Bà Rịa - Vũng Tàu: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 200 triệu USD/năm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện địa phương này đã trở thành một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước với sản lượng hải sản khai thác gần 300 nghìn tấn/năm do khai thác tốt lợi thế chiều dài trên 300 km bờ biển và sự đầu tư phát triển đúng hướng của ngành thủy sản.
Chợ thủy sản ở thành phố Vũng Tàu (Ảnh: K.V) |
Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã từng bước khai thác, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chuyển dịch cơ cấu nghề cá theo hướng khai thác xa bờ, phát triển nuôi thâm canh và nâng cao chất lượng chế biến hải sản xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có trên 5.900 tàu, tổng công suất là 971.640 CV, trong đó đa số là tàu khai thác thủy sản, còn lại là khoảng vài chục tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá, công suất bình quân 164CV/chiếc tàu cá.
Phần lớn các tàu đánh bắt thủy, hải sản ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã được đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến như máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu… Ngoài sự tăng trưởng về số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ, nhiều nghề đánh bắt mới cũng phát triển như nghề câu cá ngừ đại dương, nghề rập ghẹ, rập ốc hương, hàng năm, lĩnh vực khai thác hải sản giải quyết việc làm cho khoảng hơn 30 nghìn lao động.
Sản lượng khai thác năm 2013 là 294.769 tấn. Trong cơ cấu sản lượng hải sản khai thác, sản lượng hải sản từ đánh bắt xa bờ, có giá trị cao, làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu được nâng lên, giảm tỷ trọng hải sản giá trị thấp. Theo đó, giá trị sản xuất thủy sản của Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2013 cũng đã đạt 13.859 tỷ đồng, tăng 11,5% so năm 2012. Trong đó, giá trị khai thác là 12.657 tỷ đồng, nuôi trồng đạt 1.202 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi trồng trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu cũng luôn ổn định vào khoảng 7.852ha, trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 1.862ha và nuôi nước mặn, nước lợ là 5.990ha. Nhằm đẩy mạnh giá trị kinh tế trong việc nuôi trồng thủy sản, Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang hình thành một số vùng nuôi cá và các loại thủy sản khác phục vụ cho xuất khẩu với những sản phẩm nổi tiếng như ngọc trai, ốc hương và cá mú tại huyện Côn Đảo. Tại thành phố Vũng Tàu và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc đã qui hoạch vùng nuôi cá nước ngọt tập trung.
Về chế biến và tiêu thụ, toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chế biến thủy sản, trong đó có 54 cơ sở chế biến xuất khẩu với tổng công suất 150 nghìn tấn thành phẩm/năm, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 9 nghìn lao động. Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, thị trường xuất khẩu từng bước được mở rộng, sản phẩm chế biến có mặt tại 50 nước trên thế giới, sản lượng chế biến hải xuất khẩu đạt 900 nghìn tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu 5 năm trở lại đây đạt bình quân 200 triệu USD/năm.
Để ngành thủy sản phát triển bền vững, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2015, theo đó, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp để ngành thủy sản phát triển có chiều sâu và đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Đó là khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới và nâng cấp tàu khai thác xa bờ, sớm hình thành khu chế biến hải sản tập trung của tỉnh vào năm 2015 để di dời toàn bộ các nhà máy nằm trong khu dân cư và trong các đô thị vào khu chế biến tập trung; tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến hải sản với công nghệ hiện đại trang thiết bị kỹ thuật và đổi mới công nghệ chế biến. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản và tăng cường các biện pháp quản lý nuôi theo quy hoạch; tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, các loại cá, nghêu, đồng thời đẩy mạnh việc sản xuất giống nhân tạo để bảo đảm nhu cầu giống thủy sản ngày càng tăng cao về số lượng và chất lượng.
Cùng với đó, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đa dạng hóa các loại hình nuôi trồng, chế biến, nâng cao hiệu quả khai thác, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đẩy mạnh xuất khẩu, từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu nội địa, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo chính là khai thác và phát triển đúng hướng, ổn định và bền vững thế mạnh thủy sản địa phương.
Theo ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện lao động trong ngành thủy sản chiếm 25,2% tổng số lao động trong các nhóm thuộc ngành nghề kinh tế của địa phương này. Với trên 100 hội viên hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, Hội Nghề cá tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có vai trò tích cực trong việc phát triển ngành nghề thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()