Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm 17%, khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế, xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm cảng nước sâu của khu vực phía nam và cả nước, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Tính đến cuối tháng 8-2010, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có gần 40 cơ sở dạy nghề, năng lực đào tạo mỗi năm gần mười nghìn lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và gần 20 nghìn học sinh sơ cấp nghề. Đây là đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề dầu khí Vũ Duy Hảo cho biết, nhu cầu về nguồn nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài ngành dầu khí, các dự án trọng điểm của Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí quốc gia hằng năm rất lớn. Nắm bắt được nhu cầu đó, trường chủ động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, mở rộng quy mô, đa dạng hóa hình thức đào tạo. Theo đó, hệ thống phòng học, phòng mô phỏng, xưởng thực tập, phòng thí nghiệm của trường đều đạt tiêu chuẩn Vilas ISO/IEC 17025:2001 thuộc loại hiện đại nhất nước ta hiện nay. Những quy trình, công nghệ sản xuất tiên tiến trên thế giới trong thăm dò, khai thác, chế biến, lọc hóa dầu… đều được nhà trường cập nhật thường xuyên với hệ thống thiết bị thực hành, mô phỏng hiện đại. Nhờ vậy, ngoài giảng dạy, trường còn là đơn vị tiên phong trong thực hiện đào tạo kết hợp với dịch vụ sản xuất. Bằng uy tín và năng lực của mình, nhà trường được chỉ định thầu và thắng thầu nhiều hợp đồng dịch vụ quan trọng như: Hợp đồng lặn khảo sát các giàn khoan (trung bình mỗi năm khảo sát từ chín đến 12 giàn) cho Vietsovpetro, hợp đồng khảo sát giàn ống đứng cho PV Gas, hợp đồng lắp đặt blat cho Cửu Long JOC, đào tạo nguồn nhân lực vận hành cho các dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Cà Mau, Phú Mỹ, Nhà máy điện Nhơn Trạch, Nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp Đình Vũ…
Theo Chương trình Đào tạo phát triển lực lượng công nhân kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020, do UBND tỉnh phê duyệt, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề, công nhân kỹ thuật trên địa bàn tỉnh rất cao. Năm 2010 cần 198.382 người, năm 2015 cần 303.160 người, đến năm 2020 cần 363.500 người. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều lao động đã qua đào tạo vẫn không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Để khắc phục tình trạng này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Võ Thành Kỳ, tỉnh đã đề ra các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, giúp các cơ sở, đơn vị dạy nghề trên địa bàn nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề theo hướng, một mặt, tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước; mặt khác, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề, thực hiện các chính sách ưu đãi về giao đất, vay vốn đầu tư trang thiết bị, miễn giảm thuế… nhằm khắc phục các hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; tạo điều kiện giúp các cơ sở xây dựng và hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo… Ngoài các đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định của Nhà nước, hằng năm ngân sách tỉnh dành một khoản tương ứng cho số lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn; quân nhân, công an hoàn thành nghĩa vụ; người thoát nghèo trong hai năm đầu; con gia đình đang hưởng chính sách ưu đãi; con đồng bào dân tộc thiểu số; người tàn tật còn khả năng lao động… được vay vốn học nghề, tạo việc làm phù hợp và ổn định. Mỗi năm, kinh phí dạy nghề cho đối tượng nói trên là 20 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư xây dựng các cơ sở dạy nghề gần 100 tỷ đồng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhất là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế đặc thù của địa phương, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô đào tạo theo hướng đa dạng hóa các loại hình, ngành nghề đào tạo, tập trung vào các nhóm ngành theo nhu cầu xã hội hoặc những ngành kinh tế vốn là thế mạnh của địa phương. Ngoài những ngành nghề truyền thống đã tuyển sinh nhiều năm, từ hai năm trở lại đây, Trường cao đẳng Cộng đồng Bà Rịa – Vũng Tàu đã bỏ những ngành không còn phù hợp, thay vào đó là các ngành mới như: Công nghệ cơ – điện tử, cơ khí động lực, chế biến thủy sản, điện dân dụng, điện công nghiệp… Theo định hướng phát triển, Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh sẽ trở thành trường đại học đa ngành. Những năm gần đây, quy mô đào tạo của trường được mở rộng, không còn bó hẹp trong đào tạo các ngành sư phạm. Một số ngành ngoài sư phạm, có nhu cầu cao đã được nhà trường tuyển sinh như: Tin học, quản trị kinh doanh, quản trị văn phòng, kế toán… Còn tại Trường đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động, trường đã mở nhiều chuyên ngành đào tạo mang tính đặc thù địa phương, như các ngành: hóa dầu, kinh tế biển, công nghệ thực phẩm, xây dựng công trình biển, quản trị du lịch… Trường cũng dự kiến sẽ mở thêm một số ngành mới, dự báo sẽ rất “khát” nhân lực, như: Hàng hải, đóng sửa tàu, thuyền, môi trường, điều dưỡng…
Xác định được yếu tố sống còn là chất lượng nguồn nhân lực, cho nên các doanh nghiệp trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu luôn coi trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, bổ túc nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Đây cũng chính là kênh đào tạo quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trên địa bàn tỉnh. Điển hình như Công ty TNHH Vietubes. Theo Ban Giám đốc công ty, hằng năm, Vietubes đều dành khoản kinh phí gần một tỷ đồng cho công tác đào tạo, đồng thời có nhiều chính sách động viên và tạo điều kiện để người lao động học tin học, ngoại ngữ và tham gia các chương trình đào tạo chuyên môn. Nhờ có chiến lược đào tạo căn cơ, bài bản nên chất lượng nguồn nhân lực của Công ty TNHH Vietubes được nâng lên nhanh chóng. Từ những công nhân kỹ thuật bình thường, đến nay nhiều lao động của công ty đã trở thành những công nhân lành nghề. Nhiều công đoạn sửa chữa phức tạp trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài, nay tất cả đều do đội ngũ kỹ sư, công nhân của công ty xử lý. Các kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Vietubes đã nghiên cứu tìm tòi và đóng góp nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Tương tự như vậy, để nâng cao tay nghề, trình độ cho đội ngũ người lao động, các đơn vị như: Công ty cổ phần du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty cổ phần Thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo, Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt – Xô… đều chủ động phối hợp các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, lập kế hoạch, bổ túc tay nghề, trình độ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong đơn vị. Riêng tại Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt – Xô, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân phía Việt Nam hiện có thể đảm nhiệm được hầu hết các công việc, phần việc phức tạp trước đây vốn do các cán bộ, kỹ sư người Nga đảm trách. Công ty Tân cảng – Cái Mép, đơn vị đầu tư, quản lý cảng nước sâu Tân cảng – Cái Mép, còn lập cả phương án phối hợp một trường đại học của Hà Lan để xây dựng trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hệ thống cảng biển (cụm cảng số 5) đang ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Để Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển nhanh, bền vững như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 4 (nhiệm kỳ 2005-2010) đã đề ra thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây là lực lượng sản xuất trực tiếp, là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của tiến trình CNH, HĐH. Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Tuấn Minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết phải nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài những kiến thức cơ bản, cần trang bị cho người lao động những kỹ năng làm việc trong môi trường hiện đại. Cần có kế hoạch và dự báo cụ thể, chính xác nhu cầu nguồn nhân lực, qua đó mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với định hướng chiến lược phát triển của địa phương. Trong giai đoạn 2010-2015, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cơ sở đào tạo, chú trọng đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, lao động nông thôn, nông dân bị thu hồi đất sản xuất, bộ đội, công an xuất ngũ… Phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 là 55%; năm 2015 là 70% và 80% năm 2020. Từng bước cải thiện môi trường làm việc, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, giữ chân người lao động, góp phần duy trì tốc độ phát triển kinh tế – xã hội cao, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.
Ý kiến ()