho rằng: Việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiến hành các thủ tục đầu tư sẽ tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Ðây là tiền đề quan trọng để Bà Rịa – Vũng Tàu gia tăng thu hút đầu tư trong những năm tới. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lại cho rằng, các chủ trương, chính sách của địa phương là hoàn toàn đúng đắn, nhưng việc các chủ trương, chính sách này chậm đi vào cuộc sống như rất nhiều chủ trương trước đây sẽ một lần nữa tạo tâm lý bi quan cho cộng đồng. Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Hà Bùi Tiến Sơn lấy thí dụ: Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều đang rơi vào tình trạng “đói” nguyên liệu. Không ít doanh nghiệp trở nên điêu đứng vì trót ký đơn hàng với nước ngoài trong khi nguyên liệu đầu vào không có. Và nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc “cháy” nguyên liệu hiện nay chính là tình trạng thu gom thủy hải sản trái phép của tư thương nước ngoài. “Sở Công thương, chính quyền các địa phương đều đã có những giải pháp quản lý hoạt động này nhưng hiệu quả không cao và tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào của ngành thủy sản vẫn ngày càng trầm trọng” – ông Sơn bức xúc. Ðại diện một doanh nghiệp cũng cho biết: Hội nghị đối thoại giữa ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn kết thúc đã lâu, nhưng kết quả là rất nhiều doanh nghiệp vẫn phải đang oằn mình chịu mức lãi suất lên tới 13%, thậm chí gần 15%/năm.
Do vậy, vấn đề đặt ra đối với Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay không đơn thuần chỉ là các chính sách kích cầu, hỗ trợ, các giải pháp một cửa liên thông, mà quan trọng là quyết tâm đưa những chính sách này vào cuộc sống.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()