Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với chiều dài hơn 100 km bờ biển, những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tính đến hết tháng 9-2010, trên địa bàn tỉnh đã có 280 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 27,2 tỷ USD và 341 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 135.915 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực vốn là thế mạnh của địa phương, trong đó kinh tế biển chiếm tỷ trọng lớn.Lợi thế cảng nước sâuĐến thời điểm hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 52 dự án cảng, trong đó có 18 cảng đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 34 triệu tấn hàng hóa/năm, 11 dự án cảng đang triển khai xây dựng, 23 cảng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Hầu hết các cảng nước sâu này đều tập trung ở khu vực sông Thị Vải - Cái Mép. Theo kế hoạch, nhiều dự án cảng sẽ tiếp tục được đưa vào hoạt động trong năm 2011 và những năm tiếp...
Lợi thế cảng nước sâu
Đến thời điểm hiện nay, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 52 dự án cảng, trong đó có 18 cảng đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 34 triệu tấn hàng hóa/năm, 11 dự án cảng đang triển khai xây dựng, 23 cảng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Hầu hết các cảng nước sâu này đều tập trung ở khu vực sông Thị Vải – Cái Mép. Theo kế hoạch, nhiều dự án cảng sẽ tiếp tục được đưa vào hoạt động trong năm 2011 và những năm tiếp theo như: cảng Công-ten-nơ Cái Mép thượng – Tân cảng Sài Gòn, Cảng tổng hợp Mỹ Xuân, Cảng đạm và dịch vụ dầu khí tổng hợp… Tuy nhiên, có một thực tế tồn tại nhiều năm là hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh và cả khu vực chưa đáp ứng được tốc độ phát triển hệ thống cảng nước sâu của Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án đường liên cảng nối các cảng của Bà Rịa – Vũng Tàu với các cảng của tỉnh Đồng Nai mới khởi công; tuyến đường 695 nối các cảng trên tuyến sông Thị Vải – Cái Mép đang xuống cấp, công tác sửa chữa, duy tu thực hiện rất chậm; quốc lộ 51, dù được mở rộng, cũng sẽ trở nên quá tải nếu các cấp, các ngành không sớm xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ các cảng của Bà Rịa – Vũng Tàu đi Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý địa phương cần khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của hệ thống cảng nước sâu, đây được xem là một trong những thế mạnh vượt trội của Bà Rịa – Vũng Tàu so với các tỉnh, thành phố khác. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm năm tới, tỉnh sẽ tập trung quy hoạch, khai thác và phát triển mạnh hệ thống cảng nước sâu, chủ yếu trên tuyến sông Thị Vải – Cái Mép, đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng, vận tải biển, dịch vụ logistic, dịch vụ hậu cần cảng… Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Minh Sanh, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của địa phương. Theo đó, tỉnh tiếp tục điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển, đáp ứng cho tàu từ 80 nghìn đến 120 nghìn tấn, đủ khả năng thực hiện vai trò, nhiệm vụ cảng trung chuyển quốc tế, phục vụ cả khu vực miền đông và miền Tây Nam Bộ. Đồng thời tập trung phát triển các khu công nghiệp ven biển, xây dựng các thành phố cảng Phú Mỹ, Vũng Tàu, từng bước hình thành một không gian kinh tế thống nhất, một tuyến hành lang kinh tế đô thị – cảng biển hiện đại, sầm uất.
Du lịch biển – đảo, ngành kinh tế mũi nhọn
Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2015 xác định, đến năm 2010 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thực tế từ năm 2006 đến nay cho thấy, ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu luôn có sự tăng trưởng mạnh cả về lượng khách, doanh thu và số dự án đầu tư. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 6 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các cơ sở, điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu; doanh thu từ du lịch mỗi năm đạt hàng nghìn tỷ đồng. Hiện nay, vùng biển và ven biển từ Vũng Tàu – Long Hải – Phước Hải đến Bình Châu, nơi tập trung gần như 100% các hoạt động du lịch của Bà Rịa – Vũng Tàu, đang được khai thác hiệu quả với nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hình thành một hành lang kinh tế du lịch ven biển liên hoàn. Trong năm năm qua (2005-2010), tại đây đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư mới trong đó có nhiều dự án quy mô lớn với tổng vốn đăng ký từ vài trăm triệu đến vài tỷ USD như: Hồ Tràm Strip (4,23 tỷ USD); Sài Gòn Atlantis Hotel (4,1 tỷ USD); Công viên thế giới kỳ diệu Vũng Tàu (1,299 tỷ USD); Vườn thú hoang dã Safari Bình Châu (500 triệu USD)… Khi những dự án này được xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn không chỉ khách du lịch trong nước mà cả các du khách nước ngoài. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, TP Vũng Tàu… đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước và viễn thông) đến hàng rào các dự án du lịch bằng ngân sách Nhà nước, hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng các doanh nghiệp hình thành các loại hình, sản phẩm du lịch mới, từng bước đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thế mạnh về du lịch của địa phương như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng suối khoáng nóng, du lịch hội nghị, hội thảo… Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chú trọng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để phục vụ nhân dân, đồng thời quảng bá thương hiệu, thu hút khách du lịch như Festival Biển 2006; khai hội Văn hóa – Du lịch hằng năm, giải vô địch cờ vua trẻ thế giới 2008; cuộc thi hoa hậu quý bà đẹp, thành đạt Việt Nam và thế giới 2009… Ngoài ra, tỉnh cũng đã nghiên cứu nâng cấp một số lễ hội dân gian để phục vụ du khách như Lễ hội Dinh Cô (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền), Lễ trùng cửu (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu), lễ hội Nghinh Ông (TP Vũng Tàu)… Việc tổ chức các sự kiện và nâng cấp lễ hội đã góp phần thu hút một lượng lớn du khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu hằng năm và tăng trưởng khá cao. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Tuấn Việt, thời gian tới, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, tập trung đầu tư vào các loại hình, sản phẩm mới, như: lặn biển, đua thuyền, nhảy dù, du lịch mạo hiểm… Đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, phát triển các loại hình văn hóa-nghệ thuật truyền thống; xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào và các dự án du lịch trọng điểm; đăng cai tổ chức một số sự kiện kinh tế, văn hóa, du lịch lớn mang tầm quốc gia và quốc tế nhằm nâng cao tính hấp dẫn, đa dạng của du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nâng cao giá trị nguồn lợi thủy sản
Trong chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2015, Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu xác định, kinh tế thủy sản là một trong những ngành đi đầu trong việc phát triển kinh tế biển của địa phương, có khả năng cạnh tranh, phát triển ổn định, bền vững. Bám sát chiến lược phát triển đó, ngành thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua, đã có sự 'chuyển mình' quan trọng cả về chất và lượng. Hiện toàn tỉnh có gần 6.300 tàu cá, với tổng công suất 725.417 CV. Trong đó, 40% là các tàu đánh bắt xa bờ với 2,518 chiếc, tăng 1.370 chiếc so với năm 2005. Phần lớn các tàu được đầu tư máy móc hiện đại như: máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu…, hằng năm khai thác đạt gần 250 nghìn tấn thủy hải sản các loại. Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Hà Bùi Tiến Sơn, đơn vị đang sở hữu đội tàu câu cá ngừ lớn và hiện đại nhất ở Việt Nam hiện nay, cho biết, công tác bảo quản thủy hải sản sau khai thác rất quan trọng, quyết định chất lượng, giá trị của sản phẩm sau này. Do vậy, dù đồng vốn ban đầu bỏ ra tương đối lớn nhưng đơn vị vẫn mạnh dạn đầu tư. Và thực tế đã chứng minh, hiện Công ty Mạnh Hà là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ có uy tín trên thị trường thế giới, nhất là các thị trường khó tính, như Nhật Bản, châu Âu…
Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua, cũng như nhiều địa phương khác, ngành thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi thủy hải sản giảm mạnh. Một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao trước đây ngư dân đánh bắt được với số lượng lớn, như: cá thu, cá mú, tôm hùm, mực… giờ trở nên khan hiếm. Trong khi đó, giá nhiên liệu đầu vào lại tăng đã làm hạn chế đáng kể tính cạnh tranh của các sản phẩm thủy hải sản Bà Rịa – Vũng Tàu trên thị trường. Để khắc phục tình trạng trên, theo Giám đốc Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Côn Đảo Lê Văn Kháng, các đơn vị trong ngành cần chủ động tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng làm ăn gian dối, cạnh tranh không lành mạnh… Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 170 doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản, trong đó có 54 cơ sở chế biến xuất khẩu với tổng công suất 150.000 tấn thành phẩm/năm. Hầu hết các cơ sở chế biến xuất khẩu đều đạt tiêu chuẩn HACCP, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản… Nhờ đó, thị trường xuất khẩu của thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng rộng mở, có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động. Từ những kết quả đạt được, ngành thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu trong giai đoạn 2010-2015 đạt tổng giá trị sản xuất hơn 13 nghìn tỷ đồng, bằng 142,97% so với giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,34%/năm; tổng sản phẩm xuất khẩu đạt 600 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD…
Để đạt được những mục tiêu trên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Sanh, ngành thủy sản cần tăng cường hợp tác quốc tế, đổi mới công nghệ, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng như: Nga, châu Phi, các nước Ả Rập, Nam Mỹ… Đồng thời cần chú trọng phát triển thị trường trong nước thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng cao, giá cả hợp lý… Trong thời gian tới, ngoài việc khuyến khích ngư dân đầu tư phương tiện khai thác hải sản xa bờ, trang thiết bị hiện đại, chú trọng thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tỉnh tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, đa dạng hóa loại hình sản xuất trên cả ba vùng: mặn, ngọt, lợ. Đồng thời tiếp tục đầu tư hoặc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình dịch vụ hậu cần nghề cá.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng chí Nguyễn Tuấn Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, trong giai đoạn tiếp theo, ngoài đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó tiềm năng kinh tế biển đóng vai trò chủ đạo, xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm cảng nước sâu của khu vực, là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.
Theo Nhandan
Ý kiến ()